Bên ngoài cửa hàng bán đồ cũ của Masahisa Noda ở quận Asakusa, Tokyo, là những kệ hàng giá rẻ, được giảm giá 30%, cửa kính treo bảng giảm giá 5% cho thanh toán không dùng tiền mặt. Bên trong, giữa những bộ kimono và obi xếp ngay ngắn trên kệ, Noda hết sức buồn phiền về tương lai. Thuế tiêu dùng tăng vào mùa thu năm ngoái đã ảnh hưởng lớn đến doanh số bán hàng và ông không thấy nhiều triển vọng phục hồi.
“Mọi người mua kimono như thứ gì đó xa xỉ. Đó không phải là mặt hàng thiết yếu”, ông nói. “Chỉ tăng thuế khoảng 2% cũng có thể khiến họ ngừng mua hàng. Doanh số bắt đầu chậm lại ngay cả trước khi thuế tăng. Mọi người trở nên dè dặt hơn, tránh chi tiêu vào những thứ không cần thiết”.
Thuế suất tăng từ 8% lên 10% có hiệu lực vào tháng 10, ảnh hưởng tới chi tiêu của người tiêu dùng lớn hơn nhiều so với dự báo từ các nhà kinh tế. Tiêu dùng giảm 11% và nền kinh tế suy giảm 6,3% trong quý cuối cùng năm 2019. Mọi hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng đã bị dập tắt bởi sự bùng phát của virus corona, cắt đứt nguồn khách du lịch từ Trung Quốc.
Asakusa là điểm đến du lịch nổi tiếng và du khách nước ngoài chiếm 10% - 20% doanh số tại cửa hàng của Noda. Hiện tại du khách Trung Quốc gần như đã không còn và thậm chí người dân địa phương cũng tránh xa nơi đây.
“Người dân Nhật Bản bây giờ tránh đến Asakusa vì vùng này có nhiều khách du lịch”, ông nói. “Họ sợ sẽ bị nhiễm virus nếu đến đây”.
Sức mua giảm, lực cầu giảm ở Trung Quốc và tác động của virus có thể đẩy Nhật Bản trở lại suy thoái kỹ thuật - được định nghĩa là hai quý liên tiếp suy giảm kinh tế - lần thứ hai kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức vào năm 2012. Trước đó, ông hứa sẽ “phá vỡ mọi bức tường chắn trước nền kinh tế Nhật Bản và vạch ra đường hướng mới cho tăng trưởng”.
Chiến lược của ông, hay còn được gọi là “Abenomics”, được cho là sẽ vực dậy nền kinh tế bằng cách sử dụng ba “mũi tên” - chính sách tiền tệ tích cực, linh hoạt tài chính và cải cách kinh tế xã hội để giúp doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tích cực và hiệu quả hơn. Tự động hóa, cùng với cải cách lao động và nhập cư, sẽ giúp giảm áp lực cho lực lượng lao động, công nghệ tài chính sẽ giúp kinh doanh hiệu quả hơn, và lượng lớn khách du lịch nước ngoài - hướng tới mục tiêu 40 triệu người mỗi năm vào năm 2020 - sẽ mang lại một nguồn thu mới.
Trong khi kích thích tiền tệ hạ giá đồng yên (JPY), và chính phủ đã chi – cũng như vay - rất nhiều cho kích thích tài khóa, các thương nhân nhỏ như Noda không thấy được hiệu quả. Lượng khách du lịch tăng hầu như không bù đắp được cho tiêu dùng giảm trong nước.
“Khi ông Abe được bầu làm thủ tướng năm 2012, tôi đã hy vọng mọi thứ sẽ được cải thiện trong năm tới”, Noda nói. “Nhưng hy vọng của tôi giờ tiêu tan như một quả bóng xì hơi”.
Những cải cách sâu rộng hơn của Abenomics vẫn đang được tiến hành. Áp lực bên ngoài gia tăng và thời gian cũng như không gian chính trị của ông Abe đang cạn kiệt.
“Rất rõ ràng là chúng ta đang trong giai đoạn thử nghiệm sự cố với Abenomics”, Jesper Koll, chuyên gia kinh tế và cố vấn cấp cao của quỹ WisdomTree, Mỹ, cho biết. “Thành thật mà nói, chúng tôi không biết hệ thống sẽ kiên cường đến mức nào”.
