Sau gần 4 năm “mắc kẹt” tại Bắc Giang, anh Cao Tuấn Dũng vừa có một pha thoát hiểm ngoạn mục khi thoát hàng thành công 3 lô đất nền khu vực cửa ngõ TP. Bắc Giang, thu về khoản lời hơn 3 tỷ đồng dù trước đó từng “mất ăn mất ngủ”.
Anh Dũng kể, vào cuối năm 2021, khi thị trường đất nền cả nước sốt xình xịch, đất nền Bắc Giang cũng liên tục nhảy múa. Anh nhanh chóng “bắt sóng”, quyết định rót hơn 7 tỷ đồng mua vào 2 lô đất tại cửa ngõ thành phố và 1 lô đất tại huyện Việt Yên.
“Thoát hiểm” thu tiền tỷ
2 khu đất cửa ngõ thành phố Bắc Giang được anh Dũng mua vào bởi vị trí đẹp, nằm gần khu vực giao cắt giữa quốc lộ 31 và 1A, cùng những quy hoạch khá bài bản xung quanh.
Các lô đất có diện tích lần lượt 70m2 và 75m2, giá bình quân 1,5 – 1,7 tỷ đồng, từng được nhà đầu tư sau trả lên 2,5 tỷ đồng, nhưng sau đó cơn sốt đi qua, thanh khoản thị trường lao dốc, anh Dũng kẹt lại khu vực này trong hơn 3 năm qua, khách cứ đến hỏi rồi lại đi.
Chuyện về lô đất tại huyện Việt Yên thậm chí còn “ly kỳ” hơn, khi vào cuối năm 2021, anh Dũng cùng nhóm của mình về khu vực xã Quang Châu để tìm kiếm cơ hội từ các “chảo lửa” đấu giá đất. Thời điểm đó, các phiên đấu giá tại khu dân cư Đồng Vân hay Bắc Quang Châu luôn nóng hầm hập, có phiên dù chỉ có 460 lô đất nhưng có đến hơn 5 nghìn hồ sơ tham gia.
Giá trúng bình quân các lô đất đấu giá thường gấp 2-5 lần mức khởi điểm. Sau đấu giá, nhiều người sang tay “ăn chênh” cả trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Chớp thời cơ, anh Dũng cũng rót 3,8 tỷ đồng “ôm” vào 1 lô đất diện tích 105m2, tưởng cục vàng hóa ra cục nợ.

Thị trường đất nền các tỉnh ven Hà Nội đang tăng nhiệt từng ngày kể từ sau Tết đến nay.
“Lô đất trúng đấu giá của tôi sau đó từng có người trả gần 6 tỷ đồng, tức chênh gần 2 tỷ đồng, nhưng rồi thị trường lao dốc, thanh khoản chạm đáy. Vào giữa năm 2023, tôi từng rao bán lỗ 200 triệu đồng nhưng không tìm được khách”, nhà đầu tư gốc Hà Nội chia sẻ.
Nhưng rồi, giống như câu chuyện “tái ông thất mã”, sau thời gian mất ăn mất ngủ, kể từ đầu năm 2024, thị trường đất nền vùng ven, đặc biệt là Bắc Giang, bắt đầu ấm dần lên, những cơn sốt đất cục bộ xuất hiện, mở ra cơ hội thoát hàng cho anh Dũng.
Chỉ trong 2 tháng qua, anh Dũng bán chốt lời thành công 3 lô đất, bình quân mỗi lô lời hơn 1 tỷ đồng. Theo lời anh Dũng, những lô đất vốn bị “ế” suốt 4 năm, giữ giá gốc thì không ai mua, đến khi sóng nổi lên, giá tăng gần gấp rưỡi thì chỉ trong vài tuần đã có khách “chốt”.
“Thực tế thì giá các lô đất trên vẫn có thể tăng cao hơn, nhưng vì quá mệt mỏi tại đây nên tôi muốn chuyển sang khu vực khác. Một pha thoát hiểm ngoạn mục với bản thân tôi, đúng là với đất nền thì lỗ và lãi chỉ cách nhau nửa gang tay”, anh Dũng thổ lộ với VnBusiness.
