Ngày 17/9 Thanh tra Chính phủ công bố kết luận tiến trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, bản kết luận chỉ ra nhiều sai phạm trong việc lựa chọn đối tác chiến lược và bán thỏa thuận 75% vốn Nhà nước cho Công ty Hợp Thành. Đồng thời, Cảng Quy Nhơn sẽ trở thành doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ đa số thông qua đại diện là Vinalines.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Định bày tỏ mong muốn Cảng Quy Nhơn phải do Nhà nước nắm chi phối vì lý do an ninh quốc phòng. Cảng Quy Nhơn có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế của Bình Định, một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Tuy nhiên, Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã đặt câu hỏi liệu mong muốn của UBND tỉnh Bình Định có hợp lý hay không? Có đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế của Bình Định, một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hay không?
Nhiều bất cập thời DNNN
Theo VAFI, Cảng Quy Nhơn đã hoạt động theo mô hình DNNN được 37 năm, mô hình CTCP mà Nhà nước nắm giữ đa số được 3 năm nhưng không có nhiều đổi mới, bên cạnh đó tồn tại nhiều bất cập và tiêu cực trong công tác quản lý doanh nghiệp.
Chọn Nhà nước hay tư nhân?
Công ty Hợp Thành không phải đối tác có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh quản lý cảng biển nhưng ở giai đoạn Hợp Thành sở hữu doanh thu và lợi nhuận Cảng Quy Nhơn tăng lên chủ yếu do tình trạng tiêu cực giảm.
VAFI cho biết Hiệp hội không ủng hộ những dạng đối tác chiến lược như kiểu Hợp Thành mà nhấn mạnh rằng không thể phát triển Cảng Quy Nhơn theo mô hình cũ với vai trò chi phối của Vinalines.
Hiệp hội cũng chỉ ra rằng Tổng công ty Hàng Hải VN (Vinalines) gần đây có một số cải thiện so với trước kia nhưng vẫn thể hiện là một tập đoàn yếu kém về nhiều mặt, bộ máy quản lý cồng kềnh cộng với cơ chế quản trị yếu kém.
Cảng Quy Nhơn muốn phát triển mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế cho tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thì không thể trở về mô hình quản trị cũ với đối tác chiến lược là Vinalines mà phải dựa vào các nhà đầu tư chiến lược tư nhân có năng lực quản trị và tiềm lực tài chính mạnh như Viconship, Gemadept….
Thực tiễn thông lệ trên thế giới đều chỉ ra rằng hầu hết tất cả các cảng biển đều do công ty tư nhân vận hành khai thác và đều đảm bảo an ninh quốc phòng.
Ở nước ta, tại các khu cảng lớn như Hải phòng, Sài Gòn, Vũng Tàu vai trò của các cảng biển mà nhà nước nắm chi phối có vai trò rất nhỏ. Đa phần lượng hàng thông quan qua khu vực cảng biển tư nhân và yếu tố này đã liên tục thúc đẩy kinh tế nước nhà phát triển .
Cần giải pháp đúng
Để Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Tây Nguyên có điều kiện phát triển mạnh mẽ công nghiệp nhất là các ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày, điện tử…thì điều kiện tiên quyết là phải có hạ tầng cảng biển hiện đại để tổ chức các tuyền tàu container quốc tế kết nối thẳng với các quốc gia có quan hệ kinh tế lớn với VN như HongKong, Singapore, Trung quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Từ đó, VAFI đưa ra các giải pháp như nhanh chóng thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp tại CTCP Cảng Qui Nhơn bằng đối tác chiến lược mạnh về quản trị và tài chính để nâng qui mô cảng lên 25 triệu tấn/năm, tổ chức được các tuyền tàu container kết nối thẳng với Singapore, Hongkong.
Chỉ một cảng Qui Nhơn là không đủ đáp ứng cho nhà đầu tư trong vùng vì có tình trạng cửa quyền, cước phí cao cộng thêm nhiều rủi ro khác, chẳng hạn như đình công sẽ làm gián đoạn quá trình sản xuất lưu thông hàng hóa mà phải xúc tiến xây dựng một khu cảng nước sâu có qui mô khai thác hàng trăm triệu tấn với khả năng tiếp đón tàu có trọng tải lớn lên tới trên 70.000 tấn.
Theo Vafi, phải thúc Cảng Quy Nhơn nhanh chóng niêm yết. Đây là nhiệm vụ của Bộ GTVT và Vinalines, cảng Quy Nhơn đã làm xong thủ tục niêm yết từ lâu, vấn đề bây giờ là phải đưa doanh nghiệp lên sàn để thực hiện minh bạch tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Tiếp theo là tổ chức bán đấu giá công khai 75% cổ phần nhà nước cho các nhà đầu tư chiến lược. Cần phải đưa ra chi tiết tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tốt nhất cộng với cam kết đầu tư lâu dài.
Lan Điền
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.