Một thương vụ mua bán, sáp nhập dự án (M&A) vừa được thực hiện tại TP HCM đã khuấy đảo thị trường địa ốc vốn được đánh giá là ảm đạm trong nhiều tháng qua. Tập đoàn Bất động sản An Gia cho biết đã hoàn tất thủ tục để nhận chuyển nhượng hàng nghìn căn hộ với tổng diện tích sàn xây dựng 200.000 m2 tại Tân Túc, Bình Chánh. An Gia dự kiến đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng để xây dựng dự án này.
Không nhiều doanh nghiệp tại TP HCM thực hiện M&A dự án đất sạch, có sổ đỏ như An Gia tại thời điểm này. Bởi, quỹ đất TP HCM được cho là đã khan hiếm, đa số các công ty địa ốc đều dạt về các tỉnh vùng ven như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương hay xa hơn như Bình Thuận, Nha Trang...
Mua dự án có nguồn gốc đất sạch, phát triển sản phẩm phân khúc vừa túi tiền là "khẩu vị" đầu tư của An Gia trong khoảng 5 năm trở lại đây, trước đó công ty hoạt động chính trong lĩnh vực môi giới, mua sỉ bất động sản. Bước sang giai đoạn phát triển mới, ĐHĐCĐ thường niên 2019 của công ty đã đồng thuận niêm yết cổ phiếu lên Sở GDCK TP HCM (HoSE), thời gian không muộn hơn 31/3/2020. Theo cập nhật mới nhất từ ban lãnh đạo, công ty đang xúc tiến thực hiện việc niêm yết trong tháng 12 năm nay.
Việc niêm yết HoSE của An Gia vào cuối năm nay được xem là trường hợp khá đặc biệt. Bởi tính từ đầu năm, thị trường chứng khoán không có được một thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), trái ngược hoàn toàn so với sự sôi động của năm 2018. Số lượng các doanh nghiệp đăng ký lên sàn cũng không nhiều, nhất là hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Ngoài nguyên nhân về sự biến động của thị trường thì còn kể đến điều kiện để cổ phiếu được niêm yết trên HoSE cũng có các tiêu chuẩn cao và khắt khe hơn về tiêu chí vốn, thời gian, hiệu quả hoạt động... Cụ thể, vốn điều lệ doanh nghiệp phải đảm bảo tối thiểu 120 tỷ đồng; hoạt động dưới hình thức CTCP tối thiểu 2 năm; 2 năm liền trước niêm yết phải có lãi, không lỗ lũy kế và ROE năm gần nhất tối thiểu 5%. Đồng thời, cổ đông nội bộ hạn chế chuyển nhượng 100% trong 6 tháng đầu và 50% trong 6 tháng tiếp theo. Quy định về thủ tục công bố thông tin cũng được đưa ra chặt chẽ, đảm bảo kịp thời để nhà đầu tư có thể tiếp cận. Do đó, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được các yêu cầu này.
Vốn điều lệ hiện tại của An Gia là 750 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài như Creed Group, Hoosiers (Nhật Bản)... đạt gần 30%. Vào thời điểm 2015, quỹ đầu tư Nhật Bản Creed Group đã ký hợp tác chiến lược với An Gia để cùng phát triển dự án với số vốn cam kết đầu tư 200 triệu USD. An Gia là doanh nghiệp thứ 2 Creed Group hợp tác khi vào Việt Nam, sau Phát Đạt.
Đồng hành cùng các đối tác Nhật, An Gia đã mở bán thành công nhiều dự án như The Star (Bình Tân), The Garden (Tân Phú), Riverside, Skyline (Quận 7) tới tổng số 1.600 căn; River Panorama 1 và River Panorama 2 với tổng số 1.000 căn (năm 2017). Tính đến năm 2019, An Gia đã phát triển thành công nhiều dự án trong phân khúc vừa túi tiền và phân khúc trung cấp với hơn 10.000 căn hộ và gần 1 triệu m2 diện tích sàn.
Cho năm 2018, An Gia đạt doanh thu thuần 1.125 tỷ đồng, tăng 14% nhưng lợi nhuận sau thuế gần 566 tỷ đồng, gấp 5,5 lần năm trước. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần đạt 26%, tăng 20% so với năm trước. Trong 8 tháng đầu năm, trong bối cảnh thị trường khó khăn, An Gia vẫn bán được hơn 1.100 sản phẩm với doanh số đạt hơn 2.300 tỷ đồng.
TP HCM là thị trường bất động sản quen thuộc của An Gia, ngoài ra công ty còn có các dự án tại các tỉnh, thành như Bà Rịa - Vũng Tàu. Công ty cho biết đang sở hữu quỹ đất gần 50 ha tại các khu vực nhiều tiềm năng phát triển như Bình Chánh (30 ha), quận 7 (8 ha), Mũi Né (1,2 ha) và một số dự nhà ở tại các tỉnh lân cận TP HCM đang trong quá trình thương thảo. CBRE Việt Nam định giá giá trị quỹ đất của An Gia hơn 4.500 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo An Gia nhận định, dù quỹ đất khiêm tốn nhưng đều là đất sạch, pháp lý minh bạch. Dự kiến với quy mô quỹ đất hiện tại, công ty có thể cung cấp ra thị trường khoảng 9.000 - 12.000 căn hộ trong vòng 3 năm tới. Bên cạnh đó, với cơ chế đồng phát triển dự án như hiện nay, những tổ chức như Creed, Hoosiers, Acits, Ricons… vừa giúp An Gia chia sẻ rủi ro, vừa đảm bảo nguồn tài chính trong bối cảnh nguồn tín dụng cho bất động sản bị siết chặt.
Thu Hằng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.