• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.257,41 -13,49/-1,06%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.257,41   -13,49/-1,06%  |   HNX-INDEX   224,69   -1,81/-0,80%  |   UPCOM-INDEX   92,06   -0,06/-0,07%  |   VN30   1.329,62   -20,10/-1,49%  |   HNX30   481,39   -6,97/-1,43%
25 Tháng Mười 2024 1:18:44 SA - Mở cửa
VCB: Họp ĐHCĐ - Thêm tờ trình chia cổ phiếu tỷ lệ 40%
Nguồn tin: Người đồng hành | 26/04/2019 11:10:55 SA
Theo phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2019-2020, HĐQT trình cổ đông tăng vốn từ 37.089 tỷ đồng lên 55.299 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu tăng vốn từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận giữ lại tích lũy với tỷ lệ 40%. Vốn điều lệ tăng từ 37.889 tỷ đồng lên 51.924 tỷ đồng.
 
Sau đó, Vietcombank dự kiến chào bán cho công chúng hoặc riêng lẻ với tỷ lệ 6,5%, tăng vốn từ 51.924 tỷ đồng lên 55.299 tỷ đồng. Phương án này thay đổi so với kế hoạch 2018 là chỉ phát hành riêng lẻ.
 
Phần thảo luận
 
- Phương án tăng vốn của ngân hàng năm 2019 cũng như sự tham gia của GIC thế nào?
 
- Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc: Năm 2019, tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Phương án 2 dự kiến phát hành riêng lẻ nốt phần còn lại 2018. Năm ngoái, ngân hàng được phê duyệt 10% phát hành riêng lẻ nhưng chỉ phát hành được 3%. Với hơn 6% còn lại, ngân hàng dự kiến trình cổ đông để làm việc với cơ quan có thẩm quyền để tăng vốn.
 
Việc tăng vốn năm nay sẽ có những hình thức khác, tính đến mọi phương thức: phát hành cho cổ đông hiện hữu, cổ đông mới chứ không gói trong cổ đông mới như năm 2018. Trên cơ sở được cổ đông thông qua, chúng tôi sẽ làm để xin phê duyệt và thông tin sớm.
 
Về cổ đông GIC, năm 2018 do diễn biến thị trường nên chưa thành công nhưng họ vẫn để mở thời gian tham gia vào đầu tư. Mấy năm qua, trước khi tăng vốn theo phương án phát hành 10% được phê duyệt thì cũng có nhiều nhà đầu tư, tổ chức quan tâm. Nếu được thông qua kế hoạch tăng vốn năm 2019 thì sẽ nhận được sự quan tâm lớn.
 
- Ngân hàng có kế hoạch đẩy mạnh bán lẻ, cho vay mua ôtô. Nhưng tôi được biết ở ngân hàng khác thì NIM cho vay ôtô thấp, lãi mỏng, nhiều rủi ro. Tại sao ngân hàng vẫn quyết định đầu tư và ghi nhận đó là lĩnh vực hiệu quả kinh doanh cao?
 
- Ông Phạm Quang Dũng: Ngân hàng chuyển trọng tâm sang bán lẻ và cho thấy kết quả khả quan. Mấy năm qua, tăng trưởng bán lẻ trung bình 30%/năm, đến nay quy mô tài sản bán lẻ chiếm 40%, đóng góp 46% lợi nhuận. 5-6 năm trước, thị trường vẫn nhìn Vietcombank là ngân hàng bán buôn nhưng giờ thì bán lẻ cũng đạt kết quả tốt, thu hẹp khoảng cách với các đối thủ. Một lĩnh vực có lợi nhuận phát triển mạnh là cho vay ôtô. Giờ mức sống tăng lên, nhu cầu người dân ngày càng cao nên đó là tiềm năng.
 
Dù thế, không có nghĩa là ngân hàng chỉ nhắm đến cho vay ôtô. Tương tực, NIM bên khác thấp không có nghĩa Vietcombank cũng thấp. Cho vay ôtô hiện khoảng 1.000 tỷ trên tổng dư nợ trên 300.000 tỷ, so với tiềm năng thị trường.
 
- Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT: Dù lãi suất cho vay ôtô chưa cao song Ban lãnh đạo xác định trong chiến lược có phân khúc này vì thị trường này rất mở, còn nhiều dư địa. Thứ hai là sản phẩm cho vay mua ôtô là sản phẩm chuẩn. Khi cho vay, ngân hàng hướng đến quản lý dòng tiền tổng thể từ đại lý đến người mua…
 
- Lãi phải thu của ngân hàng tăng thì thuộc khoản mục nào?
 
