Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo đánh giá triển vọng CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM).
CPTPP đang được thị trường kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp dệt may nội địa, đặc biệt là TCM – đơn vị sở hữu hệ thống sản xuất khép kín từ sợi đến hàng may mặc.
Theo đánh giá của VDSC, sự vắng mặt của Mỹ khiến CPTPP không còn quá hấp dẫn. Trong khi đó, hàng dệt may từ Việt Nam xuất vào thị trường Nhật Bản đang được nhận ưu đãi thuế 0% theo hiệp định VJEPA nên CPTPP cũng không có quá nhiều ý nghĩa.
Điểm hấp dẫn nhất của Hiệp định CPTPP theo VDSC đánh giá nằm ở tiềm năng từ các thị trường mới. Chỉ tính riêng ba nước Canada, Australia và Mexico, tổng dung lượng thị trường may mặc đã lên đến 22 tỷ USD (tương đối lớn khi so với kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam khoảng 30 tỷ USD trong năm 2017).
Tuy nhiên trong ngắn hạn, sự hạn chế trong khả năng mở rộng năng lực sản xuất của TCM khiến lợi ích từ CPTPP không thật sự rõ ràng.
VDSC chỉ ra vấn đề hiện tại của TCM nằm ở khu CN Hòa Phú, Vĩnh Long, địa điểm sẽ là “đại bản doanh” trong tương lai. Hiện tại, TCM đang sở hữu 13ha đất (sắp tới sẽ nâng lên 20ha) nhưng chỉ mới triển khai một nhà máy may với diện tích 1,5ha.
Với thế mạnh về đất đai, nhà xưởng, một số nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định sẽ góp vốn với TCM để đầu tư mở rộng hoạt động tại khu CN Hòa Phú (có thể theo hình thức phát hành riêng lẻ). Tuy nhiên, do TCM chưa thể nới room lên 70% bởi những vướng mắc liên quan đến dự án bất động sản TC Tower.
Cách giải quyết khả thi nhất lúc này chính là chuyển nhượng dự án TC Tower, nhưng đây lại là một quyết định khó khăn khi nhìn vào kế hoạch lợi nhuận của dự án lên đến hơn 200 tỷ đồng.
Như vậy, TCM đang trong tình huống lưỡng nan khi phải quyết định (1) tiếp tục phát triển dự án TC Tower hay (2) chuyển nhượng dự án để thỏa điều kiện nới room, từ đó huy động vốn phát triển hoạt động cốt lõi.
Hiện tại VDSC vẫn chưa đánh giá được “số phận” của dự án TC Tower, nhất là trong bối cảnh TCM sẽ có Tổng giám đốc mới trong tuần sau.
Trong trường hợp TCM không chuyển nhượng dự án, việc nới room nhiều khả năng tiếp tục bị trì hoãn, từ đó việc mở rộng năng lực sản xuất cũng vì thế mà chưa thể triển khai. Hiện tại khi mà các nhà máy đang hoạt động 100% công suất để phục vụ các khách hàng cũ, TCM khó có thể đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng mới.
Trong trường hợp TCM chuyển nhượng dự án TC Tower và nới room thành công, câu chuyện CPTPP cũng chưa chắc có tác động trong năm nay. Một vấn đề mà TCM đang đối mặt khi phát triển thị trường nước ngoài là nhân sự.
Nhìn chung, trong cả hai trường hợp, lợi ích từ CPTPP đối với TCM khả năng cao sẽ chưa rõ ràng trong ngắn hạn.
ANH THƯ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.