Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng động thái này làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng (TCTD), gây bất ổn thị trường tiền tệ.
Nóng bỏng cuộc đua lãi suất
Thời gian vừa qua đã xuất hiện hiện tượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn, hoặc triển khai các sản phẩm huy động vốn, chương trình tiền gửi ưu đãi, tiết kiệm online, phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao. Từ đó, cuộc đua lãi suất càng “nóng” hơn.
Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6 tháng hiện lên tới 7,5%/năm và 12 tháng là 8,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất trên thị trường lên tới 10,2%/năm.
Ngoài ra, một số nhà băng còn áp dụng chương trình tặng thêm lãi suất khi khách hàng đáp ứng điều kiện của ngân hàng. Chẳng hạn, VPBank cho biết từ nay đến hết ngày 8/9, khách hàng đã có thời gian gắn bó với VPBank 1 – 3 năm sẽ được tặng thêm 0,1% lãi suất khi gửi mới sổ tiết kiệm; gắn bó 3 – 5 năm sẽ được tặng thêm 0,15% và trên 5 năm sẽ được cộng thêm 0,2% so với biểu lãi suất quy định. Số tiền gửi mới chỉ cần có giá trị từ 300 triệu đồng với kỳ hạn gửi từ 1 tháng trở lên.
Trong hoạt động của ngành ngân hàng, vốn huy động được coi là yếu tố đầu vào thường xuyên và chủ yếu nhất giúp cho nhà băng duy trì được thanh khoản, bù đắp được thiếu hụt trong thanh toán, tăng nguồn vốn kinh doanh và có thể sử dụng cho vay theo lựa chọn của mình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh NHNN đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, hạn chế cho vay ra, các ngân hàng vẫn phải đẩy mạnh huy động tiền một phần lý do đến từ nhu cầu vốn trung – dài hạn của mình.
Với quy định của NHNN về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm xuống còn 40% từ đầu năm 2019 và có thể giảm xuống 35% vào năm 2020 và xuống 30% vào năm 2021, bắt buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động nguồn tiền kỳ hạn dài.
Ngoài ra, từ tháng 4 và tháng 9, NHNN lần lượt thực hiện chính sách ngừng cho vay ngoại tệ đối với một số nhóm nhu cầu. Những nhóm nhu cầu này có thể chuyển sang và tạo áp lực tới tín dụng và nguồn vốn VND, đồng nghĩa với nhu cầu huy động vốn ngày càng lớn để có thêm nguồn vốn tiếp tục tăng trưởng tín dụng.
Có thể bị cắt “room” tín dụng
Trước tình hình trên, NHNN cho rằng thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn hoặc triển khai các sản phẩm huy động vốn, chương trình tiền gửi ưu đãi, tiết kiệm online, phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao. Vì vậy, NHNN vừa ban hành Công văn số 6669/NHNN-CSTT cảnh báo về việc tăng lãi suất huy động của các TCTD.
Theo đó, NHNN khẳng định sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các TCTD và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN, trong đó gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm.
NHNN yêu cầu các TCTD cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8/1/2019 với các nội dung chính. Cụ thể, duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, chấp hành quy định về lãi suất tiền gửi, tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.
Đặc biệt, chấp hành nghiêm các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất tiền gửi của TCTD đối với khách hàng, các quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn, giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan. Đồng thời, thường xuyên rà soát, điều chỉnh các sản phẩm, chính sách huy động vốn, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia, các ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên khá cao sẽ khiến việc cạnh tranh khó trở nên lành mạnh, nên NHNN cần kiểm tra xử lý sai phạm về lãi suất. Bên cạnh đó cũng cần có thêm nhiều biện pháp khác, không chỉ dừng lại ở các biện pháp hành chính.
Mặt khác, cần minh bạch hóa hoạt động tài chính kế toán cũng như hạn chế rủi ro trong quản trị nguồn và sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng. Từ đó, ổn định thị trường tiền tệ, lãi suất, đưa nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả vào nền kinh tế.
Hoàng Hà
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.