Ảnh hưởng rộng khắp
Cửa hàng bách hóa Matsuya nằm ngay trung tâm thành phố Ginza, khu bán lẻ cao cấp của Tokyo. Bên cạnh tòa nhà Louis Vuitton và bên kia đường từ các cửa hàng Apple, Chanel và Cartier, nơi đây trở thành điểm đến của những vị khách Trung Quốc khá giả, những người thường đi du lịch với một chiếc vali rỗng để có thể lấp đầy bằng các mặt hàng xa xỉ - mỹ phẩm, quần áo, túi xách, ngọc trai và đồng hồ - tại Matsuya và các cửa hàng xung quanh.
Khách du lịch nước ngoài chiếm 1/4 doanh số của cửa hàng, theo Shimpei Kono, giám đốc kế hoạch bán hàng của Matsuya.
Giống như nhiều doanh nghiệp bán lẻ, Matsuya đã chuẩn bị cho đợt tăng thuế. Hoạt động kinh doanh tăng mạnh vào tháng 9, khi người tiêu dùng tranh thủ mua sắm trước khi thuế tăng. Doanh số trong năm tăng 18%, trước khi giảm mạnh 20% vào tháng 10, không chỉ vì giá cao hơn mà còn do ảnh hưởng của cơn bão Hagibis quét qua Tokyo và Yokohama trong ba ngày cuối tuần từ 12 đến 14/10. Nhân dân tệ (CNY) mất giá 10% so với JPY cũng là một yếu tố.
Doanh số hàng năm giảm 0,8% trong tháng 11 và 1,5% trong tháng 12. Việc kinh doanh, tuy vậy, có phần hồi phục vào tháng 1 và 2.
“Doanh số đặc biệt tăng vào ngày Valentine vì cửa hàng thu hút nhiều khách nữ trong độ tuổi 20, 30 và 40”, Kono nói. “Tôi đã kỳ vọng một sự hồi phục hoàn toàn”.
Thật vậy, quyết định tăng thuế vào tháng 10 của chính phủ ông Abe là dấu hiệu của niềm tin rằng nền kinh tế có thể chịu được cú hích.
Thủ tướng Abe lên nắm quyền sau cuộc khủng hoảng tài chính, trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản trì trệ sau nhiều đợt suy thoái. Dường như không có con đường rõ ràng nào thoát khỏi tình trạng bế tắc. Các tập đoàn tích trữ tiền mặt và một “thế hệ lãng quên” của những người ở độ tuổi 30 và 40, đã bỏ lỡ cơ hội nghề nghiệp ổn định trong thời kỳ bùng nổ của đất nước, dường như sẽ mãi mắc kẹt trong tình trạng thất nghiệp.
Nhật Bản đã không dự phòng đủ về chính trị và tài khóa để giải quyết các thách thức dài hạn của đất nước. Tình trạng thiếu lao động, trách nhiệm phúc lợi gia tăng và giảm mức tiêu dùng từ thế hệ dân số giảm đang là vấn đề cấp bách và sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng GDP của Nhật Bản đang trên đà giảm 1/4 trong 40 năm tới do sự sụt giảm nhân khẩu học.
“Khi bạn mất 500.000 khách hàng mỗi năm, sẽ rất khó để chi tiêu của khách hàng trở thành động lực cho phát triển kinh tế”, Michael Thomas Cucek, trợ lý giáo sư chính trị Nhật Bản tại Đại học Temple, bang Pennsylvania, Mỹ, nói. “Đó là sự thật hiển nhiên”.
Với nền kinh tế khó khăn, các biện pháp dài hạn cần thiết, bao gồm tăng thuế để đáp ứng nhu cầu gia tăng tất yếu trong chăm sóc sức khỏe và nợ lương hưu từ dân số già, đã tỏ ra không mấy tác dụng. Nỗ lực tăng thuế bán hàng đặc biệt có hại về mặt chính trị. IMF cho biết Nhật Bản cần tăng thuế lên 15% vào năm 2030 và 20% vào năm 2050, nhưng phải mất hai thập kỷ để công chúng chấp nhận mức lãi suất khiêm tốn 5%. Các chính phủ đã thất bại khi cố gắng nâng thuế cao hơn.
