VDSC dự báo VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.029 – 1.271 điểm trong năm 2021.
VDSC nhận thấy định giá của thị trường Việt Nam vẫn khá hấp dẫn khi so với các nước trong khu vực Châu Á.
Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) có tựa đề "Thời cơ trỗi dậy" đã đưa ra những triển vọng vĩ mô Việt Nam năm 2021 với con đường phục hồi bền vững. Bên cạnh đó, báo cũng đưa ra triển vọng thị trường chứng khoán 2021 với quan điểm "Bình thường mới, điểm cân bằng mới".
Thị trường chứng khoán toàn cầu dự báo vẫn tương đối lạc quan khi được hỗ trợ bởi chính sách nới lỏng tiền tệ, sự suy yếu của đồng USD và sự hồi phục của nền kinh tế. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng nên được cân nhắc khi căng thẳng giữa các đối tác thương mại khó có thể xoa dịu nhanh chóng và nhiều thỏa thuận toàn cầu bất ổn có thể làm lệch hướng phục hồi cùng với việc dịch bệnh vẫn còn tương đối phức tạp tại các quốc gia phát triển.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam trở thành điểm sáng khi đã kiểm soát dịch bệnh vô cùng hiệu quả và thành công. Việc Chính phủ có thể tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và giữ tỷ giá ở mức ổn định sẽ là động lực chính đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Từ đó, VDSC đưa ra dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 7,0%.
Ngoài yếu tố nội lực mạnh mẽ của nền kinh tế, khả năng đi lên của TTCK Việt Nam còn nằm ở câu chuyện nâng hạng thị trường và đưa vào sử dụng vắc xin Covid-19 trong tương lai gần. Câu chuyện về thoái vốn và cổ phần hóa vốn từng "làm mưa làm gió" giai đoạn 2017-2018 sẽ cần nhiều thời gian hơn để kiểm chứng và theo dõi.
Với hy vọng diễn biến tích cực của kiểm soát dịch bệnh và sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới nói chung, bên cạnh một bộ Luật Chứng khoán mới đưa ra nhiều kích thích hấp dẫn dòng vốn ngoại, năm 2021 dự kiến sẽ chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các quỹ ETF nội và ngoại với dòng vốn từ các thị trường phát triển chảy vào thị trường Việt Nam như một tài sản rủi ro hơn. Bên cạnh đó, VDSC dự kiến thị trường Việt Nam sẽ sớm áp dụng giao dịch T+0 và các quỹ ETF được ra mắt nhằm đưa ra các sản phẩm dựa trên phương thức giao dịch này.
Về tổng quan, trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, chỉ số P/E đã tăng từ xấp xỉ 11,3x trong năm 2015 lên 16,9x trong năm 2020, tương đương gần 50%. Mức P/E của VN-Index tương đối thấp trong giai đoạn trước năm 2015. Giai đoạn 2015-2019 chứng kiến chỉ số PE của thị trường Việt Nam tăng trưởng và duy trì chủ yếu trong biên độ 15-18x, ngoại trừ giai đoạn tăng nóng cuối năm 2017 và đầu năm 2018.
Trong năm 2020, đại dịch bùng nổ khiến giá tài sản giảm mạnh. P/E của VN-Index rơi về mức thấp nhất 6 năm qua (10,7x), trước khi bật tăng lên mức 16,9x và duy trì xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2020. Xét về P/E, đây là mức tăng gần 60%. Đi kèm với mức tăng trưởng P/E trong năm 2020, các chỉ số sinh lợi lại diễn biến có phần ngược chiều khi ROA và ROE cùng giảm nhẹ. Điều này đang diễn ra tương tự giai đoạn 2015-2016, khi hiệu quả sinh lời giảm về mức đáy 11,4% (ROE) và 1,9% (ROA) nhưng PE lại tăng lên và duy trì mức cao hơn. Tuy nhiên ở các năm sau đó, giai đoạn 2016-2019, diễn biến của ROE và ROA tương đối đồng pha với PE. Giai đoạn thị trường đạt đỉnh năm 2018 có thể được giải thích bởi mức tăng PE không đi kèm cải thiện hoạt động kinh doanh và các yếu tố cơ bản, mà được thể hiện phần nào qua các chỉ số sinh lợi của thị trường, ROE và ROA.
Nhìn lại diễn biến trong quá khứ, VN-Index đang giao dịch với mức định giá cao hơn mức trung bình. Tuy nhiên VDSC nhận thấy định giá của thị trường Việt Nam vẫn khá hấp dẫn khi so với các nước trong khu vực Châu Á (trung bình ở mức 26,2x). Trong năm 2021, theo ước tính của Bloomberg, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các thị trường có hiệu suất sinh lợi tốt nhất, với dự phòng ROE tăng lên mức 15,7%, tức mức cao nhất kể từ 2014. EPS của thị trường cũng được ước tính tăng trưởng hai chữ số. Dựa vào kỳ vọng một phần bù P/E tốt hơn so với các thị trường khác, bên cạnh một mức P/E cao so với lịch sử sẽ được chấp nhận trong thời kỳ lãi suất thấp, mức định giá của thị trường được ước tính nằm trong khoảng 16,5-18.x.
Xét về yếu tố dòng tiền, VDSC kỳ vọng dòng tiền sẽ tiếp tục chảy vào kênh đầu tư chứng khoán khi mặt bằng lãi suất vẫn đang được duy trì ở mức thấp, từ đó thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trong nước. Về dòng tiền nước ngoài, dù vẫn giữ quan điểm thận trọng nhưng VDSC nhận thấy tình hình đã khả quan hơn khi họ bắt đầu giảm bán ròng trong những tháng cuối năm 2020. Tựu chung lại, VDSC dự báo VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.029 – 1.271 điểm trong 2021.
Rủi ro lớn nhất với thị trường chứng khoán vẫn đến từ diễn biến địa chính trị và bức tranh thương mại toàn cầu. Trong đó, việc gần đây Mỹ đã dán nhãn Việt Nam là “thao túng tiền tệ” sẽ làm gia tăng nguy cơ Mỹ đánh thuế lên các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam và ảnh hưởng tâm lý chung của thị trường.
Năm 2021 sẽ là một năm đề cao chiến lược đầu tư từ trên xuống (top-down) và đi theo sự hồi phục của nền kinh tế. Trong đó, các ngành hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng và hoạt động xuất nhập khẩu sẽ là những điểm đến đầu tư tiềm năng. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng riêng nhờ vào sự hỗ trợ ưu tiên của Chính phủ hoặc có khả năng gia tăng thị phần sẽ là những cơ hội mà nhà đầu tư có thể xem xét.