8h30, phiên họp thường niên chính thức bắt đầu. Thư ký Ban chủ toạ đọc chương trình họp đại hội.
Cổ đông Star Invest đề xuất bổ sung chương trình đại hội về một số vấn đề xoay quanh quy chế tài chính và hoạt động nhân sự của công ty.
Thứ nhất, Star Invest đề xuất bổ sung vào chương trình báo cáo của HĐQT về những sửa đổi trong quy chế tài chính và quy chế hoạt động của HĐQT.
Theo quy chế này, Chủ tịch HĐQT được phép phê duyệt các khoản tương đương 10% tổng giá trị tài sản của tổng công ty, Tổng giám đốc được quyết định các khoản giá trị 5% tài sản. Cổ đông này đặt vấn đề liệu điều này có trao quyền quá lớn cho Chủ tịch và Tổng giám đốc, thể hiện ý định thâu tóm của An Quý Hưng với Vinaconex không.
Thứ hai, về việc mua cổ phiếu quỹ, Star Invest yêu cầu nêu rõ căn cứ pháp lý và lý do thực hiện. Cổ đông này đặt vấn đề liệu việc mua cổ phần dùng nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển liệu có vi phạm quy định? Vì sao đến nay công ty chưa thực hiện, trong tương lai có triển khai hay không?
Thứ ba, cổ đông này yêu cầu bổ sung báo cáo Ban kiểm sát, trong việc giám sát hoạt động của HĐQT về tổng số tiền tạm ứng cho các tổ chức, cá nhân và đặt vấn đề liệu có rủi ro với doanh nghiệp không?
Cuối cùng, cổ đông đề nghị lãnh đạo báo cáo các biến động nhân sự của Vinaconex, tại các công ty con, công ty liên kết. Theo thông tin của Star Invest, có 16 chủ tịch và 8 tổng giám đốc các đơn vị thành viên bị thay đổi trong thời gian qua, và người thay thế đều được An Quý Hưng đề cử.
Đến 9h48, sau khi kiểm phiếu, đề xuất bổ sung của Star Invest không được thông qua do tỷ lệ đồng ý đạt hơn 31%.
2 thành viên HĐQT nêu lý do đưa đơn kiện
Trong phần thảo luận, cổ đông đặt câu hỏi vì sao lại có sự việc Vinaconex bị kiện về Nghị quyết phiên họp bất thường khiến HĐQT phải tạm dừng hoạt động. Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT, cho biết bản thân cũng không thể giải thích vì sao có đơn kiện của 2 cổ đông lớn và 2 thành viên HĐQT là ông Thân Thế Hà và Nguyễn Quang Trung.
Ông Thanh nhường phần trả lời cho 2 cá nhân này.
Ông Thân Thế Hà, thành viên HĐQT chia sẻ 2 khía cạnh. Thứ nhất, về góc độ pháp luật, bản thân ông Hà và ông Trung là đại diện 2 pháp nhân mua cổ phần tại Vinaconex. Khi tổ chức họp đại hội bất thường, 2 tổ chức này nhận thấy trong quy trình “có gì đó” thiếu và không đầy đủ.
Đặc biệt Vinaconex là công ty đại chúng lớn. Theo quy định pháp luật, trong 90 ngày, các sự kiện tổ chức của doanh nghiệp có thể hồi tố. Trên cơ sở đó, các bên đã đề nghị cơ quan pháp luật can thiệp và tòa án đã thụ lý, làm đủ các thủ tục thẩm quyền trong phạm vi. “Vừa qua, sự việc này đã có kết quả như ông Thanh nói”, ông Hà cho biết.
Về góc độ doanh nghiệp, ông Hà cho biết đã công tác tại Vinaconex 27-28 năm và nhận thấy truyền thống đưa công ty phát triển là tính đoàn kết. Việc này đã duy trì suốt thời gian hoạt động dưới hình thức Nhà nước. Tuy nhiên, khi chuyển sang tư nhân thì vấn đề lợi ích của các cổ đông khiến tính đoàn kết bị ảnh hưởng.
Các cổ đông hiện nay cần có hành lang là điều lệ, quy chế để làm việc, cùng nhau bàn những quyết định quan trọng của Vinaconex. Việc bàn dù chưa được thống nhất và có những ý kiến bất đồng nhưng vẫn cần thiết. Nếu để cá nhân tự quyết sẽ vi phạm ngay về quy định quản trị rủi ro. Công ty cổ phần là có sự tham gia của nhiều cổ đông, có sự đóng góp của nhiều người. Cá nhân được quyết vấn đề lớn sẽ gây ra các bức xúc.
