Nếu ông Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ, các ngành Thủy sản, Hàng không, Dầu khí, Bất động sản khu công nghiệp... được dự báo sẽ hưởng lợi. Nhìn rộng hơn, thị trường chứng khoán Việt Nam về cơ bản đều ghi nhận diễn biến tích cực sau năm bầu cử tổng thống Mỹ.
Hôm nay (ngày 14/12), đại cử tri đoàn họp để bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống Mỹ.
Hiến pháp Mỹ trao cho các đại cử tri quyền lựa chọn tổng thống và khi tất cả các phiếu được kiểm vào ngày 14/12, ông Joe Biden dự kiến sẽ có 306 phiếu đại cử tri, trong khi ông Donald Trump dự kiến có 232 phiếu.
Sau khi các phiếu đại cử tri được bỏ, chúng sẽ được gửi đến Quốc hội, nơi cả hai viện sẽ triệu tập phiên họp vào ngày 6/1 do Phó Tổng thống Mike Pence chủ trì. Các phong bì từ mỗi tiểu bang và Đặc khu Columbia sẽ được mở ra và các phiếu bầu được kiểm.
Nếu ít nhất một thành viên của mỗi viện phản đối bằng văn bản đối với một số phiếu đại cử tri, thì Hạ viện và Thượng viện sẽ họp riêng để tranh luận về vấn đề này. Nếu không, các phiếu bầu sẽ được tính như kết quả của các bang.
Lễ nhậm chức của tân tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 20/1.
Kinh tế Việt Nam chịu tác động thế nào dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden?
Trong chiến dịch tranh cử của Biden, ông muốn theo đuổi một kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng nhằm phục hồi nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với trọng tâm là đầu tư vật lực. Ông Biden dự kiến sẽ chi thêm khoảng 3,95 nghìn tỷ USD so với các khoản chi thông thường trong nhiệm kỳ đầu tiên để đẩy tổng chi tiêu Chính phủ ước tính giai đoạn 2021 - 2024 lên 24,1 nghìn tỷ USD, tăng 39,05% so với nhiệm kỳ Tổng thổng Trump.
Với tiêu điểm là các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch, kế hoạch của tổng thống đắc cử mong muốn hồi sinh ngành sản xuất trong nước và đổi mới để mang lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu Mỹ.
Đánh giá về tác động đến nền kinh tế Việt Nam, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KISVN) cho hay kế hoạch đầy tham vọng của Biden có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, theo sau là mở rộng các hoạt động thương mại.
"Với tư cách là đối tác thương mại chiến lược, chúng tôi kỳ vọng biện pháp kích thích của Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam về lâu dài. Bên cạnh đó, để hiện đại hóa hệ thống giao thông xuống cấp, Biden đề xuất tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng như một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Mỹ trong dài hạn. Chiến lược đầy hứa hẹn này sẽ làm tăng nhu cầu đối với các kim loại xây dựng như thép, sắt, nhôm và đồng, nhờ đó tạo lợi ích cho các nhà cung cấp trong và ngoài nước, bao gồm cả Việt Nam", nhóm chuyên gia của KISVN nhận định.
Tuy nhiên, cũng có những tác động tiêu cực.
Theo KISVN, chính sách "Sản xuất tại Mỹ" của ông Biden sẽ cung cấp nhiều khoản đầu tư vào hoạt động mua sắm liên bang để nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước so với Trung Quốc và các nước có dòng sản phẩm tương tự. Hành động này có thể làm thay đổi thị phần và vị thế của các doanh nghiệp trong nước và cản trở các nhà xuất khẩu tiếp cận và tìm kiếm lợi nhuận từ Mỹ.
Ngoài ra, việc tăng cường rà soát lạm dụng thương mại khiến các nhà cung cấp bên ngoài có nguy cơ hứng chịu phản ứng tiêu cực, nhất là các ngành Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Hơn nữa, là một phần của Thỏa thuận Xanh Mới (Green New Deal), tổng thống đắc cử cam kết sẽ đưa việc chống biến đổi biến đổi khí hậu vào chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như cách tiếp cận của nước này đối với thương mại.
Mỹ đang bước đầu buộc những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong nước phải chịu toàn bộ chi phí do ô nhiễm carbon của họ, chính quyền Biden sẽ áp đặt phí hoặc hạn ngạch điều chỉnh carbon đối với hàng hóa sử dụng nhiều carbon từ các quốc gia không đáp ứng các nghĩa vụ về khí hậu và môi trường. Biden cũng sẽ đưa các điều kiện mới liên quan đến các cam kết về biến đổi khí hậu vào các hiệp định thương mại sau này.
"Chính sách này có thể thay đổi cơ cấu và giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong tương lai. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi cách tiếp cận của Biden đối với căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Được coi là người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sự thay đổi trong cách tiếp cận và thái độ của chính quyền Biden sẽ đảo ngược khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với Trung Quốc và hạn chế việc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam", nhóm chuyên gia của KISVN cho biết.
