Tình hình mới đòi hỏi những thay đổi lớn để phát triển và thích ứng, mở ra cơ hội tiếp theo cho nền kinh tế. Trong đó, chuyển đổi số cần được đẩy mạnh trong năm 2021 và Nhà nước nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp mới xuất hiện nhiều hơn nữa, chứ không phải chỉ là chính sách hỗ trợ.
Kinh tế Việt Nam trong năm 2020 được đánh giá vững vàng trước "sóng" lớn.
Năm 2020 gần khép lại với nhiều biến động, nhưng những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020 sẽ là tiền đề cho năm 2021 và nhiệm kỳ 2021-2025. Các chuyên gia kỳ vọng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ có những chính sách tạo ra "cú hích" đưa Việt Nam trở thành một nước cường thịnh, phồn vinh.
Cần chính sách khuyến khích hơn là hỗ trợ
Nhận định về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế Việt Nam trong suốt một năm qua, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề với dự báo tăng trưởng kinh tế có thể chỉ đạt 2-3% cho cả năm 2020, nhưng qua thử thách cho thấy kinh tế Việt đã có sức chống chịu khá tốt, với những con số tích cực mà các bộ, ngành vừa công bố.
Ví dụ, xuất siêu đạt mức kỷ lục với ước tính 20 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, đạt trên 90% kế hoạch, mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020; thu ngân sách nhà nước đến ngày 21/12 đã đạt 1.378.307 tỷ đồng, bằng 91,14% dự toán…
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đạt được kết quả này là do sức chống chịu của nền kinh tế được tăng cường kịp thời bằng các gói hỗ trợ của Chính phủ. Cùng với đó là khả năng vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp (DN) bằng việc liên kết với nhau, 47% DN được hỏi đã biết "nắm tay nhau" vượt khó.
Bước sang năm 2021 mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng các chuyên gia nhận định khó khăn vẫn còn rất lớn, vì vậy cần có những "cú hích" để nền kinh tế bứt phá.
TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần phải đạt mục tiêu phát triển kinh tế lớn hơn để phấn đấu và Chính phủ có những chính sách phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Chẳng hạn, thay vì mục tiêu tăng trưởng từ 6-7% thì nâng lên 8-9%.
Theo chuyên gia này, thực tế một số chính sách hiện nay đang chậm lại mà thị trường thì đang tiến lên. “Nếu Nhà nước không thay đổi thì thị trường không thể tiến được. Những thứ cải cách hết sức căn bản nếu không thay đổi thì khó có thể tăng trưởng, kinh tế năm 2021 chỉ đạt 5-6%”, ông Cung lo ngại và cho rằng cần đẩy nhanh tốc độ phục hồi hơn nữa.
"Nhà nước nên có chính sách khuyến khích DN mới xuất hiện nhiều hơn nữa chứ không phải chỉ là chính sách hỗ trợ, cứu DN đã chết", ông Cung kiến nghị.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, quá trình chuyển đổi số đã khởi động trong năm 2020 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2021, mở ra cơ hội tiếp theo cho nền kinh tế.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, hầu hết các DN vượt qua khủng hoảng trong năm 2020 nhờ chuyển đổi số và sự ra đời của các công ty số hóa đã góp phần vào việc phát triển kinh tế.
Phần lớn các siêu thị hiện nay đều bị DN nước ngoài mua hết cổ phần. Đây là thất bại lớn về thương mại điện tử của Việt Nam. Tuy nhiên, năm nay do dịch Covid-19 nên hoạt động mua bán - sáp nhập bị ảnh hưởng. Đây lại là cơ hội để DN nội đẩy mạnh chuyển đổi số và bước qua cuộc khủng hoảng kinh tế.
Ví dụ ở mảng ngân hàng, trong năm 2020, một số nhà băng thực hiện chuyển đối số nhưng lại hợp tác với doanh nghiệp số của nước ngoài. Tuy nhiên, rất may trong đợt dịch này, DN số ngoại không vào được Việt Nam nên các ngân hàng phải hợp tác với các DN nội như Viettel, FPT...
Trong việc thay đổi công nghệ số để phát triển nền kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất: "Chúng ta cần phục hồi các công ty số hóa Việt Nam, vì công nghệ số có vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất kinh doanh, bán hàng".
Về điều này, DN nội phải liên kết với nhau, kết nối với nhà sản xuất và người tiêu dùng để cùng vực dậy nền kinh tế. "Nếu để DN nước ngoài vào Việt Nam thì họ sẽ thâu tóm hết DN nội”, TS. Lê Xuân Nghĩa lo ngại.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, cơ hội lớn cho nền kinh tế trong năm 2021 là việc 14/16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã chính thức có hiệu lực, mở ra thị trường xuất khẩu lớn, nhất là mặt hàng nông sản. 59 dòng thuế giảm xuống mức 0, chủ yếu là các dòng thuế xuất khẩu, tạo điều kiện đặc biệt cho xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Để tận dụng được lợi thế này, yếu tố then chốt là ngành nông nghiệp chuyển đối số, ứng dụng công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản, giúp quản lý hiệu quả quá trình logistics vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần vào cuộc tạo điều kiện tối ưu cho người nông dân. Ví dụ, mặt hàng gỗ rừng trồng tạo ra hiệu quả kinh tế rất lớn, nhất là gỗ trên 7-8 tuổi. Tuy nhiên, người dân hiện chủ yếu khai thác gỗ ở độ tuổi 4-5 năm, không tạo ra hiệu quả kinh tế và giá trị tối ưu. Do đó, Nhà nước cần kéo dài chu kỳ vay vốn hoặc có biện pháp hỗ trợ để người dân không chặt gỗ sớm, tạo ra giá trị cao hơn.
Đặc biệt, thị trường cần nhiều hơn nữa những “đại bàng” như Vingroup, Masan… có đủ tiềm lực về tài chính và công nghệ tiên phong mở lối vào nông nghiệp.