Trong dự báo mới nhất, EC nhận định nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tăng trưởng ở mức 4,2% trong năm tới, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 6,1% được đưa ra vào tháng Bảy.
Đồng tiền euro tại Dortmund, miền tây nước Đức, ngày 27/1/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 5/11, Ủy ban châu Âu (EC) nhận định làn sóng lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm chậm lại đà phục hồi, cảnh báo nền kinh tế khu vực sẽ không quay trở lại bình thường vào trước năm 2023.
Trong dự báo mới nhất, EC nhận định nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tăng trưởng ở mức 4,2% trong năm tới, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 6,1% được đưa ra vào tháng Bảy.
EC cho rằng nền kinh tế khu vực đang hạ nhiệt dù ghi nhận sự phục hồi tốt hơn dự báo vào giữa năm nay. Tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ giảm 7,8% trong năm 2021, thay vì giảm ở mức 8,7% như dự báo trước đó.
Trong tuyên bố, Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho biết dự báo này được đưa ra trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ hai đang gây ra nhiều rủi ro và hủy hoại hy vọng về khả năng phục hồi nhanh chóng của châu Âu.
Ông cảnh báo sớm nhất là năm 2022, GDP của EU mới có thể trở về như trước dịch bệnh bùng phát.
Tại Tây Ban Nha, Bộ trưởng Kinh tế Nadia Calvino lại tỏ ra lạc quan hơn, khi cho rằng đà phục hồi kinh tế của Tây Ban Nha sẽ được duy trì chừng nào nước này còn kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tăng trưởng GDP trong quý 3 đã đạt mức kỷ lục là tăng 16,7% so với quý trước, sau khi nước này dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng Sáu, giúp kinh tế phục hồi từ mức suy thoái nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực, trong những tuần qua, chính quyền Tây Ban Nha đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới đối với hoạt động kinh tế để làm chậm lại đà lây nhiễm.
Tại Đức, các số liệu chính thức cho thấy xu hướng phục hồi của các đơn hàng công nghiệp đã bị chậm lại trong tháng Chín, trong bối cảnh chính phủ áp đặt các biện pháp mới nhằm ứng phó với tình trạng số ca nhiễm tăng mạnh.
Cụ thể, các đơn hàng công nghiệp chỉ tăng 0,5% so với tháng Tám, con số này thấp hơn nhiều so với mức dự báo 1,5%.
Nguyên nhân giúp các đơn hàng công nghiệp vẫn có thể duy trì đà tăng là do nhu cầu nội địa tăng 2,3% trong tháng Chín, trong khi đơn đặt hàng của nước ngoài giảm 0,8%.
Kể từ tháng Năm vừa qua, ngành sản xuất đã được hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế Đức, giúp các đơn hàng trở về gần với mức đạt được trong quý 4/2019, thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát. Số đơn đặt hàng của ngành sản xuất ôtô, đầu tàu nền kinh tế Đức, đã tăng mạnh ở mức 5,1%.
Sau khi Đức dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, kinh tế nước này đã tăng trưởng ở mức 8,2% trong quý 3.
Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa mới của Thủ tướng Đức Angela Merkel nhằm khống chế làn sóng dịch bệnh thứ 2 nhiều khả năng sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế nước này một lần nữa./.