Ngoài ra, theo KISVN, mức thuế kép GILTI (Global Intangible Low –Taxed Income: là một phần thu nhập của công ty nước ngoài thuộc sở hữu của các cổ đông Mỹ, vượt quá 10% lãi suất đặc biệt) có thể làm giảm xu hướng đặt hoạt động sản xuất ở nước ngoài của các công ty Mỹ. Điều này sẽ hạn chế dòng vốn của Mỹ đổ vào các nước có lao động rẻ, trong đó có Việt Nam.
Kịch bản tích cực sẽ lặp lại với chứng khoán Việt?
Thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức giao dịch vào năm 2000 nên chúng ta chỉ có thể quan sát diễn biến thị trường trong 5 lần bầu cử tổng thống.
Thống kê dựa trên 5 lần bầu cử trước, thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng đi ngang hoặc giảm nhẹ trong năm bầu cử của Mỹ, ngoại trừ năm 2008, thị trường giảm mạnh do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nguyên nhân là do tâm lý thị trường trở nên thận trọng khi chờ đợi kết quả bầu cử và các chính sách mới sau đó.
Sau năm bầu cử, dù ứng cử viên Đảng Dân chủ hay Cộng hòa chiến thắng, thị trường chứng khoán Việt Nam đều thể hiện xu hướng đi lên trong năm tới.
Từ năm 2000 đến nay, VN-Index luôn tăng trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Đáng chú ý, trong năm 2017, VN-Index đã tăng vọt 47,8% sau khi Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng.
Vào thời điểm đó, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một loạt chính sách cứng rắn đối với các nước xuất khẩu nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và bảo vệ ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Các chính sách này đã khiến các công ty quốc tế chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang các nước khác trong đó có Việt Nam.
KISVN cho rằng khi ông Biden trở thành tổng thống, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ khó bị đảo ngược trong trung hạn do Đảng Dân chủ ủng hộ chính sách bảo hộ thương mại. Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống mới, năm 2021, hứa hẹn sẽ tiếp tục đi lên.
"Lập trường của đảng Dân chủ là tiếp tục ủng hộ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Với chiến thắng của ông Biden, mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ không trở nên quá căng thẳng nhưng ảnh hưởng của nó đến chuỗi cung ứng toàn cầu khó có thể đảo ngược. Sự chuyển dịch trong chuỗi cung ứng tại Trung Quốc sẽ khiến dòng vốn FDI đổ vào các nước khác và Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ điều này. Chúng tôi kỳ vọng các ngành công nghiệp phụ trợ và bất động sản khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi", nhóm chuyên gia cho hay.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể thu hút các dòng vốn đầu tư tài chính quốc tế.
Cụ thể, với Biden, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, chẳng hạn như giữ lãi suất ở mức thấp. Ngoài ra, kế hoạch thuế của Biden cũng gây áp lực lớn lên thị trường tài chính Mỹ. Do đó, dòng vốn tài chính từ Mỹ có thể tìm kiếm các thị trường khác (chẳng hạn như Việt Nam) với lợi nhuận cao hơn cho các nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó, KISVN nhận định nhà đầu tư nước ngoài có thể đảo chiều mua ròng.
Từ đầu năm đến giữa tháng 11/2020, hoạt động bán ra của khối ngoại đã áp đảo thị trường. Giá trị bán ròng được ghi nhận là 16 nghìn tỷ đồng, thị trường theo đó kết thúc chuỗi mua ròng từ năm 2017 đến năm 2019.
Khối ngoại bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam xuất phát từ tâm lý thận trọng do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19-19 và kết quả không rõ ràng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Kết quả là, dòng tiền đã chảy vào các kênh đầu tư khác có mức độ rủi ro thấp hơn, kênh trú ẩn an toàn, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ và vàng.
Nếu ông Joe Biden chính thức trở thành tổng thống Mỹ, các chính sách chính kiểm soát đại dịch Covid-19 và tăng mức lương tối thiểu sẽ bật đèn xanh cho sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Đây là các thông tin hỗ trợ cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, hoạt động bán ròng của khối ngoại có thể bị đảo ngược, mua ròng trở lại nhờ tâm lý lạc quan của thị trường.
KISVN cũng dự đoán USD sẽ mất giá trong thời gian dài dưới thời Tổng thống Joe Biden, điều này ảnh hưởng đến một số nhóm cổ phiếu tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ.
Nhóm chuyên gia bày tỏ quan điểm tích cực đối với các ngành của Việt Nam nếu ông Biden trở thành tổng thống Mỹ bao gồm: Thủy sản (nhờ nỗ lực ngăn chặn đại dịch giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi và kỳ vọng Mỹ sẽ duy trì thuế quan đối với Trung Quốc, đồng thời tập trung nhiều vào các rào cản kỹ thuật; cùng với đó là cơ hội khởi động lại việc tham gia CPTPP); Hàng không (nhờ dịch Covid-19 được ngăn chặn và đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh giúp tăng công suất cảng hàng không); Dầu khí (do giá dầu tăng trở lại); Bất động sản khu công nghiệp (do nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tăng lên).