Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa có báo cáo về TPBank (HoSE:
TPB). Theo VCSC, ngân hàng đã chuyển trọng tâm từ mục tiêu dẫn đầu cho vay mua ôtô sang tập trung cho vay an toàn hơn.
Theo VCSC, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, TPBank cho biết thị trường cho vay mua ôtô đang cạnh tranh khắc nghiệt hơn dẫn đến tăng quy mô khoản vay và kỳ hạn cho vay. Ngân hàng quyết định sẽ không theo đuổi mở rộng thị phần từ năm 2019.
Ảnh hưởng của việc tham gia cạnh tranh trong thị trường cho vay mua ôtô là nợ xấu gồm tỷ lệ nợ đã xử lý gia tăng trên tổng dư nợ. Sau 6 tháng, nợ xấu của TPBank ở 1,57% tăng so với 1,17% 6 tháng 2018, nhưng vẫn thấp hơn đối thủ cạnh tranh trực tiếp là VIB với 2,45% (các ngân hàng trong danh mục theo dõi của VCSC không bao gồm BIDV và VietinBank có hướng giảm tỷ lệ nợ xấu).
Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trong 6 tháng tăng 70 điểm cơ bản so với cùng kỳ 2018, ở mức kỷ lục 4,13%, hỗ trợ cho nhận định của ban lãnh đạo trong việc chuyển hướng sang đẩy mạnh cho vay với khoản vay an toàn hơn từ cho vay ôtô.
TPBank ít các lợi thế hơn so với các đơn vị có tỷ lệ huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao như VCB và MBB, và các nhà băng có lượng khách hàng thu nhập cao như ACB và TCB. Do đó, VCSC dự báo NIM sẽ chỉ tăng nhẹ khoảng 8 điểm cơ bản trong năm 2020 và duy trì ở mức này do quá trình tái cơ cấu lại dư nợ. Tỷ lệ tăng trưởng nợ xấu được dự phóng sẽ dần giảm từ năm 2020.
Dự báo KQKD của TPBank. Nguồn: VCSC.
Chuyển biến từ bancassurance
Mảng bancassurance tăng 103% trong 6 tháng với tổng phí đạt 11 triệu USD, tương đương gần 255 tỷ đồng. Bảo hiểm nhân thọ chiếm 50% tổng thu nhập phí bảo hiểm tăng so với mức chỉ 20% vào cuối 2018.
VCSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép bán lẻ của TPBank đạt 20,7% giai đoạn 2018-2021. Ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng các khoản phí liên quan đến mảng bán lẻ trong tương lai. Phí bancassurance hiện tại đóng góp 51% cho tổng thu nhập phí. CTCK kỳ vọng tổng thu nhập phí sẽ tăng trưởng kép 53% trong 3 năm tới.
Mặt khác, chi phí dự phòng giảm sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận 2020. TPBank cho biết sẽ xử lý phần còn lại 394 tỷ đồng trái phiếu VAMC trong năm 2019. TPBank ước tính điều này sẽ làm tăng tổng chi phí dự phòng thêm 75,7% so với 2018. Sau khi hoàn tất xử lý trái phiếu VAMC, chi phí dự phòng dự phóng cho năm 2020 sẽ giảm 48% và phần nào bù lại dự báo giảm thu nhập từ kinh doanh trái phiếu Chính phủ.
VCSC dự kiến tăng trưởng lợi nhuận của TPBank giai đoạn 2019- 2021 lần lượt là 8,3%, 13,3% và 8,9%. CTCK cũng ước tính TPBank sẽ hoàn tất chuyển nhượng 30 triệu cổ phiếu quỹ vào cuối quý III/2020.
Người đồng hành
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.