Sáng ngày 25/54/2018, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của Ngân hàng TMCP An Bình – ABBANK đã diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2017, ABBANK dự kiến chia cổ tức 7,4%, tương đương trích 393,6 tỷ đồng trong đó 3,7% bằng tiền và 3,7% bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, ngay tại Đại hội, chủ tọa đoàn ABBANK cho biết, liên quan đến chia trả cổ tức năm 2017, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến và đề nghị ABBANK chia trả cổ tức năm 2017 toàn bộ bằng cổ phiếu, tỷ lệ 7,4%.
Năm 2018, ABBANK đặt kế hoạch tổng tài sản 106.198 tỷ đồng, tăng 25%; tăng trưởng dư nợ 22%. trong đó tăng trưởng thị trường 1 là 15%, tương đương đạt 55.263 tỷ đồng; huy động thị trường 1 đạt 82.837 tỷ đồng, tăng 32% so với thời điểm cuối năm 2017.
Tổng thu nhập kế hoạch 3.261 tỷ đồng, tăng 22%; lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, tăng trưởng 49% so với thực hiện năm 2017. Thu hồi/xử lý tối thiểu 700 tỷ đồng nợ xấu chuẩn quốc tế, tương đương kết quả thực hiện trong năm 2017.
Đối với lợi nhuận trước thuế năm 2018, bên cạnh chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt mức 900 tỷ đồng đã được ĐHCĐ thông qua, HĐQT ABBANK cho biết mức lợi nhuận trước thuế mà ngân hàng kỳ vọng sẽ đạt được trong năm 2018 là 1.200 tỷ đồng, dựa trên đánh giá tích cực về thị trường tài chính và kết quả kinh doanh trong quý I/2018 mà ABBANK đã đạt được là 365 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Năm 2018, ABBANK tiếp tục chiến lược kinh doanh tập trung vào lĩnh vực bán lẻ trong đó chú trọng phát triển mảng kinh doanh khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa; tối đa hóa hiệu quả của hệ thống mạng lưới sẵn có bằng việc phát triển mảng kinh doanh khách hàng cá nhân tại tất cả các điểm giao dịch.
Một nội dung quan trọng trong kỳ họp năm nay, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu ABBANK tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), thực hiện ngay trong năm 2018.
Năm nay, Đại hội đồng cổ đông ABBANK thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ lên gấp đôi mức hiện tại (hơn 5.319 tỷ đồng) nhằm cải thiện chỉ số an toàn theo quy định hiện hành, đáp ứng CAR theo định hướng theo chuẩn Basel II; tăng năng lực tài chính, thêm nguồn vốn cho nhu cầu phát triển các hoạt động của ngân hàng.
ABBANK sẽ tăng vốn điều lệ bằng việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 7,4%; phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế còn lại chưa phân phối; chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu; và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư và phát hành ESOP. Giá cổ phiếu chào bán cho cổ đông và nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn mệnh giá.
Ông Vũ Văn Tiền thôi làm chủ tịch HĐQT
Đại hội đồng cổ đông đã bầu ra thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới 2018 – 2022. Số lượng thành viên HĐQT là 7, trong đó có 2 thành viên độc lập mới là Ông Lưu Văn Sáu và Ông Nguyễn Danh Lương. BKS bao gồm 3 thành viên, trong đó có 2 thành viên chuyên trách, .
Đặc biệt, HĐQT nhiệm kỳ mới đã bầu ông Đào Mạnh Kháng (từng là Phó Chủ tịch HĐQT ABBANK) giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ABBANK nhiệm kỳ 2018-2022.
Ông Đào Mạnh Kháng là Tiến sĩ Kinh tế trường Đại học Thương mại, đã có 25 năm kinh nghiệm công tác trong ngành tài chính ngân hàng và 13 năm làm việc tại ABBANK với các chức vụ quan trọng như: Thành viên Ban kiểm soát, thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT ABBANK.
Hiện, ông Đào Mạnh Kháng đang đảm nhận nhiệm vụ bảo trợ dự án “Nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của ABBANK”. Đây là dự án trọng điểm, đầy thách thức, đánh dấu bước chuyển mình của ABBANK.