- Ông Phạm Quang Dũng: Khoản lãi dự thu năm 2018 cơ bản là thấp. Khoản phải thu trên bảng cân đối nếu không xem kỹ thì dễ gây hiểu nhầm. Phần này thường gồm 2 cấu phần: từ khách hàng, hoạt động cho vay và tư đầu tư giấy tờ có giá, trái phiếu Chính phủ. Ở ngân hàng thì phần này lớn ở trái phiếu Chính phủ vì đầu tư thêm 100.000 trái phiếu Chính phủ, đến kỳ mới trả nhưng vẫn phải hạch toán. Nhìn thì lớn nhưng quy mô không tăng
 
- Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng giám đốc: Năm 2018 đầu tư giấy tờ có giá tăng 20%, 149.000 tỷ so với 129.000 tỷ nên khoản phải thu từ lãi tăng 25%, đóng góp lãi và phí phải thu tăng. Mức tăng 22,9% so với số thực hiện 2017 là phù hợp với tài sản đang sinh lời, thuộc tiêu chuẩn dự thu lãi cho vay, đầu tư giấy tờ có giá của Bộ Tài chính.
 
- Hiện tại dự kiến phát triển tín dụng tiêu dùng như VPBank, HDBank không, có chiến lược phát triển mảng này không vì tôi thấy tín dụng tiêu dùng chưa phát triển mạnh?
 
- Ông Phạm Quang Dũng: Tôi nhớ không nhầm thì Nghị quyết ĐHCĐ ngân hàng năm 2012 đã thông qua chủ trương mở công ty tín dụng tiêu dùng nhưng chưa làm được vì theo quy định mỗi ngân hàng chỉ có 1 công ty tài chính mà giờ Vietcombank có một công ty cho thuê tài chính rồi. Không có công ty tiêu dùng không có nghĩa ngân hàng không phát triển được tín dụng tiêu dùng. Thời gian tới, cùng sự hợp tác, hỗ trợ thì Mizuho thì mở ra sẽ đảm bảo hiệu quả, an toàn, đáp ứng yêu cầu của NHNN.
 
- Ông Nghiêm Xuân Thành: Dù Nghị quyết ĐHCĐ có rồi nhưng đây là thời điểm Ban lãnh đạo Vietcombank xác định chưa phải là thời điểm chín muồi. Với sự thận trọng và cũng trong bối cảnh chung là 4 NHTM Nhà nước chưa triển khai công ty tài chính, tôi cho đó là sự thận trọng cần thiết.
 
Thời gian qua, cũng có những vấn đề liên quan đến công ty tài chính nên cơ quan quản lý cũng khống chế tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng khá thấp, dự thảo giải nngaan bằng tiền mặt đối với công ty tín dụng tiêu dùng, áp dụng một số hình thức thức cấm trong thu nợ trái thuần phong, quy định… Do đó, chúng tôi nhận định chưa phải là thời điểm phát triển tín dụng tiêu dùng với Vietcombank.
 
- Lộ trình thoái vốn ở MBBank và Eximbank của ngân hàng thế nào?
 
- Ông Phạm Quang Dũng: Năm 2018, thoái vốn đạt kết quả tốt gần 1.600 tỷ đồng đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng. Hiện giờ thì Vietcombank có các khoản mục đầu tư khoảng 4,5% ở mỗi đơn vị như MBBank, Eximbank, Vietnam Airlines và một số đơn vị nhỏ nữa. Ở MBBank, Eximbank và VNA là những khoản đầu tư lớn, định giá thị trường thì ngân hàng lãi cỡ 2.000 tỷ đồng.
 
Hiện tại, Vietcombank đảm bảo mọi tỷ lệ an toàn theo quy định, không có sức ép trong thoái vốn nên sẽ căn cứ vào thị trường, đảm bảo tối đa hoá lợi ích cho cổ đông.
 
- Khi được phát hành tăng thêm vốn thì ngân hàng có được tăng hạn mức tín dụng không?
 
- Ông Phạm Quang Dũng: Vietcombank đã đáp ứng chuẩn Basel II sớm hơn 1 năm so với quy định nên được ưu đãi 2 nội dung: ưu tiên tăng trưởng tín dụng, ưu tiên phát triển mạng lưới, mở chi nhánh. Lãnh đạo NHNN cam kết với các ngân hàng hoàn thành sớm đáp ứng Thông tư 41.
 
Vietcombank là ngân hàng được giao chỉ tiêu cao nhất 15% trong 4 ngân hàng TMCP Nhà nước. Hạn mức tăng trưởng này không phải được giao trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, có thể sẽ được điều chỉnh trong tỷ lệ, có khả năng nới thêm là cũng có thể. Tuy nhiên định hướng của ngân hàng là không tăng trưởng quá nóng.
 
