CTCP Vinhomes (HoSE:
VHM) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 bởi công ty kiểm toán E&Y.
Tồn kho tăng thêm 9.768 tỷ đồng
Sau kiểm toán, tài sản ngắn hạn của Vinhomes tăng thêm gần 10.734 tỷ đồng, tương đương tăng 13% so với trước kiểm toán do tăng phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.
Trong đó, hàng tồn kho sau kiểm toán tăng 9.768 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm 36% trước kiểm toán, đạt 36.858 tỷ đồng. Con số này gấp gần 2,2 lần so với đầu năm.
Tồn kho chủ yếu từ chi phí xây dựng và phát triển các hạng mục căn hộ, biệt thự, văn phòng, trường học, khách sạn, nhà phố thương mại, trung tâm thương mại để bán thuộc các dự án VinCity Ocean Park, VinCity Sportia, Vinhomes Central Park, Vinhomes Metropolis, Vinhomes Green Bay, Vinhomes Golden River, Vinhomes West Point và Vinhomes New Center Hà Tĩnh.
Theo kết quả kiểm toán, năm 2018, Vinhomes đạt doanh thu 38.664 tỷ đồng, giảm 232 tỷ đồng so với trước đó. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng thêm 22 tỷ đồng, đạt 14.776 tỷ đồng.
Trong đó, LNST của công ty mẹ tăng 51 tỷ đồng, đạt 14.284,4 tỷ đồng. EPS tương ứng 4.503 đồng.
Chi gần 16.700 tỷ đồng mua 4 dự án mới
Trong năm 2018, Vinhomes và các công ty con đã thực hiện nhiều thương vụ mua, sáp nhập và chuyển nhượng. Ngoài các thương vụ mua bán với công ty mẹ - Tập đoàn Vingroup - CTCP, Vinhomes có phát sinh một số giao dịch mua công ty mới hoàn toàn với tổng giá trị gần 16.700 tỷ đồng, tương đương khoảng 720 triệu USD.
Vinhomes mua lại cổ phần từ 2 công ty thuộc Tập đoàn Berjaya (Malaysia): Công ty Đô thị Đại học Berjaya Việt Nam (chi 11.748 tỷ đồng); Công ty Trung tâm Tài chính Berjaya (chi 2.009 tỷ đồng). Hai công ty này sở hữu 2 dự án tỷ đô mà Tập đoàn Berjaya đầu tư ở TP HCM, đều được cảnh báo chậm triển khai nhiều năm.
Công ty Đô thị Đại học Berjaya Việt Namlà chủ đầu tư dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam tại huyện Hóc Môn, TP HCM với diện tích khoảng 925 ha. Tổng mức đầu tư theo kế hoạch ban đầu là 3,5 tỷ USD.
Theo quy hoạch 1/2000 được phê duyệt tháng 4/2012, khu đô thị này sẽ bao gồm khu giáo dục (tiểu học, trung học, dạy nghề bậc cao, đại học…); khu giáo dục phục vụ di dời các trường, viện - trường, các Trung tâm đào tạo trung học chuyên nghiệp, đại học của TP; khu dân cư, tái định cư; khu thương mại, dịch vụ; khu giải trí, y tế, thể thao; khu công viên; công viên công nghệ thông tin.
Sau khi mua cổ phần Berjaya Việt Nam tháng 2/2018 thì đầu năm 2019, Vinhomes đã chuyển nhượng phần vốn góp 11.748 tỷ đồng, tương đương 97,9% vốn của Berjaya Việt Nam cho công ty con Xây dựng Thái Sơn.
Công ty Trung tâm Tài chính Berjayasở hữu Dự án Trung tâm tài chính Việt Nam (VFC) - khu phức hợp các hạng mục văn phòng cho thuê, khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ và khu trung tâm thương mại…, xây dựng trên diện tích gần 7 ha tại khu đất giáp 3 mặt tiền tại quận 10, TP HCM. Dự án được cấp phép năm 2008 và chậm tiến độ cả chục năm trời so với cam kết.
Ngoài ra, Vinhomes còn chi 1.700 tỷ đồng mua lại Công ty Đầu tư Xây dựng Thái Sơn hay chi 1.205 tỷ đồng mua CTCP Phát triển GS Củ Chi. Báo cáo thuyết minh cho rằng các công ty này đều sở hữu các dự án bất động sản tiềm năng. Theo tìm hiểu, CTCP Phát triển GS Củ Chi sở hữu dự án Sân golf Củ Chi 200 ha tại huyện Củ Chi, TP HCM.
Khổng Chiêm
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.