Đại hội thảo luận
Tăng vốn điều lệ lên gấp đôi – Cổ đông ủng hộ nhưng ABBANK cần cân nhắc
Trả lời câu hỏi của cổ đông về lộ trình tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, bao giờ ABBANK có phương án phát hành vốn, chủ tọa đoàn ABBANK cho biết: Thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường vốn đang có cơ hội hiếm có, 10 năm mới quay lại, vì vậy việc huy động vốn thông qua chào bán sẽ mang lại hiệu quả cho Ngân hàng.
HĐQT ABBANK đã chỉ đạo Ban điều hành lên các phương án tăng vốn; ban điều hành sẽ có giải trình xin ý kiến cổ đông; sau khi được ĐHĐCĐ chấp thuận, ABBANK sẽ trình Ngân hàng Nhà nước để xin tăng vốn.
Phát biểu ý kiến tại Đại hội, cổ đông lớn là tổ chức nước ngoài IFC cho biết, IFC đồng thuận với đề xuất của ABBANK về tăng vốn và niêm yết. Tuy nhiên, IFC mong muốn HĐQT ABBANK bàn luận kỷ lưỡng để niêm yết thành công. Đối với chủ trương tăng vốn, IFC ủng hộ chủ trương ABBANK tăng vốn điều lệ, nhưng ABBANK phải cân nhắc tăng vốn ở mức độ nào.
Bởi theo IFC, việc tăng vốn lên gấp đôi sẽ ảnh hưởng pha loãng cổ phiếu và các chỉ số tài chính của ngân hàng như ROE sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, khi vốn thu về từ đợt phát hành lớn, ABBANK chưa sử dụng hết cho các hoạt động đầu tư hiệu quả, dễ sẽ dẫn đến dùng vốn dư thừa cho khách hàng vay, qua đó hoạt động cho vay được nới lỏng hơn, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của ngân hàng. Vì vậy, IFC đề nghị ABBANK cần quan tâm, bàn bạc để đưa ra phương án tăng vốn phù hợp với nhu cầu, khả năng phát triển của Ngân hàng.
Tiếp thu ý kiến, chủ tọa đoàn ABBANK thông tin thêm, IFC và Maybank đã hỗ trợ cho ABBANK rất nhiều về kỷ năng quản trị- bài học quan trọng cho ABBANK hiện tai, tương lai và lâu dài; đã hỗ trợ cho ABBANK nguồn vốn 150 triệu USD; hình ảnh cho ABBANK phát triển trong thời gian vừa qua.
Trao đổi với báo giới, ông Đào Mạnh Kháng cho biết, vốn huy động được từ đợt phát hành sẽ có khoảng 1.000 tỷ đồng dùng để đầu tư vào công nghệ, đầu tư vào digital banking, trong đó có khoảng 200-300 tỷ đồng đầu tư vào ngân hàng ảo và Fintech.
Quý I lợi nhuận trước thuế 365 tỷ đồng, đã dự phòng hơn 50% cho khoản trái phiếu VAMC
Trả lời câu hỏi của cổ đông về trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành và nợ xấu nội bảng, chủ tọa đoàn ABBANK cho biết, đến cuối năm 2017, nợ xấu nội bảng của ABBANK khoảng 1.300 tỷ đồng; trái phiếu VAMC kỳ hạn 5 năm là 2.010 tỷ đồng, hiện tại là 2.160 tỷ đồng, ABBANK đã trích dự phòng trái phiếu VAMC là 1.080 tỷ đồng. Hầu hết các khoản nợ xấu bán cho VAMC đều có tài sản đảm bảo.
Năm 2017, ABBANK đã không bán thêm nợ xấu cho VAMC, nợ xấu mới phát sinh ABBANK đều khắc phục được.
Kết quả kinh doanh quý I, lợi nhuận trước thuế đạt 365 tỷ đồng, đạt kết quả khả quan khi mà quý I có Tết Nguyên đán. ABBANK kỳ vọng mức lợi nhuận thử thách 1.200 tỷ đồng mà HĐQT đặt ra cho Ban điều hành trong năm 2018 sẽ đạt được.
Về tình hình thoái vốn khỏi ABBANK của EVN, EVN đã thoái vốn 2 năm nay, không còn còn hiện hữu tại ABBANK nhưng ABBANK và EVN đã có hợp đồng hợp tác chiến lược lâu dài, ABBANK tài trợ vốn cho các nhà thầu của EVN, tài trợ vốn cho các nhà thầu có bảo lãnh của EVN.
HỒNG QUÂN
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.