- Trước đó ngân hàng ra kế hoạch lợi nhuận là 20.500 tỷ, nhưng khi nãy báo cáo còn 20.000 tỷ, mức thay đổi không nhiều nhưng quan trọng với nhà đầu tư. Tại sao lại giảm?
 
- Ông Nghiêm Xuân Thành: Theo quy định của Luật Chứng khoán, ngân hàng công bố tờ trình trước 10 ngày, có nêu kế hoạch lợi nhuận là 20.500 tỷ, nay trình bày 20.000 tỷ. Thực tế, thời gian qua, NHNN có làm việc với các ngân hàng, yêu cầu các đơn vị rà lại kế hoạch 2019: trích lập dự phòng đầy đủ nếu chưa làm hoặc phải chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp.
 
Với Vietcombank thì hết quý I, quỹ dự phòng bao nợ xấu là 170%, tức là có 100 đồng nợ xấu thì có 170 đồng bao nợ xấu. Do đó, chúng tôi ở trường hợp 2, xem xét chia sẻ với doanh nghiệp nên Ban lãnh đạo rà soát nhẹ lợi nhuận, mục tiêu xa hơn là xem xét giảm lãi suất với khách hàng dùng toàn diện dịch vụ của ngân hàng. HĐQT cam kết chắc chắn thực hiện vượt mức 20.000 tỷ đồng.
 
- Trong kế hoạch kinh doanh 2019 tăng trưởng tín dụng là 15%, tỷ lệ cho cá nhân, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ thế nào?
 
- Ông Phạm Quang Dũng: Trọng tâm của ngân hàng là tăng trưởng bán lẻ nên tăng 30% bán lẻ, bán buôn 30%. Bán lẻ có lợi thế là phần lớn khoản cho vay nhỏ có tài sản bảo đảm đầy đủ, an toàn cao, nợ xấu thấp, yêu cầu về vốn giảm bớt.
 
- NIM năm 2019 dự kiến là tăng hay giảm, lý do vì sao?
 
- Ông Phạm Quang Dũng: NIM 2018 là 2,94% tăng đáng kể. Kế hoạch 2019 không giảm, mà tiếp tục cải thiện.
 
- Tỷ lệ CAR năm 2019 là bao nhiêu, kỳ vọng năm 2020 là bao nhiêu?
 
- Ông Phạm Quang Dũng: Dự kiến phát hành tăng vốn tối đa 6,5% bằng phát hành riêng lẻ hoặc cho cổ đông hiện hữu, kế hoạch này phải phối hợp tổng tài sản có, rủi ro bao nhiêu mới ra được tỷ lệ CAR. Nếu hoàn thành tăng vốn thì hoàn toàn có đủ vốn đáp ứng được tốc độ tăng tín dụng năm 2020.
 
- Năm 2018, có hiện tượng là đến tháng 11 một số chi nhánh Vietcombank đã ngừng giải ngân, cho vay. Có điều mừng là về đích sớm nhưng cũng có điều lo là khách hàng có nhu cầu kéo dài 2 tháng, đặc biệt là cuối năm mà chưa được đáp ứng?
 
- Ông Phạm Quang Dũng: Năm 2018 đúng là có việc nhiều chi nhánh cán đích tín dụng sớm hơn, phải thu xếp khách hàng cho vay năm 2019 khi có dư địa mới. Năm nay cũng vậy, khả năng hoàn thành sớm hơn.
 
Do đó, chúng ta cần làm sao tăng tín dụng ngay từ đầu năm. Trần giới hạn 15% nên phải hạn chế giải ngân mới. Còn với mọi khách hàng, chúng ta cũng có giải pháp đảm bảo cam kết đã đưa ra.
 
- Trong quý I, kết quả lợi nhuận tăng gần 35%, kế hoạch cả năm đặt chưa đến 10%. Các cơ sở nào để mình đặt ra kế hoạch sau khi đã biết lợi nhuận quý I?
 
- Ông Phạm Quang Dũng: Kế hoạch đặt ra là 9,5% nhưng Ban lãnh đạo sẽ điều hành để tối ưu hoá cho lợi ích cổ đông, đạt kết quả tốt nhất.
 
- Ông Nghiêm Xuân Thành: Tôi bổ sung thêm ý kiến của ông Dũng. Quý I, chúng ta có khoản thu ngoại bảng cao lên đến 1.200 tỷ đồng. Kế hoạch thu ngoại bảng năm nay là 3.000 tỷ thì riêng quý I đã đạt 40% cả năm, làm cho thu nhập tăng cao.
 
