Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra chiều nay (1/3), Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết không chỉ có tình trạng hàng hóa nước ngoài đội lốt xuất xứ Việt Nam để xuất sang nước thứ ba mà còn để bán ngay tại thị trường Việt Nam.
Nhìn về mặt tích cực, điều này khẳng định rằng hàng hóa của Việt Nam đang có bước phát triển tốt khi chất lượng, mẫu mã và giá cả đều cạnh tranh trên cả thị trường trong nước và thế giới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
“Đây là một điều đáng mừng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vì trước kia, chỉ có hàng hóa của Việt Nam đội lốt xuất xứ nước ngoài để bán tại Việt Nam và xuất đi các nước khác”, ông Hải nói.
Vấn đề cần quan tâm hơn là việc các nước sử dụng xuất xứ Việt Nam để tận dụng ưu đãi về thuế quan rồi xuất khẩu sang nước thứ ba, đặc biệt là trong thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết.
“Nếu không cẩn thận, có thể một vài doanh nghiệp được hưởng lợi nhưng tất cả doanh nghiệp khác trong tất cả ngành nghề sẽ phải hứng chịu các biện pháp rào cản từ các nước mà hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang. Khi đó, việc này sẽ gây thiệt hại lớn”, ông Hải nói.
Để giảm thiểu rủi ro từ tình trạng này, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với tất cả bộ, ngành liên quan để kiểm soát hai chiều thương mại, gồm hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam và hàng hóa Việt Nam xuất sang nước thứ 3.
Ông Hải cũng cảnh báo một số doanh nghiệp Việt Nam đang hoặc dự định có những hành vi như trên sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Liên quan tới giá gạo, Thứ trưởng cho rằng giá gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm mạnh trong thời gian vừa qua do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu không biến động lớn. Theo thứ trưởng, sản xuất gạo cần phải gắn với đầu ra, thay vì sản xuất rồi tìm đầu ra và biện pháp giải cứu.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khẳng định xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2018 có bước đột phá, với khối lượng xuất khẩu đạt 6,1 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm trước và thu về trên 3 tỷ USD, tăng 16,3%. Giá gạo xuất khẩu cũng đạt 501 USD/tấn, tăng 10,7% và có thời điểm cao hơn Thái Lan.
Sau chỉ đạo thu mua lúa gạo của Thủ tướng và hợp đồng mua gạo của Trung Quốc, giá gạo tại ĐBSCL có xu hướng tăng liên tục và ổn định ở 4.500 - 4.600 đồng/kg đến cuối tháng 2.
Phan Vũ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.