Abenomics cam kết sẽ phá vỡ chu kỳ của chủ nghĩa ngắn hạn. Các gói kích thích khổng lồ, bắt đầu với 13.000 tỷ JPY (tương đương 117 tỷ USD) vào năm 2013, sẽ mở rộng nền kinh tế và dành không gian cho cải cách cơ cấu. Đưa nhiều phụ nữ và người di cư vào lực lượng lao động sẽ giảm tình trạng thiếu lao động.
Cải cách lao động sẽ khiến lực lượng lao động cạnh tranh hơn và tăng tiền lương. Với sự hỗ trợ của chính phủ, các công ty sẽ áp dụng công nghệ, đặc biệt là trong thanh toán, do sự phụ thuộc liên tục vào tiền mặt được coi là kìm hãm nền kinh tế.
Trong một thời gian, các chính sách dường như đã có hiệu quả. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, nền kinh tế Nhật Bản đã khởi sắc. Năm 2013, Nikkei Stock Average đã tăng 57%. Mặc dù tăng trưởng chưa thực sự đột phá, lượng thuê nhân công đã tăng lên.
“Có những người trẻ tuổi với cái nhìn rất tích cực về cuộc sống, nhờ các đợt tuyển dụng rộng rãi theo sau các chính sách kích thích tài chính hoặc chính sách tiền tệ nới lỏng”, Cucek nói. “Thế hệ này rất lạc quan”.
Nhưng ngay cả khi tác động từ Abenomics giảm dần, chính phủ vẫn tiếp tục chi tiêu. Tổng nợ công đã tăng lên gần 240% GDP sau các gói kích thích kế tiếp. Mặc dù có tăng trưởng ban đầu, quá trình cải cách đã chậm hơn so với kỳ vọng của chính phủ.
Tăng lương thực tế bị giới hạn. Các công ty tiếp tục dự trữ tiền mặt thay vì đầu tư. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản từ chối chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ thanh toán điện tử quốc gia - tỷ lệ giao dịch gia đình được thực hiện bằng phương thức kỹ thuật số - chỉ là 20%, so với 69% ở Mỹ và 96% ở Hàn Quốc. Một số cải cách khó khăn hơn đã bị trì hoãn. Việc tăng thuế đã bị hoãn hai lần.
“Sẽ tốt hơn nếu chính quyền Abe bắt đầu từ những cải cách khó khăn trước”, Naoki Takayama, trợ lý giáo sư kinh tế tại Đại học Hitotsubashi của Tokyo và là cựu quan chức chính phủ chịu trách nhiệm về các tài khoản thu nhập quốc gia, nói.
“Đây là một trong những đợt tăng trưởng dài nhất trong lịch sử sau chiến tranh. Nhưng không tăng trưởng nào tồn tại mãi mãi. Nếu chính phủ cho rằng xu hướng tăng sẽ kéo dài trong 10 năm, họ đã không cân nhắc kỹ dự đoán của mình”.
Chính phủ Nhật Bản biết rằng việc tăng thuế tiêu dùng sẽ kìm hãm sự tăng trưởng, vì vậy họ đã chuẩn bị các biện pháp đối phó, bao gồm giảm 5% cho các khoản thanh toán không tiền mặt và giảm thuế khi mua xe hơi và nhà. Các nhà phân tích dự đoán tác động sẽ nằm trong khoảng 3,5% đến 4%, nhưng mức độ ảnh hưởng thực sự đã khiến họ bất ngờ.
“Không thể trì hoãn việc tăng thuế tiêu dùng một lần nữa, như vậy không khác nào thừa nhận rằng Abenomics đã thất bại”, Tobias Harris, phó chủ tịch cấp cao của công ty tư vấn Teneo, Mỹ, nói.
“Lập luận của ông Abe là nền kinh tế đủ mạnh để chống lại một đợt tăng thuế nhỏ, và lần này sẽ ổn thôi. ... Thực tế cho thấy nền kinh tế về cơ bản đã ít thay đổi như thế nào so với năm 2013. Điều họ không mong muốn nhất đã xảy ra”.
Tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất trong các số liệu từ tháng 10 đến tháng 12 là sự sụt giảm của đầu tư kinh doanh cũng như tiêu dùng - giảm 14%.
Nguyên nhân một phần là yếu tố khách quan. Hitachi Construction Machinery, một công ty lớn sản xuất máy xúc và các thiết bị hạng nặng khác, được định vị để tận dụng đà tăng trong xây dựng tại Nhật Bản, cũng như thị trường xuất khẩu nhờ sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Tuy nhiên, công ty đã phải tạm dừng sản xuất tại Nhật Bản trong gần ba tuần từ tháng 10 đến tháng 11 sau khi một trong những nhà cung cấp ở tỉnh Nagano bị ngập sau cơn bão Hagibis, một phát ngôn viên nói.
Xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm kinh tế Trung Quốc, khi nước này vật lộn với cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Vào tháng 1, Hitachi Construction Machinery đã báo cáo doanh số giảm 30% tại Trung Quốc trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 12, nhưng dự đoán rằng mức giảm chỉ còn 20% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3.
Đó là trước khi dịch bệnh do virus corona bùng phát, rủi ro không lường trước với nhiều doanh nghiệp. Vào tháng 2, hơn 50 công ty đã cảnh báo sẽ hạ dự báo doanh thu, hoặc sẽ chứng kiến doanh số giảm đáng kể, theo công ty nghiên cứu tín dụng Tokyo Shoko Research.
Con số có thể còn tăng thêm.
Lây nhiễm
Hitachi Construction Machinery đang dự kiến xuất xưởng một máy đào mini cho thị trường Trung Quốc khi vấp phải một cú sốc chuỗi cung ứng khác. Sự bùng phát của virus corona đã buộc công ty phải đóng cửa nhà máy lắp ráp ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, phía tây Thượng Hải, khi các công nhân được chính quyền tỉnh yêu cầu ở nhà như một biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus.
Tại cửa hàng Matsuya ở Ginza, các nhân viên cửa hàng đều đeo khẩu trang, điều trước đây họ không được phép làm vì sợ rằng che mặt và bịt miệng sẽ làm giảm giá trị dịch vụ. Nhưng cũng không có nhiều khách hàng xung quanh để nhận ra sự khác biệt. Khách nước ngoài mua hàng đã giảm một nửa, và ngay cả người địa phương cũng xa lánh nơi đây.
Nhiều người lo lắng rằng virus corona sẽ hạn chế khả năng phục hồi sau tăng thuế. “Tôi lo rằng mọi người sẽ ngừng ra khỏi nhà, ảnh hưởng rất lớn đến tiêu dùng cá nhân”, Shuichi Sato, quan chức tại Kanagawa Toyota Motor Sales, công ty điều hành đại lý xe hơi có trụ sở tại Yokohama, cho biết.
Ngành bán lẻ và xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị ảnh hưởng, nhưng ngành du lịch chịu thiệt hại nhiều nhất từ virus.
Hiroyuki Ikeda, người quản lý khách sạn Tabata Oji, trụ sở tại Tokyo, đã chán ngấy với các cuộc gọi từ các công ty lữ hành để hủy đặt phòng theo nhóm từ Trung Quốc đại lục. Gần 80% số lượng đặt phòng của Tabata Oji thường là từ các đối tác Trung Quốc, nhưng kể từ tháng 1, Bắc Kinh đã cấm các nhóm du lịch có tổ chức xuất cảnh để ngăn dịch bệnh bùng phát.
“Tất cả các đặt phòng từ họ cho tháng 3 đã bị hủy bỏ”, Ikeda nói. Khách sạn đã bắt đầu giảm giá trực tuyến 20% để thu hút khách. Mặc dù vẫn có phòng đặt trước cho tháng 4, nhưng nếu virus corona vẫn chưa được kiểm soát tới lúc đó, mùa hoa anh đào cao điểm có thể dẫn đến thua lỗ.
“Đó là khoản lỗ hàng triệu JPY mỗi tháng”, Ikeda thở dài.
