Tóm tắt:
|
PGS. TS. Phạm Thế Anh Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trình bày nội dung báo cáo. Ông cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2020 đạt mức 3,82% so với cùng kỳ năm trước, suy yếu ở cả 3 khu vực kinh tế (khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 3,27%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 0,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%).
VEPR dự báo, tổng thu NSNN năm nay có thể không đạt kế hoạch do nhiều nguyên nhân: Kết quả kinh doanh sụt giảm của các doanh nghiệp; sự sụt giảm thu nhập của người lao động; sự thắt chặt đầu tư và tiêu dùng. Trong khi đó, tổng chi có thể tăng vượt dự toán để giảm thiểu tác động của bệnh dịch. Dự kiến, thu ngân sách có thể ước giảm khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng, thâm hụt ngân sách của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 1,5-1,6% lên 5%-5,1% GDP.
Bàn về triển vọng kinh tế năm 2020, VEPR đưa ra ba kịch bản kinh tế được xây dựng dựa trên ba kịch bản về khả năng kiểm soát dịch bệnh trong nước và trên thế giới. Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, với giả định dịch Covid-19 không bùng phát mạnh ở Việt Nam như ở Vũ Hán, trong trường hợp kịch bản xấu nhất, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng âm.
VEPR khuyến nghị Chính phủ cần đưa ra các chính sách đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. Chính sách giảm giá điện hay tiền thuê đất được đánh giá là cần thiết và phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Chính phủ cũng cần xây dựng các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với các cấp độ về bệnh dịch (chia thành các cấp độ chính sách “hỗ trợ” và “cứu trợ”).
|