Ngày 9/12, tại phiên thảo luận về ngành hàng không trong khuôn khổ Diễn đàn cao cấp Du lịch lần thứ 2, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) nói: "Cổ phần hóa biến
ACV (Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam) trở thành một doanh nghiệp kỳ lạ trên thế giới. Một nhà phát triển sân bay nhưng không đầu tư, chịu trách nhiệm về khu bay". So sánh với Tập đoàn Cảng Hàng không Thái Lan (AOT), Tập đoàn này đầu tư 6 sân bay lớn nhất, từ đường băng, đường lăn, nhà ga...
Tại phiên toàn thể, ông Nam nhấn mạnh sân bay càng quá tải, doanh nghiệp càng lời do không phải bỏ tiền đầu tư nhưng số lượng chuyến bay, hành khách vẫn tăng.
ACV là doanh nghiệp siêu lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 40-45%, trong khi Vietnam Airlines là 2-3% và Vietjet là 7-8%.
Đại diện TAB nhận định không có sự cân xứng về mặt lợi ích giữa các doanh nghiệp hàng không và
ACV. Vì vậy, cấu trúc đầu tư, quản lý, vận hành sân bay cần phải xem xét một cách hợp lý.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tình với quan điểm của ông Nam khi cổ phần hóa
ACV gây nên nhiều vấn đề như không thể nâng cấp sân bay do hạ tầng khu bay sau không được đưa vào giá trị tài sản doanh nghiệp, mà do Nhà nước quản lý,
ACV chỉ có nhiệm vụ khai thác.
Theo vị này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan phối hợp xử lý phương án đầu tư hạ tầng bay, đặc biệt là sân bay Nội Bài – xuống cấp trầm trọng, uy hiếp an ninh hàng không. Bên cạnh đó, Bộ phải nghiên cứu lại phương án theo hướng tính phần tài sản kết cấu hạ tầng khu bay vào tài sản
ACV và tăng vốn Nhà nước nhằm giải quyết triệt để những tồn tại.
Tuy nhiên, trong 21 cảng hàng không
ACV quản lý, chỉ có 4 cảng đầu tư có lợi nhuận, còn lại đang bù lỗ. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định đầu tư hàng không chứa nhiều rủi ro, thách thức, chứ không chỉ hưởng lãi.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng nếu
ACV muốn tăng vốn thì phải xác định giá trị tài sản. Tuy nhiên, hiện chưa có một công ty nào của Bộ Tài chính xác nhận đủ năng lực để đánh giá giá trị thực của cơ sở hạ tầng hàng không.
"Tính theo giá trị sổ sách, giá trị tài sản 21 khu bay gồm đường lăn, đường cất hạ cánh là 2.000 tỷ đồng, không bằng một đường cất hạ cánh của sân bay Cát Bi, Hải Phòng. Sân bay Cát Bi triển khai từ tháng 6/2015 với giá trị hơn 3.000 tỷ đồng", ông Cường nói.
Theo báo cáo tài chính, lũy kế 9 tháng đầu năm 2019,
ACV ghi nhận doanh thu đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 13%. Lợi nhuận trước thuế là 7.298 tỷ đồng, tăng 19%. Biên lợi nhuận gộp đạt 52%. Tính đến 30/9, tổng tài sản công ty là 59.703 tỷ đồng, chủ yếu ở các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 12 tháng (31.383 tỷ đồng). Cộng với tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 3 tháng (671 tỷ đồng) thì khoản tiền gửi ngân hàng chiếm tới 54% tổng tài sản
ACV.
Châu Anh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.