Việc đi đến thỏa thuận và ký kết UKVFTA có ý nghĩa to lớn và thiết thực khi cả Việt Nam và Vương quốc Anh đều mong muốn sớm hoàn tất thỏa thuận này để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau COVID-19.
Việt Nam và Anh đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA) vào ngày 11/12 vừa qua. Hiệp định vẫn cần có chữ ký chính thức mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Việc đi đến thỏa thuận và ký kết UKVFTA có ý nghĩa to lớn và thiết thực khi cả Việt Nam và Vương quốc Anh đều mong muốn sớm hoàn tất thỏa thuận này để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trang thông tin của hãng tư vấn luật Pinsent Masons (Anh) nhận định UKVFTA sẽ giúp Việt Nam “tiết kiệm” 114 triệu bảng Anh (153 triệu USD) mỗi năm khi xuất khẩu hàng hóa sang Anh và 36 triệu bảng Anh cho hàng xuất khẩu của Anh sang Việt Nam.
Anh coi hiệp định này là bước đi đầu tiên trên con đường tiến tới gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
UKVFTA sẽ giúp Việt Nam không những cải thiện lĩnh vực sản xuất quy mô lớn sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà còn có thể ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do hơn, cũng như giúp các nhà sản xuất trong nước tránh được thuế nhập khẩu.
Đối với Anh, UKVFTA sẽ hỗ trợ nước này củng cố khả năng tiếp cận toàn cầu khi rời Liên minh châu Âu (EU).
FTA giữa hai nước này sẽ loại bỏ gần như tất cả các loại thuế quan giữa hai nước. Theo các nhà phân tích, UKVFTA sẽ giúp Việt Nam có thể ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do hơn và giúp các nhà sản xuất trong nước tránh được thuế nhập khẩu.
Đại sứ quán Anh tại Hà Nội dự báo Việt Nam có thể tiết kiệm được 151 triệu USD thuế quan đối với hàng hóa vận chuyển đến Anh.
Về chiều ngược lại, FTA sẽ giúp Anh “tiết kiệm” 36 triệu USD, ít hơn so với mức Việt Nam dự kiến “tiết kiệm” được. Tuy nhiên, thỏa thuận cho thấy Chính phủ Anh hoàn toàn có thể hình thành quan hệ thương mại của riêng mình sau khi rời EU.
Từ năm 2010-2019, thương mại giữa Việt Nam và Anh tăng gấp 3 lần, đạt khoảng 7,6 tỷ USD. “Tiết kiệm” thuế quan sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi hậu quả của tình trạng sụt giảm nhu cầu toàn cầu vốn đang cản trở xuất khẩu hàng chế tạo.
Đại dịch COVID-19 khiến phương Tây cắt giảm đơn đặt hàng đối với các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, như hàng may mặc, giày dép, đồ điện tử và thiết bị ôtô.
Phó Giáo sư Vũ Minh Khương thuộc Trường chính sách công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore nhận định Việt Nam sẽ được tiếp cận nhiều hơn với “thế mạnh đặc biệt” của Anh về dịch vụ tư vấn quản lý và lĩnh vực nghiên cứu và phát triển./.