Ông Nguyễn Quốc Định, Chủ tịch HĐQT CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) cho biết, kế hoạch nâng cấp lên chuẩn EU-GMP đối với nhà máy tại Bình Dương vẫn đang triển khai đúng tiến độ, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2016.
Việc nâng chuẩn nhà máy sẽ giúp IMP tăng tỷ trọng kênh điều trị (ETC), tuy nhiên theo ông Định, mục tiêu lớn hơn của việc nâng chuẩn nhà máy này là hướng tới thị trường xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng. Mục tiêu tỷ trọng xuất khẩu là 5% tổng doanh thu.
Nhà máy tại Bình Dương của IMP sản xuất dòng sản phẩm Betalactam với hai loại kháng sinh Penicillin và Cephalosporin. Trong đó, dây chuyền Penicillin sản xuất thuốc tiêm với công suất 4 triệu đơn vị sản phẩm/năm và dây chuyền Cephalosporin sản xuất thuốc uống và tiêm với công suất 800 triệu đơn vị sản phẩm/năm.
Sau khi nhà máy được nâng cấp, kênh ETC của IMP được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn sau giai đoạn sụt giảm do ảnh hưởng bởi Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC về quy định đấu thầu khi Nghị định mới về đấu thầu được áp dụng.
Theo nghị định này, hạng mục đấu thầu sẽ được phân loại thành các nhóm sâu hơn đối với các thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP và PICS-GMP, thì thuốc đấu thầu của IMP có thể sẽ được phân vào nhóm A (dành cho chuẩn cao hơn là EU-GMP) thay vì được xếp vào nhóm DN có chuẩn PICS-GMP như hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc, IMP sẽ cạnh tranh thầu trực tiếp với các công ty nước ngoài với khả năng trúng thầu cao hơn, do giá sản phẩm của những DN này thường rất cao.
Ông Định cho biết, sau Thông tư 01 và Thông tư 36 sửa đổi, Công ty đã thay đổi chiến lược, chuyển hướng tập trung sang kênh OTC. Năm 2012, kênh ETC chiếm khoảng 58% doanh thu, OTC khoảng 42%, thì năm 2013, kênh ETC còn 40% và OTC chiếm 60% doanh thu.
Năm 2014, kênh OTC chiếm tới 80% và trong 6 tháng đầu năm 2015, kênh OTC chiếm 88% tổng doanh thu. Hiện IMP gặp khó khăn trong kênh điều trị nhưng khi nâng cấp nhà máy, kỳ vọng IMP sẽ quay lại tăng trưởng trên kênh ETC. Tuy nhiên, ông Định khẳng định, kênh ETC sẽ không chiếm tỷ trọng 60% như trước, mà mục tiêu khoảng 30 - 40% doanh thu để tránh rủi ro như vài năm qua.
Liên quan đến đối tác chiến lược Phano, bên cạnh việc hợp tác trong phân phối các sản phẩm chất lượng cao của IMP, đối tác cũng hỗ trợ đưa các hợp đồng sản xuất nhượng quyền về cho IMP. Ngoài ra, hai bên cũng định hướng phát triển nhãn hàng riêng, kỳ vọng đạt 15% tổng doanh thu trong tương lai.
Phan Hằng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.