Khách sạn thường có 3 hoặc 4 người dọn dẹp cho 48 phòng, nhưng giờ đây Ikeda chỉ yêu cầu 1 người đến làm mỗi ngày. “Tôi không có biện pháp nào khác để đối phó với tình huống này”, ông nói.
Chính phủ Abe đã rất kỳ vọng vào tăng lượng khách du lịch, đặt ra các mục tiêu khổng lồ - 40 triệu người vào năm 2020, khi Tokyo tổ chức Thế vận hội mùa hè và 60 triệu vào năm 2030. Đến thời điểm đó, chính phủ hy vọng chi tiêu của khách du lịch quốc tế sẽ đạt được 15.000 tỷ JPY (135 tỷ USD) mỗi năm.
Hơn 31 triệu người đã đến Nhật Bản vào năm 2019, khoảng một nửa từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Mức tăng 25% trong năm 2020 là rất tham vọng, đặc biệt sau xích mích ngoại giao với Hàn Quốc khiến lượng du khách nước này giảm sút.
Virus corona khiến việc đạt mục tiêu 40 triệu người trở nên gần như không thể. Số liệu tháng 1 cho thấy mức giảm nhẹ hàng tháng là 1,1%, nhưng chưa tính đến sự leo thang của dịch bệnh. Con số của tháng 2 có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều. Khu vực hồ Kawaguchiko nổi tiếng dưới chân núi Phú Sĩ đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về số lượng khách nước ngoài, thường chiếm khoảng nửa tổng lượng khách du lịch, trong khi riêng người Trung Quốc chiếm gần 20%.
“Toàn bộ khu vực đang giảm 20% đến 30% lượng đặt phòng và một số khách sạn thậm chí còn giảm một nửa”, một quan chức của Liên đoàn Du lịch Fujikawaguchiko cho biết. Người Thái cũng bắt đầu hủy đặt phòng, sau khi chính phủ ở Bangkok đưa ra cảnh báo về việc du lịch đến Nhật Bản. Thái Lan là nguồn du khách lớn thứ 6 đến Nhật Bản.
Ở Kyoto, khu vực đã phải vất vả với tình trạng quá tải khách du lịch những năm vừa qua, một nhóm doanh nhân đã phát động chiến dịch quảng cáo cho thấy một số địa điểm nổi tiếng nhất thành phố bị bỏ hoang, với hashtag Twitter #nopeople. Trên hòn đảo phía bắc Hokkaido, tại một lễ hội tuyết năm ngoái đã thu hút gần 2,8 triệu du khách, lưu lượng đã giảm 1/3.
Các công ty từng trông đợi vào lượng khách du lịch gia tăng giờ đang bế tắc.
Laox, một chuỗi bán lẻ điện tử lớn, điều hành hơn 30 cửa hàng miễn thuế trên khắp Nhật Bản, bao gồm bốn cửa hàng ở Kyushu dành riêng cho khách du lịch trên tàu. Mỗi khi một con tàu cập cảng, nhân viên từ các cửa hàng gần đó sẽ được điều động để phục vụ hàng nghìn khách vào cửa hàng để mua nồi cơm điện, lò vi sóng, máy cạo râu và máy sấy tóc. Hiện nay các cửa hàng đã mở, nhưng hầu như không có ai ở lối đi.
Laox có kế hoạch tạm thời đóng cửa cửa hàng hàng đầu ở Shinjuku, Tokyo, và có thể xem xét đóng cửa vĩnh viễn nếu dịch bệnh kéo dài.
“Chúng tôi đang hoạt động trên giả định rằng khách du lịch sẽ không trở lại cho đến nửa cuối năm nay”, Yosuke Abe, người đứng đầu bộ phận tài chính của Laox nói.
“Thật khó để biết khi nào Trung Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm du lịch tập trung. Và nếu lệnh cấm được dỡ bỏ, không rõ mọi người có mua gói kỳ nghỉ hay không. Họ đang không thể đi làm và căng thẳng về tài chính. Nếu họ đến Nhật Bản, không rõ liệu họ có chi tiêu như trước hay không”.
Các nhà phê bình cho rằng virus corona đã làm lộ ra một chính sách du lịch quá phụ thuộc vào du khách nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc. Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản, khách du lịch qua đêm của Nhật Bản đã chi 15.800 tỷ JPY trong năm 2018, gấp hơn 3 lần so với du khách từ nước ngoài.
