Ngày 21/6, cuộc họp cổ đông thường niên 2019 lần 2 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - HoSE: EIB) quy tụ lượng cổ đông đông đảo đại diện cho hơn 94% số cổ phần có quyền biểu quyết. Tỷ lệ dự họp lần này cao nhất những năm gần đây nhưng vẫn không giúp tạo ra một phiên họp đại hội thành công.
Với 55% cổ đông dự họp không thông qua Quy chế tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, cuộc họp lớn nhất năm của Eximbank buộc phải dừng lại. Ngay cả cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) cũng không tán thành khi cho rằng không đủ tin tưởng Ban chủ tọa.
Tranh chấp cổ đông vẫn gay gắt
Tranh chấp cổ đông không còn là câu chuyện mới tại Eximbank. Cùng với tranh chấp, cuộc khủng hoảng nhân sự cấp cao liên tục diễn ra, nhất là giai đoạn chuẩn bị cho cuộc họp cổ đông vừa qua.
Vào cuối tháng 3, bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Nam A Bank, được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Minh Quốc. Tuy nhiên, ông Quốc cho rằng cuộc họp này trái quy định và gửi đơn kiên lên tòa án yêu cầu dừng Nghị quyết thay đổi chủ tịch.
Eximbank sau đó thông báo chấm dứt hiệu lực nghị quyết về việc bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Quốc và bầu thay thế bà Lương Thị Cẩm Tú.
Nhưng chỉ một tuần sau khi ông Lê Minh Quốc trở lại vị trí cao nhất HĐQT, ngày 22/5, HĐQT Eximbank lại có quyết định chấp thuận đơn từ nhiệm của ông. Đồng thời, ngân hàng này thông báo ông Cao Xuân Ninh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Như vậy, chỉ trong 2 tháng, vị trí Chủ tịch Eximbank đã lần lượt trải qua ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú rồi lại trở về ông Lê Minh Quốc và hiện tại đến ông Cao Xuân Ninh. Chưa kể, ông Quốc trước khi từ nhiệm còn ủy quyền cho ông Ngô Thanh Tùng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch ngân hàng. Vị trí Tổng giám đốc cũng từng bỏ ngỏ một thời gian trước khi ông Nguyễn Cảnh Vinh tiếp nhận làm quyền Tổng giám đốc
Ngay trong phiên họp ngày 21/6, câu chuyện nhân sự tại Eximbank lại tiếp tục nổ ra giữa các nhóm cổ đông.
Tư cách ban chủ tọa (gồm Chủ tịch Cao Xuân Ninh, quyền Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh và Trưởng Ban kiểm soát Trần Ngọc Dũng) bị cổ đông chất vấn gay gắt. Phó Chủ tịch Đặng Anh Mai cho rằng các Nghị quyết bầu Chủ tịch và quyền Tổng giám đốc mới là không hợp lệ. Cổ đông Nhật Bản SBMC còn yêu cầu bầu lại Ban chủ tọa khi đề xuất thêm Phó Chủ tịch trên bàn làm việc.
Trong khi đó, sự xuất hiện của ông Nguyễn Chấn (cha ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch Nam A Bank) gây thêm tranh cãi về tư cách cổ đông của một số cá nhân, tổ chức. Trong danh sách tố cáo các đơn vị chiếm đoạt cổ phần bất hợp pháp của ông Chấn, đáng chú ý có cả bà Lương Thị Cẩm Tú (thành viên HĐQT EIB), CTCP Rồng Ngọc (đơn vị yêu cầu đình chỉ Nghị quyết bầu ông Ninh làm chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Quốc Toàn, ông Trần Ngô Phúc Vũ, CTCP Thành Công…
Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất
Trong bối cảnh tranh chấp cổ đông gay gắt, cổ phiếu EIB vẫn là cổ phiếu ngân hàng có mức tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Chốt phiên giao dịch 27/6, EIB ghi nhận mức đỉnh lịch sử 18.700 đồng/cp. So với đầu năm, EIB tăng khoảng 34% về thị giá.
Tại nhiều cuộc họp cổ đông khác, câu chuyện giá cổ phiếu thường được chất vấn sôi nổi. Tuy nhiên, với Eximbank, niềm vui từ thị giá cổ phiếu tăng cao được cho là "điểm sáng lớn" giữa những căng thẳng chưa có hồi kết tại ngân hàng này.
Cổ phiếu EIB đang đạt đỉnh lịch sử. Nguồn: VnDirect.
Mức tăng trên của EIB khá cao nếu so với mức bình quân 17 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn (khoảng 2%). Ngay cả đơn vị đầu ngành là Vietcombank cũng xếp ở vị trí thứ 2 khi tăng 30% về thị giá và vẫn chưa thể phá đỉnh lịch sử 73.550 đồng/cp (10/4/2018).
Eximbank dẫn đầu về mức tăng giá cổ phiếu nửa đầu năm.
Quay lại Eximbank, cổ phiếu ngân hàng này được chú ý nhiều khi xuất hiện những giao dịch thỏa thuận “khủng” lên đến hàng trăm triệu cổ phiếu, tương đương vài nghìn tỷ đồng và dẫn đến những thay đổi lớn về tỷ lệ sở hữu của các nhóm cổ đông. Điển hình như chỉ phiên giao dịch ngày 3/4, giá trị thỏa thuận là hơn 1.070 tỷ đồng.
Dù vậy, cơ cấu cổ đông của Eximbank vẫn còn khá "bí ẩn" khi cổ phiếu thường được các nhóm cổ đông chia nhỏ để nắm giữ. Hiện cổ đông lớn nhất được công bố là đối tác chiến lược SMBC sở hữu khoảng 15% cổ phần. Năm 2008, SMBC đã chi 225 triệu USD để mua cổ phần Eximbank và nắm giữ đến nay.
Ngoài ra, không thể không kể đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng được cải thiện trong vài năm qua. Tổng doanh thu tăng trưởng khá đều và lợi nhuận cũng tăng lên mức cao.
Hoạt động kinh doanh tại Eximbank 4 năm gần đây. Đồ hoạ: Lan Điền.
Ngân hàng chính thức thoát lỗ lũy kế vào năm 2017 khi lãi lớn 822 tỷ đồng. Sang năm 2018, lợi nhuận của Eximbank vẫn ở mức cao 661 tỷ đồng, giảm so với năm trước là do tăng trích lập dự phòng, thua lỗ từ đầu tư chứng khoán. Cụ thể cuối năm 2018, ngân hàng vướng 2 vụ bê bối “bốc hơi” tiền gửi và buộc phải trích bổ sung dự phòng khoản phải thu khó đòi lên tới 390 tỷ đồng.
Năm 2019, Eximbank dự kiến huy động vốn 143.500 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2018. Dư nợ cấp tín dụng tăng 11%, đạt 115.570 tỷ đồng, song trong điều kiện thuận lợi, ngân hàng sẽ xin NHNN để tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Nhà băng này dự kiến lãi trước thuế trước trích lập dự phòng bổ sung trái phiếu VAMC là 2.000 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước. Lãi trước thuế sau trích lập 1.077 tỷ đồng, tăng 30% và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Trong quý I, Eximbank đạt thu nhập lãi thuần 830 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng, giảm gần 37% cùng kỳ năm ngoái (chủ yếu do quý I/2018 có khoản thu đột biến hơn 500 tỷ từ việc thoái sạch vốn khỏi Sacombank).
Lan Điền
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.