Vietcombank tiếp tục phân loại nợ theo phương pháp thận trọng, trước quy định trích lập dự phòng rủi ro 6.000 tỷ đồng thì nay áp dụng phương pháp mới tiệm cận chuẩn quốc tế tăng lên 7.000 tỷ đồng chi phí vào năm 2019. Nên lợi nhuận đặt ra xoay quanh mức lợi nhuận đã báo cáo quý vị cổ đông có lẽ là mức thấp nhất, Ban lãnh đạo ngân hàng phấn đấu lợi nhuận cao hơn kế hoạch đặt ra.
 
- Thời gian thực hiện dự kiến chia cổ tức bằng tiền 8%, chia cổ phiếu cho cổ đông tỷ lệ 40%?
 
- Ông Phạm Quang Dũng: Ngay sau họp ĐHCĐ, Ban lãnh đạo ngân hàng sẽ làm việc với cơ quan Nhà nước có thầm quyền để xin được phê duyệt. Tuy nhiên, việc xin báo cáo này còn gắn với kế hoạch tăng vốn cho các ngân hàng khác, không riêng Vietcombank nên sẽ phụ thuộc vào quyết định của cơ quan quản lý, không nói được thời điểm. Ban lãnh đạo sẽ triển khai ngay lập tức, cố gắng hoàn thành.
 
----------
 
Đến gần 13h, phiên họp kết thúc. Các tờ trình được thông qua.
Phiên họp ĐHCĐ thường niên 2019 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - HoSE: VCB) đang diễn ra, tại Hà Nội.
 
Đọc báo cáo của HĐQT, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết 2018 là năm mà các chỉ tiêu của ngân hàng đều hoàn thành tốt.
 
Trong đó, lợi nhuận ngân hàng đạt kỷ lục hơn 18.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu thực hiện là 0,97% - thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đặt ra là 1,5%. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số hạn chế của ngân hàng như tỷ trọng thu dịch vụ chưa cao dù có tăng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) vẫn đảm bảo nhưng thấp, chưa bền vững do chưa được bổ sung vốn. Bên cạnh đó, tiến độ đề án chuyển đổi, CNTT còn chậm.
 
Mục tiêu năm 2019 của Vietcombank là tổng tài sản tăng 12%, huy động vốn tăng 11-13%, lợi nhuận riêng lẻ 19.500 tỷ đồng, tăng 8,3%, hợp nhất 20.000 tỷ đồng, tăng 9,5%, chi trả cổ tức 8%.
 
Với tăng trưởng tín dụng, theo ông Nghiêm Xuân Thành, định hướng của ngân hàng là tăng 15%. “Trong 4 ngân hàng TMCP Nhà nước, chúng tôi được giao chỉ tiêu nhiều nhất”, ông nói. Vietcombank sẽ chú trọng tăng trưởng cao ngay từ đầu năm, tập trung cho tín dụng ngắn hạn và kiểm soát cho vay trung và dài hạn, kiểm soát với lĩnh vực rủi ro, tăng cường với khối FDI. Ngân hàng cũng đưa định hướng nếu được NHNN giao tăng hơn 15% thì sẽ tăng cao hơn mức này. Với nợ xấu, ngân hàng đảm bảo dưới 1%, nợ nhóm 2 dưới 1,5%.
 
 
Chủ tịch Vietcombank cho biết ngân hàng sẽ nỗ lực để tiến gần mục tiêu chiến lược là ngân hàng số 1 Việt Nam, 1 trong 100 ngân hàng hàng đầu khu vực, top 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, được quản trị theo các thông lệ tốt nhất.
 
Bà Trương Lệ Hiền, Trưởng Ban kiểm soát, đọc báo cáo của BKS năm 2018. Bà kiến nghị tiếp tục tăng vốn, giám sát chặt chẽ đề án phát triển CNTT.
 
Tờ trình bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 được đại diện HĐQT Vietcombank trình cổ đông. Ứng viên là ông Đỗ Việt Hùng, sinh năm 1970, là người đại diện 30% vốn góp của Nhà nước tại Vietcombank. Ông Hùng được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính NHNN tháng 4/2014.
 
Một số tờ trình khác như phương án phân phối lợi nhuận 2018, thù lao cho các thành viên HĐQT và BKS, lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập, sửa đổi, bổ sung điều lệ tổ chức, hoạt động và một số quy chế của ngân hàng, phương án tăng vốn giai đoạn 2019-2020 cũng lần lượt được nêu ra tại phiên họp.
 
Thủy Tiên
Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.