“Nếu chính phủ đặc biệt quan tâm tới khách du lịch Trung Quốc mà bỏ bê du khách Nhật Bản, chúng tôi phải nói rằng đó là sự thất bại của chính sách kinh tế”, Hideo Shioya, giám đốc của Tổ chức du lịch Nhật Bản, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Tokyo chuyên về du lịch, nói.
Cơn ác mộng Olympic
Rủi ro lớn nhất đối với ngành du lịch là Thế vận hội mùa hè, dự kiến bắt đầu vào tháng 7. Các khách sạn đã đầu tư rất nhiều vào tăng công suất để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh như dự báo. Nghiên cứu của tập đoàn bất động sản CBRE, được phát hành vào tháng 6/2019, cho thấy số lượng phòng mới dự kiến mở từ năm 2019 đến 2021 tại 9 thành phố lớn nhất của Nhật Bản đã tăng từ gần 30.000 đến 80.000 so với năm trước.
“Lượng phòng dù đã vượt nhu cầu nhưng vẫn tăng lên”, Takeshi Kitamura, giám đốc của Japan Hotel Appraisal, đơn vị thẩm định bất động sản chuyên về khách sạn, nói.
“Mọi người tin vào sự thúc đẩy từ Thế vận hội và sự gia tăng các công ước quốc tế thời kỳ hậu Olympic. Nếu sự kiện thể thao bị hủy do virus corona, đó sẽ là cú sốc lớn với các doanh nghiệp trong ngành”.
Hủy bỏ Olympic ít có khả năng xảy ra, nhưng tình trạng giảm số lượng lớn sẽ ảnh hưởng tới sự kiện được coi là điểm nhấn của Abenomics và Nhật Bản. Các nhà phân tích đã lo ngại về chững lại sau Thế vận hội, sau khi tác động từ nguồn tiền mất đi.
“Bạn ước có thể bắt đầu bằng tăng trưởng và kết thúc bằng suy giảm”, Koll của WisdomTree nói. “Đó là câu chuyện mà mọi người muốn viết về Thế vận hội. Bùng nổ và suy giảm. Bây giờ sự việc theo chiều hướng ngược lại. Đầu tiên là suy giảm, sau đó sẽ là phục hồi. ... Câu hỏi còn lại là mức độ của sự phục hồi. Nó sẽ mạnh mẽ đến mức nào?”
Vào tháng 12, chính phủ Abe đã ký gói kích thích trị giá 13.200 tỷ JPY để cố gắng giảm thiểu tác động của siêu bão và nhu cầu giảm ở Trung Quốc. Nguồn tiền được dành cho các dự án sẵn sàng ứng phó thảm họa, cơ sở hạ tầng đường bộ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và nông nghiệp và triển khai mạng điện thoại di động thế hệ thứ 5. Khoản tiền này được cho là tương đương với khoản đầu tư tư nhân 13.000 tỷ JPY khác.
Một số nhà phân tích cho rằng nên có thêm ngân sách bổ sung để đối phó với tác động từ virus corona. Nhiều kích thích hơn có thể giữ cho nền kinh tế hoạt động, nhưng sẽ không đủ để thúc đẩy các thành phần tham vọng hơn - và có lẽ quan trọng hơn - của Abenomics. Thành công của cuộc thử nghiệm lớn đã là câu hỏi đặt ra trong nhiều năm, nhưng cú sốc bên ngoài từ vụ dịch đã làm gia tăng suy đoán rằng Abenomics, và chính ông Abe, cuối cùng có thể đã hết thời.
“Cải cách cơ cấu mũi tên thứ ba sẽ phải tạm thời hoãn lại. Nền kinh tế đang suy thoái. Đây không phải là thời gian cho những cải cách khó khăn. Dù sao nó cũng không khả thi về mặt chính trị. Khả năng thay đổi chính sách đang rất hạn chế với chính phủ Abe”, Takayama của Đại học Hitotsubashi nói.
“Việc ông Abe có thể làm bây giờ là… nhường chỗ cho những đường lối tiếp theo của chính phủ mới”.
Minh Ngọc
Theo Nikkei Asian Review
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.