Tóm tắt:
|
VN-Index tìm thấy lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.220 điểm và ghi nhận tuần phục hồi ấn tượng với sắc xanh được lan tỏa sau phiên đáo hạn hợp đồng tương lai của VN30. Kết thúc tuần, VN-Index tăng 18,63 điểm và đóng cửa tại 1.249,11 (+1,51% WoW); đồng thời kết thúc chuỗi giảm kéo dài hai tuần liên tiếp.
Trái ngược với diễn biến của tuần trước đó, sắc xanh trong tuần qua bao phủ gần như toàn bộ các nhóm ngành. Trong đó, Ngân hàng tiếp tục là nhóm cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt thị trường với mức đóng góp 7,45 điểm đến đà tăng chung tại sàn HOSE trong khi diễn biến chung tại các ngành còn lại không có sự nổi bật đáng kể. Trong khi đó, thanh khoản tiếp tục ảm đạm với giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân đạt khoảng 8,4 nghìn tỷ đồng mỗi phiên (-14% WoW).
Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 4,7 nghìn tỷ đồng tuần qua, nâng tổng lượng bán ròng kể từ đầu năm đạt 6,61 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phần lớn lượng mua ròng tập trung tại KBC (86 tỷ), HDB (83 tỷ) và VGB (56 tỷ) trong khi khối ngoại bán ròng đối với VIC (-2.068 tỷ), FPT (-799 tỷ), STB (-351 tỷ), SSI (-219 tỷ).
Bên cạnh đó, nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước mua ròng 1,34 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhóm Tự doanh mua ròng 118 tỷ đồng với tâm điểm xoay quanh các cổ phiếu như MWG (+165 tỷ), E1VFVN30 (+125 tỷ), FPT (+63 tỷ) trong khi bán ra đối với STB (-150 tỷ).
Ở một khía cạnh khác, các quỹ ETF rút ròng 194 tỷ đồng trong tuần qua, với mức rút ròng kể từ đầu năm đạt khoảng 477 tỷ đồng tính đến ngày 17/01.
Triển vọng: Đà tăng trong tuần qua kết hợp với tính chu kỳ thường thấy sau các phiên đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 sẽ là những tiền đề phù hợp cho xu hướng tăng tiếp diễn trong tuần giao dịch tiếp theo. Trong kịch bản tích cực, chúng tôi cho rằng VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm và chinh phục vùng 1.260 điểm với động lực chính sẽ xoay quanh nhóm Ngân hàng. Ở chiều ngược lại, thanh khoản liên tục sụt giảm trong ba tuần gần nhất cùng với tâm lý giao dịch có phần thận trọng giữa cung và cầu trong tuần qua có khả năng sẽ tiếp tục khiến cho diễn biến giao dịch trong tuần giao dịch cuối cùng trước thềm Tết Nguyên Đán trở nên trầm lắng với thanh khoản duy trì ở mức thấp và biên độ giao dịch không quá lớn; hoặc đồng thời có thể ghi nhận các nhịp rung lắc bất ngờ do ảnh hưởng của sự thận trọng trong hoạt động giải ngân trước kỳ nghỉ lễ dài.
|