Tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan được tổ chức chiều 17/9, hàng chục câu hỏi, thắc mắc, ý kiến của các DN Hàn Quốc được gửi đến lãnh đạo Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
DN Hàn Quốc đóng 2-3% thu ngân sách
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết hiện nay, dòng vốn đầu tư đến từ Hàn Quốc không chỉ hoạt động ở một số tỉnh như Bắc Ninh, Thái Nguyên, mà đã mở rộng ra các tỉnh, thành trên cả nước như Hải Dương, Phú Thọ, Ninh Bình, Nghệ An. Đặc biệt, dòng vốn có xu hướng đầu tư vào các tỉnh miền núi như Yên Bái, Tuyên Quang…
Theo Bộ KH&ĐT, Hàn Quốc đang có 6.760 dự án với vốn đầu tư đăng ký là 59 tỷ USD còn hiệu lực tại Việt Nam, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư trong tổng số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án tập trung vào mảng công nghiệp chế tạo, kinh doanh bất động sản, năng lượng, cơ khí và điện.
Số liệu thống kê của Tổng cục Thuế về công tác quản lý thuế ở khối DN Hàn Quốc cho thấy, hiện có 6.000 DN Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, chiếm gần 1% tổng số lượng DN đang hoạt động tại Việt Nam. Chỉ tính trong vòng 2 năm qua, các DN Hàn Quốc đóng góp khoảng 2-3% tổng thu ngân sách.
"Đây cũng là những đơn vị tiêu biểu trong khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, góp phần không nhỏ trong việc giúp cơ quan quản lý thuế ở Việt Nam thu thuế minh bạch, hiệu quả", ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, do những hạn chế trong hiểu biết, cũng như cập nhật về thuế, quá trình kiểm tra cơ quan thuế phát hiện nhiều DN Hàn Quốc kê khai thuế sai, kê khai thiếu.
Vì vậy, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực tháo gỡ vướng mắc về chính sách cho các DN Hàn Quốc, tập trung ưu đãi miễn giảm thuế, hoàn thuế, vướng mắc về ưu đãi đầu tư vào khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao…
Chồng chéo luật
Tại Hội nghị, hàng chục DN Hàn Quốc đã "kêu" những khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh vì chồng chéo luật.
Đại diện công ty TNHH POSCO Vietnam Holdings phàn nàn rằng hiện nay, DN này mua thép từ các công ty thương mại trong nước. Quan điểm của công ty là các sản phẩm này được chế biến từ tài nguyên khoáng sản, sau đó đã được chế biến thành sản phẩm khác. Nghị định 100 của Chính phủ quy định hoàn thuế đối với sản phẩm xuất khẩu có nguồn gốc từ tài nguyên khoáng sản.
"Tuy nhiên, trong chính sách không quy định rõ về sản phẩm khác, nên chúng tôi hoàn thuế tại Cục Thuế Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn phải xác định tỷ lệ phần trăm về tài nguyên khoáng sản. Quy định này khiến DN chưa đảm bảo được ưu đãi về thuế", vị đại diện này nói.
Trong khi đó, đại diện một DN Hàn Quốc chuyên nhập khẩu phế liệu thắc mắc liên quan đến lĩnh vực thuế hải quan: Điều 34 Nghị định 187 hướng dẫn thanh lý thanh khoản hợp đồng gia công được miễn thuế có nhiều vướng mắc với Khoản 4 Điều 10 Nghị định 134 quy định: "phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế nhập khẩu khi tiêu thụ nội địa, nhưng phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan hải quan". Vậy, DN phải thực hiện theo Nghị định nào?
Vị đại diện này thắc mắc: "Trong trường hợp thực hiện theo Nghị định 134 thì mức trên 3% dựa trên giá trị ban đầu nhập khẩu vào hay dựa trên giá trị bán ra trên thị trường Việt Nam?".
Trả lời thắc mắc của DN, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, DN áp dụng theo Nghị định 134.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết Bộ Tài chính sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía các DN để tiếp tục hoàn thiện chính sách, đồng thời giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các DN Hàn Quốc, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN Hàn Quốc.
Thanh Hoa
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.