Quý I, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP). Bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu sang tất cả thị trường tiêu thụ chính đều giảm 2 con số so với cùng kỳ.
Nguồn số liệu: VASEP.
Tính đến hết tháng 3, xuất khẩu sang Trung Quốc (gồm Hong Kong )đạt 63,2 triệu USD, giảm 36,4%. Ảnh hưởng nhiều nhất là giai đoạn tháng 2 khi dịch Covid-19 tại Trung Quốc đạt đỉnh, buộc chính phủ nước này phải mạnh tay áp dụng các biện pháp hạn chế hà khắc.
Tuy nhiên, sang tháng 3, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc bắt đầu tăng trở lại khi các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh có hiệu quả, hoạt động sản xuất dần được phục hồi. Kết quả, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 gấp gần 3 lần tháng trước. Hiệp hội dự báo trong quý II, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ khôi phục mạnh, có thể tăng 30-40% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo số liệu của VASEP, xuất khẩu sang Mỹ giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 61,7 triệu USD trong quý I. Nguyên nhân chủ yếu là xuất khẩu tháng 1 giảm hơn một nửa.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu tăng liên tục trong tháng 2 và tháng 3, lần lượt tăng 67% và 26%. Mỹ tăng mua cá tra Việt Nam, đồng thời trì hoãn các đơn hàng cá rô phi từ Trung Quốc, nơi bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên. UnderCurrentNews trích lời ông Chen Sheng, Tổng Giám đốc Công ty thủy sản Maoming Evergreen, cho biết dịch bệnh khiến khách hàng trì hoãn hơn 40% đơn đặt hàng đến Mỹ, Canada và Philippines khoảng 2 tháng so với bình thường. Hai nhà sản xuất cá rô phi lớn khác là Hainan Xiangtai Fish và Hainan Qinfu Food cũng đối mặt với tình trạng tương tự, chủ yếu là các đơn đặt hàng từ Mỹ.
Kim ngạch xuất cá tra sang tất cả thị trường tiêu thụ chính đều giảm hai con số so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn số liệu: VASEP.
Với châu Âu, kể từ tháng 2, khi virus corona làm đảo lộn hoạt động vận tải, phân phối cũng như kinh doanh của khu vực, xuất khẩu cá tra sang thị trường này bị ảnh hưởng rõ rệt. Tính đến hết tháng 3, xuất khẩu sang EU đạt gần 36,5 triệu USD, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất sang 4 thị trường tiêu thụ lớn nhất, gồm Hà Lan, Đức, Bỉ và Tây Ban Nha, đều giảm ít nhất 30%.
Hiện tại, dịch Covid-19 tại các điểm “nóng” ở châu Âu đều có xu hướng chậm lại và một số quốc gia bắt đầu tái mở cửa nền kinh tế. Cùng với đó, việc Hiệp định Thương mại EVFTA có thể có hiệu lực vào từ tháng 7 có thể giúp xuất khẩu sang châu Âu dần ổn định trong thời gian tới. Trả lời báo Nông Nghiệp Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm trích lời nhiều khách hàng ở châu Âu cho biết đơn hàng cá tra có thể tăng đột biến do các đơn hàng cá thịt trắng được gia công ở Trung Quốc như cá cod, cá pollock, haddock đang bị ách tắc.
Ngoài ra, xuất khẩu cá tra sang các thị trường tiêu thụ lớn khác trong 3 tháng đầu năm nay như ASEAN, Brazil, Mexico, Colombia, Australia cũng giảm 2 con số. Trong đó, kim ngạch xuất sang ASEAN giảm 29%, Brazil giảm 19%, Mexico giảm 57,8%, Colombia giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thị trường trong nước, sau khi có dấu hiệu khôi phục vào tuần đầu tháng, đến giữa tháng 3, giá cá tra nguyên liệu có dấu hiệu chững lại do dịch Covid-19. Nhìn chung, giá bán buôn cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng dao động trong khoảng 18.000-18.500 đồng/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con). Đây cũng là mức giá thấp nhất trong 10 năm qua.