TP. HCM đề xuất bổ sung quy định về sàn giao dịch ngoại hối trong trung tâm tài chính, nhằm tránh tình trạng lừa đảo mời gọi đầu tư trên sàn trái phép.
Bổ sung quy định về sàn giao dịch ngoại hối FOREX
Trong phần đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính (TTTC) tại Việt Nam, UBND TP.HCM đề nghị bổ sung nội dung quy định về quản lý và hoạt động của sàn giao dịch ngoại hối tại Điều 12 (Chính sách tiền tệ, ngân hàng và quản lý ngoại hối).
Cụ thể, TP.HCM đề xuất Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và hoạt động của sàn giao dịch ngoại hối (FOREX) nhằm tránh tình trạng một số đối tượng lừa đảo mở sàn trái phép, mời gọi nhà đầu tư tham gia. Nếu cấp phép thí điểm mô hình này cho tổ chức tư nhân hoặc doanh nghiệp thành lập và điều hành, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình hoạt động.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan soạn thảo dự thảo nghị quyết), kiến nghị không đưa nội dung này vào nghị quyết, bởi nghị quyết đã quy định việc cho phép thành lập sàn giao dịch chuyên biệt cho trung tâm tài chính. Các cấu phần, tính năng và sàn giao dịch thứ cấp sẽ được phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

(Ảnh minh hoạ)
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, nhiều sàn FOREX liên tục bị cơ quan truyền thông và cơ quan quản lý cảnh báo về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; hoạt động theo mô hình đa cấp trái phép tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên các nền tảng mạng xã hội lớn như Zalo, Telegram…, nhiều hội nhóm vẫn hoạt động sôi nổi, giao dịch “chui” trên một số sàn FOREX nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Không như kỳ vọng, mỗi năm vẫn có hàng nghìn người bị lừa với số tiền lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Cuối năm 2024, tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đoàn Đại biểu Đắk Lắk) cũng đề nghị Thống đốc làm rõ thực trạng quản lý kinh doanh ngoại hối hiện nay, cũng như biện pháp xử lý các hoạt động kinh doanh ngoại hối trái phép ở Việt Nam.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam, chỉ các tổ chức tín dụng được cấp phép mới được kinh doanh ngoại hối, đặc biệt là kinh doanh ngoại hối trên thị trường quốc tế. Khi doanh nghiệp và người dân có nhu cầu giao dịch ngoại tệ, họ sẽ thực hiện tại các tổ chức tín dụng. Các tổ chức và cá nhân khác không được phép kinh doanh ngoại hối.
Ngân hàng Nhà nước cũng chưa cấp phép cho bất kỳ sàn giao dịch ngoại hối nào. Nếu người dân giao dịch tại các sàn này, nguy cơ bị lừa đảo là rất cao. Do đó, các cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ để kiểm soát, phát hiện và xử lý các sàn giao dịch không được cấp phép.
Đề xuất của TP. Đà Nẵng về tự do ngoại hối
Về vấn đề quản lý ngoại hối, TP. Đà Nẵng cho biết đang xây dựng đề án thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, TP. Dubai đang áp dụng chính sách tự do ngoại hối toàn diện, bao gồm cho phép chuyển lợi nhuận về nước tại các trung tâm kinh tế như Dubai International Financial Centre (DIFC) và các khu tự do JAFZ, DAFZ, nơi giao dịch ngoại tệ không bị hạn chế.
“Tuy nhiên, điều này chỉ khả thi trong điều kiện các quốc gia có hệ thống kiểm soát tài chính chặt chẽ, dự trữ ngoại hối lớn và năng lực giám sát tốt như UAE. Do đó, đề nghị xem xét nghiên cứu bổ sung nội dung quản lý ngoại hối, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tại khu thương mại tự do được chuyển lợi nhuận về nước thông qua trung tâm tài chính mà không phải thực hiện thủ tục liên quan đến quy định về quản lý ngoại hối”, kiến nghị của TP. Đà Nẵng nêu rõ.
Giải trình về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết không tiếp thu đề xuất do chưa phù hợp với quy định về giao dịch giữa thành viên trung tâm tài chính và chủ thể nước ngoài theo dự thảo nghị quyết.
Theo dự thảo mới nhất về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính, chính sách tiền tệ, ngân hàng và quản lý ngoại hối được quy định tại Điều 9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bổ sung một số quy định, trong đó nêu rõ: các thành viên trung tâm tài chính do nhà đầu tư nước ngoài thành lập được tự do chuyển đổi một số lượng đồng Việt Nam là các khoản thu hoặc tài sản hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam thành ngoại tệ tương đương với 100% số ngoại tệ mà họ đã chuyển đổi từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam trước đó, mà không phải chứng minh mục đích chuyển đổi.
Sau 5 năm hoạt động kinh doanh và đầu tư, các nhà đầu tư này được tự do chuyển các khoản đầu tư, khoản thu hợp pháp khác bằng ngoại tệ ra nước ngoài mà không phải chứng minh mục đích chuyển tiền, sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, việc thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các quan hệ giao dịch khác giữa các chủ thể là thành viên trung tâm tài chính được phép sử dụng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Việc sử dụng ngoại tệ trong giao dịch giữa các chủ thể không phải là thành viên trung tâm tài chính, hoặc giữa các chủ thể trung tâm tài chính với chủ thể nước ngoài và phần còn lại của quốc gia, sẽ thực hiện theo quy định hiện hành.
An Đường-Link gốc