Theo BCTC hợp nhất bán niên soát xét, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) ghi nhận lãi sau thuế tăng từ 213 tỷ trên báo cáo tự lập lên 377,6 tỷ đồng, tức tăng 77,5% (gần 165 tỷ đồng); lãi ròng của cổ đông công ty mẹ cũng tăng mạnh từ 322,3 tỷ đồng lên 488,7 tỷ đồng, tăng 51,6%. Nguyên nhân do lợi nhuận gộp nửa đầu năm của tổng công ty tăng thêm 23 tỷ đồng và phần lãi trong hoạt động liên doanh, liên kết điều chỉnh tăng thêm 136%, ứng 187,5 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Công ty cho biết lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng do điều chỉnh doanh thu, chi phí của các hợp đồng, dự án đã hoàn thành sau khi thu thập được đầy đủ hồ sơ xác định giá trị có liên quan; lợi nhuận liên doanh, liên kết tăng do thay đổi hình thức cho thuê tài sản tại công ty liên doanh ở nước ngoài.
Sau soát xét, tổng tài sản công ty tăng từ 23.534 tỷ đồng lên 23.853 tỷ đồng, tức tăng 318 tỷ đồng. Trong đó, phần tăng trong đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh là 187,8 tỷ đồng và khoản phải thu ngắn hạn tăng thêm 166 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6, PVS có 7 công ty liên doanh, liên kết gồm 3 liên doanh ở Singapore, 2 ở Malaysia và 2 ở Việt Nam.
Nhận kết quả ngược lại so với PVS, BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2018 cho thấy CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) lỗ sau thuế 732 tỷ đồng, tăng thêm 164 tỷ so với báo cáo tự lập. Lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ cũng tăng thêm 124 tỷ lên 685,2 tỷ.
Sau soát xét, doanh thu TTF giảm 12 tỷ đồng nhưng giá vốn tăng thêm 180 tỷ đồng lên 509 tỷ dẫn đến lỗ gộp 186 tỷ đồng thay vì 3,3 tỷ trên báo cáo tự lập. Việc tăng mạnh giá vốn là nguyên nhân chính yếu khiến TTF càng lỗ. Theo thuyết minh, giá vốn tăng mạnh do công ty phải dự phòng giảm giá hàng tồn kho đến 198 tỷ đồng trong khi giá vốn các hợp đồng thi công công trình giảm mạnh theo sự sụt giảm trong doanh thu.
Không chỉ tăng lỗ, đơn vị kiểm toán lưu ý tại ngày 30/6, TTF phát sinh khoản lỗ thuần 731,8 tỷ đồng và gánh chịu khoản lỗ lũy kế 2.092 tỷ đồng. Đồng thời, nợ phải trả ngắn hạn của nhóm công ty cũng vượt hơn tài sản ngắn hạn với số tiền 100,7 tỷ đồng. Theo đó, kiểm toán cho rằng các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) công bố BCTC hợp nhất soát xét bán niên với con số lãi sau thuế 100 tỷ đồng, giảm 40 tỷ so với trước soát xét; cổ đông công ty mẹ nhận khoản lỗ ròng 34,5 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 23,5 tỷ đồng.
Doanh thu thuần HAG nửa đầu năm 2018 đạt 2.914,7 tỷ đồng, giảm 6,3 tỷ so với báo cáo tự lập; giá vốn tăng thêm 17,52 tỷ. Bởi vậy, lãi gộp HAG còn đạt 1.428 tỷ đồng, giảm 24 tỷ so với trước soát xét. Thêm vào đó, chi phí tài chính tăng thêm hơn 38 tỷ đồng trong khi các khoản mục khác thay đổi không đáng kể khiến cho lãi sau thuế HAG giảm mạnh và cổ đông công ty mẹ gánh thêm lỗ.
CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HOSE: HAR) sau soát xét, lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 67% và lợi nhuận cổ đông công ty mẹ giảm 68% so với báo cáo trước đó.
Hầu hết các khoản mục không thay đổi nhiều nhưng riêng chi phí quản lý tăng từ 7,57 tỷ lên 10,91 tỷ đồng, tức tăng 44% sau soát xét. Điều này khiến lãi sau thuế của HAR giảm từ 5,4 tỷ xuống 1,8 tỷ, phần lãi thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm từ 5,3 tỷ về 1,7 tỷ đồng.
Theo thuyết minh, chi phí quản lý doanh nghiệp của HAR tăng mạnh ở hầu hết các khoản mục như chi phí nhân viên quản lý gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước lên 2,78 tỷ, chi phí khấu hao gấp 2,9 lần lên 2,56 tỷ đồng và phát sinh khoản lợi thế thương mại phân bổ 3,3 tỷ đồng. Riêng chi phí quản lý ngốn 58% lợi nhuận gộp công ty.
Tường Như
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.