Sóng vẫn đang tiếp tục dâng
Thực tế, những trường hợp “bỗng dưng trúng đậm” như anh Dũng không hiếm trong thời gian qua, khi thị trường đất nền khắp các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh vùng ven đang leo thang, mở ra cơ hội chốt lời cho nhiều nhà đầu tư từng “đu đỉnh” giai đoạn trước.
Đơn cử, kể từ đầu quý IV/2024, hiệu ứng từ các đợt đấu giá nóng hầm hập tại Hoài Đức và các khu vực vùng ven Hà Nội, cùng với đó là thông tin tích cực từ tiến độ siêu dự án Vành đai 4, thị trường đất nền Hoài Đức bắt đầu ấm trở lại.
Anh Đông, nhà đầu tư chuyên đất nền ven đô “quay xe” dừng cắt lỗ lô đất 70m2 ở xã Tiền Yên. Gồng thêm hơn nửa năm, anh Đông vừa chốt bán thành công lô đất, thu về gần 3,3 tỷ đồng, tương đương 47 triệu đồng/m2. Với mức giá này, thay vì bán lỗ gần 600 triệu đồng (cho 2 đợt giảm giá), anh Đông bất ngờ có lãi hơn 1,3 tỷ đồng.
Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2025 của Batdongsan vừa công bố cũng chỉ ra thời gian qua, sau khi bùng nổ thông tin về sáp nhập các tỉnh thành, giá và lượng tìm kiếm đất nền trên cả nước biến động mạnh, tăng trung bình từ 20-67% so với cùng kỳ.
Tại khu vực phía Bắc, giá rao bán đất nền Hà Nội tăng 42%, Bắc Giang (+80%), Hải Dương (+100%), Hưng Yên (+75%), Bắc Ninh (+52%), Hà Nam (+50%), Nam Định và Thái Bình (+44%)...
Đi cùng với giá, lượt tìm mua đất nền tháng 3 cũng tăng trung bình 50% so với tháng 2 trước đó. Đất nền Hà Nội có lượt tìm kiếm tăng 52%, TP.HCM tăng 31%, các tỉnh còn lại tăng từ 54-140% so với tháng 2. Phân khúc đất nền cũng được các đơn vị sàn môi giới đánh giá là tăng trưởng mạnh nhất về giao dịch trong quý I.
Những diễn biến từ thực tế cho thấy đất nền vẫn luôn là một kênh đầu tư "vua" do sự đa dạng về diện tích, giá bán, đối tượng đầu tư, đặc biệt là chu kỳ tăng giá ngắn hơn so với đa phần loại hình khác, ngay cả với loại hình chung cư vốn được kỳ vọng dẫn dắt thị trường bất động sản năm 2025 nhưng đang có xu hướng chững lại thời gian qua.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, nhận định "đất nền vẫn là vua". Những nhà đầu tư sẵn “vốn thịt” hoặc dùng đòn bẩy tài chính thấp có thể cân nhắc xuống tiền.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi mua đất nền theo thông tin quy hoạch vì có giá cao, lãi thấp và chậm. Nên chọn mua những vùng có quãng giá còn tăng dài để mua.
Ví dụ mua đất quanh khu công nghiệp thì nên tránh các vùng có giá 15 - 20 triệu đồng/m2, vì sẽ khó tăng 30 - 40 triệu đồng/m2 trong 1 - 2 năm. Nhưng nếu mua đất có giá 5 - 7 triệu đồng/m2, thì khả năng tăng lên 12 - 15 triệu đồng/m2 sẽ cao hơn. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là pháp lý an toàn.
“Trong dài hạn, giá đất có thể tiếp tục tăng lên và giao dịch sẽ trở lại. Tuy nhiên, trong ngắn hạn (ít nhất là 1-2 năm tới), thị trường khó có sự bứt phá, vì vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ về dòng tiền, hạn chế đi vay, tìm hiểu rõ ràng về quy hoạch, pháp lý và khả năng thanh khoản khi đầu tư”, một chuyên gia khuyến cáo.
Hưng Nguyên-Link gốc