Ông Nguyễn Quang Trung, Thành viên HĐQT, bổ sung ý kiến công ty cổ phần có những vấn đề chưa thống nhất thì sẽ cần thảo luận và có ý kiến tranh luận, sẽ cần pháp luật nếu không chưa đi đến điểm chung. Theo ông, điều này là việc cần thiết để thúc đẩy và phát triển công ty.
Chuyện của An Quý Hưng và Vinaconex là khác nhau
Liên quan đến câu hỏi về những lo ngại thất thoát tài sản, phân chia quyền lực tại Vinaconex, ông Đào Ngọc Thanh nhấn mạnh đoàn kết theo lời ông Hà là đúng nhưng đoàn kết theo cơ chế nào lại là vấn đề khác. Theo ông Thanh, đoàn kết phải được thực hiện trên phương diện thượng tôn pháp luật “không phải chén chú chén anh”. “Chủ tịch bị bầu sai thì cho đi tù, hoàn toàn có thể đi tù”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh cho biết thêm việc vấn đề sửa đổi quy chế HĐQT được đưa ra và thông qua tại HĐQT đúng quy định pháp luật.
“Việc cổ đông đặt ra chưa có tiền lệ không phải là vấn đề. Việc của Chủ tich là phải tạo sự khác biệt, đẳng cấp và chuyên nghiệp. Bỏ phiếu quá bán thì quyết định thông qua, luật cho phép, 51% đồng ý là thông qua”, ông nói. Theo ông Thanh, toàn bộ các vấn đề đưa ra và được thông qua đều được thực hiện theo đúng pháp luật.
Theo lời ông Thanh, từ khi trở thành Chủ tịch HĐQT, ông chưa ký bất cứ hợp đồng nào gây thiệt hại và lấy ví dụ về việc không ký dự án 1.000 tỷ đồng ở Bình Định dù biết có thể mang về lợi nhuận 100 - 120 tỷ đồng.
Theo ông Thanh, việc quan trọng không phải ký bao nhiêu mà là ai ký và ký như thế nào. “Tôi bỏ vào 7.400 tỷ đồng tôi ký 1.000 tỷ thì tiền đó là tiền cọc của tôi. Tôi và ông Đông là đại diện của An Quý Hưng, sau đó còn nhiều người nữa. Nhưng tại đây là chỉ có tôi và ông Đông”, ông nói.
Đối với vấn đề tẩu tán tài sản, ông Thanh khẳng định chuyện của An Quý Hưng và Vinaconex là khác nhau. “Không có chuyện tiền từ Vinaconex về An Quý Hưng. Tiền chúng tôi mua Vinaconex là do chúng tôi góp lại để mua, làm gì có ngân hàng phía sau để vay. Tại sao thắc mắc?”, ông Thanh đặt vấn đề.
Về câu hỏi vì sao có sự thay đổi nhân sự liên tục tại các công ty con, ông Thanh nói những nhân sự ra đi vì nhiều lý do, có thể vì áp lực thay đổi về cơ chế. Người không làm được sẽ bị đào thải. “Đó không phải chất xám của doanh nghiệp”, ông nói.
Gần 13h, phần thảo luận vẫn đang diễn ra.
Chia sẻ về các dự án lớn của công ty, ông Thanh đánh giá dự án khu đô thị Cái Giá đặc biệt quan trọng. "Việc xin được cả trăm ha tại đảo hay ở chỗ là đất ở Cát Bà là đất được sổ đỏ vĩnh viễn. Tôi không hiểu vì sao trước nay không làm”, ông Thanh nói.
Bên cạnh đó, ông Thanh cũng nhắc đến dự án Splendora với diện tích 200 ha và nhận định có giá trị tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay dự án vẫn chưa được thông qua để thực hiện. “Sovico (công ty mẹ của Phú Long nắm 50% vốn tại Splendora) muốn mua lại. Nêu cần, chúng ta sẽ bán cho họ cũng được, bán lấy tiền đi làm việc khác”, ông Thanh nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về tình hình của Công ty An Khánh – JVC, đơn vị sở hữu dự án Splendora, ông Trung cho biết doanh nghiệp đang lỗ lũy kế 1.600 tỷ đồng, âm vốn sở hữu 1.000 tỷ đồng. Tổng nợ của doanh nghiệp là 6.000 tỷ đồng, khoản tiềm tàng đâu đó còn 1.600 tỷ đồng. Ông Trung cho rằng để phát triển dự án cần có tiền làm hạ tầng, phát triển quy mô, chứ không thể xé nhỏ. Ước tính cần tăng vốn vào khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng.
Ông Trung cũng nhắc lại rằng vẫn đề giữa các cổ đông lớn là chuyện nhỏ. Quan trọng là hai bên cần ngồi lại với nhau, tập trung nguồn lực, mới có thể giúp dự án triển khai được.
Sau phần chia sẻ, cổ đông tiến hành biểu quyết các vấn đề.