Gần đây, một số ngân hàng triển khai các gói cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi, thậm chí dưới 4%/năm - mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Các chuyên gia đánh giá, hiện là "thời điểm vàng" cho người dân vay vốn phục vụ mục đích mua nhà.
Lãi suất cho vay rẻ trong bối cảnh các ngân hàng đang tìm người vay mới để tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, ngoài mức lãi suất hợp lý, các chuyên gia cho rằng ngân hàng cũng cần giảm bớt thủ tục phức tạp và áp thời hạn cho vay cần dài hơi, có thể cho vay tới 30 năm để giảm số tiền phải trả hàng tháng.
Lãi suất cho vay xuống "đáy"
Cụ thể, theo thông tin công bố trên website, PVcomBank đang triển khai chương trình vay mua bất động sản với lãi suất khởi điểm từ 3,99%/năm trong 3 tháng đầu tiên. Khách hàng vay trong 6 tháng đầu cố định lãi 5,99%/năm hay 1 năm cố định lãi 6,2%/năm. Kỳ hạn vay trong 20 năm, hạn mức vay lên đến 85%.
ACB cũng vừa tung gói "Ngôi nhà đầu tiên" dành cho người trẻ với lãi suất ưu đãi từ 5,5%/năm, thời gian vay tối đa 30 năm. Gói vay cố định lãi suất kỳ đầu tiên trong 5 năm. Khách hàng tham gia gói vay này còn được hưởng chính sách ân hạn nợ gốc tối đa 12 tháng kể từ thời điểm giải ngân, miễn phí định giá tài sản bảo đảm và ưu đãi phí trả nợ trước hạn khi trả định kỳ hàng tháng.

Gần đây, một số ngân hàng triển khai các gói vay mua nhà với lãi suất ưu đãi, thậm chí dưới 4%/năm - mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Theo ghi nhận của VnBusiness, không chỉ ACB và PVcomBank, nhiều ngân hàng thương mại cũng đang triển khai loạt gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng vay mua bất động sản, với mức lãi suất thấp. Điển hình như SHB cho vay với lãi suất 3,99%/năm, vay đến 90% giá trị nhà mua; ABBank cho vay với lãi suất từ 7,3%/năm…
Có thể thấy, mức lãi suất cho vay mua nhà đang có sự chênh lệch khá lớn giữa các nhà băng. Tuy nhiên, thực tế mức lãi suất ưu đãi trên chỉ áp dụng trong thời gian đầu, là chiến lược nhằm thu hút khách hàng của các nhà băng. Vì thế, người vay cần xem xét kỹ các điều khoản sau giai đoạn ưu đãi, đặc biệt là mức lãi suất thả nổi và các chi phí liên quan, để đảm bảo khả năng tài chính trong dài hạn.
Sau khi hết thời gian ưu đãi, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thả nổi đối với khoản vay. Công thức tính lãi suất sau ưu đãi thường là tổng lãi suất cơ sở cộng biên độ.
Trong đó, lãi suất cơ sở là lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng hoặc lãi suất tham chiếu theo từng thời kỳ. Biên độ lãi suất là phần cộng thêm vào lãi suất cơ sở, thường dao động từ 3% - 4,5%, tùy vào chính sách của ngân hàng và hồ sơ tín dụng của khách hàng.
Chẳng hạn như ở BIDV, lãi suất sau ưu đãi là cộng 4% vào lãi suất huy động 12 tháng, dẫn đến lãi suất thả nổi khoảng 10-11%/năm. Hay một ngân hàng quốc doanh khác là Vietcombank áp dụng biên độ 3,5%, khiến lãi suất vay sau ưu đãi vào khoảng 9-10%/năm.
Ở một số ngân hàng thương mại như VPBank cũng có biên độ lãi suất là 3,5%, với lãi suất vay thả nổi khoảng 11%/năm, trong khi Techcombank sử dụng biên độ 3,5%-4%, đưa lãi suất vay lên khoảng 9-10,5%/năm.
Tuy nhiên, lãi suất sau ưu đãi có thể thay đổi tùy theo từng ngân hàng và tình hình lãi suất trên thị trường. Vì vậy, khi vay mua nhà, người vay cần tìm hiểu kỹ về công thức tính lãi suất sau ưu đãi và dự đoán khả năng tài chính của mình khi lãi suất thay đổi. Việc này giúp tránh bất ngờ về chi phí vay khi lãi suất thả nổi tăng.
Theo các chuyên gia, lãi suất thấp là một trong những yếu tố giúp khách hàng, nhất là người trẻ, sẵn sàng vay để mua nhà, nhưng lãi suất chỉ là một trong những điều kiện để khách hàng vay vốn tín dụng mua nhà đất. Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển phân tích, cùng với lãi suất, quan trọng là nguồn cung trên thị trường bất động sản với những căn hộ, nhà đất ở phân khúc phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân.
"Còn nếu lãi suất thấp mà thị trường chủ yếu căn hộ cao cấp cũng khó tìm khách vay. Do đó, cùng với chính sách về lãi suất ưu đãi, cơ quan quản lý cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà đất, tạo niềm tin cho thị trường", ông Hiển khuyến nghị.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân tổ chức ngày 19/2, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và đang đứng trước nhiều động lực tăng trưởng từ kinh tế vĩ mô, đến đột phá thể chế, chính sách tiền tệ… để "vươn mình" mạnh mẽ trong năm 2025.
Theo ông Lực, hiện nay, chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành theo hướng "linh hoạt, nới lỏng" với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Room tín dung hiện nay không thiếu và lãi suất cực kỳ hấp dẫn. Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp trong năm 2024 - 2025, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn.
Bên cạnh việc các ngân hàng thương mại duy trì mức lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi, Ngân hàng Nhà nước đã có những điều chỉnh và ban hành các thông tư nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và hỗ trợ người dân mua nhà ở. Cụ thể như Thông tư 08 sửa đổi Thông tư 22 cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng 34% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được điều chỉnh giảm xuống 30% từ 1/10/2023 và hiện đang ở mức 28,3%, tạo thêm nguồn vốn cho thị trường. Đồng thời, Thông tư 06 cho phép cơ cấu lại nợ đến hết năm 2024, giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt áp lực trả nợ; Thông tư 22 giảm trọng số rủi ro đối với cho vay khu công nghiệp và nhà ở xã hội.
Ngoài ra, gói tín dụng ưu đãi 145.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội tiếp tục được triển khai với lãi suất thấp hơn 1,5-2%/năm so với thị trường.
Trong buổi gặp các ngân hàng mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại nghiên cứu để có những gói cho vay ưu đãi cho người trẻ, xác định từ 35 tuổi trở xuống mua nhà. Theo đó, hiện nay, một số ngân hàng cũng triển khai cho vay nhà ở đối với người trẻ.
Một chuyên gia đánh giá, gói tín dụng ưu đãi cho người từ 35 tuổi trở xuống mua nhà nếu được các ngân hàng đồng loạt triển khai sẽ tạo cơ hội an sinh lớn cho nhiều người trẻ đang gặp khó khăn trong việc an cư. Đây là nhóm đối tượng lao động chính, nếu được ưu tiên, ổn định chỗ ở thì họ sẽ yên tâm phát huy năng lực.
Tuy nhiên, để khơi thông được dòng vốn, ngoài mức lãi suất hợp lý, các chuyên gia cho rằng ngân hàng cũng cần giảm bớt thủ tục phức tạp và áp thời hạn cho vay cần dài hơi. Bởi thực tế, nhiều người muốn vay vốn nhưng phải "bỏ cuộc" do thủ tục phức tạp, không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng.
Huyền Anh-Link gốc