• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.285,46 -1,06/-0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.285,46   -1,06/-0,08%  |   HNX-INDEX   229,21   -0,91/-0,40%  |   UPCOM-INDEX   92,70   +0,00/+0,00%  |   VN30   1.362,69   -0,20/-0,01%  |   HNX30   498,32   -2,61/-0,52%
20 Tháng Mười 2024 4:40:51 SA - Mở cửa
Công ty bến xe, xe buýt kinh doanh ra sao trước tạm dừng vận tải công cộng?
Nguồn tin: Người đồng hành | 03/04/2020 8:30:01 SA
Dịch Covid-19 đang có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt kinh tế. Trong ngành vận tải, sau lĩnh vực hàng không và đường sắt, hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ cũng đối mặt với nhiều khó khăn.
 
Chiều 31/3, Bộ Giao thông vận tải gửi công văn hỏa tốc yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các địa phương trong vòng 15 ngày (kể từ 1/4 đến 15/4) dừng mọi hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
 
Cũng theo công văn hỏa tốc, các bến xe khách tại địa phương cũng phải dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh.
 
Công ty bến xe WCS, HNB, TPS kinh doanh hiệu quả
 
Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây (HNX: WCS) là doanh nghiệp nhà nước có chức năng khai thác và kinh doanh bến xe, vận tải hành khách liên tỉnh và nội địa, khai thác dịch vụ phục vụ trong bến xe, cho thuê mặt bằng, bãi đậu xe…
 
Địa bàn hoạt động chủ yếu ở bến xe Miền Tây, một trong những bến xe lớn nhất Sài Gòn thuộc cửa ngõ phía tây thành phố, kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với hơn 150 doanh nghiệp tham gia khai thác 200 tuyến vận tải. Năm ngoái, công ty vận chuyển được 11,6 triệu lượt khách.
 
Dù vốn nhỏ chỉ 25 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp luôn nằm trong top các công ty kinh doanh ổn định và hiệu quả hàng đầu trên sàn chứng khoán. Hiện Tổng công ty SAMCO là công ty mẹ sở hữu 51% vốn WCS.

 
WCS tăng trưởng đều và kinh doanh hiệu quả top đầu thị trường.
 
Năm 2019, doanh nghiệp điều hành bến xe này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục lần lượt đạt 134 tỷ và 69 tỷ đồng, đều tăng nhẹ so với cùng kỳ. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 22.925 đồng, đứng thứ 2 thị trường chứng khoán chỉ sau Vinacafé Biên Hòa.
 
Nhờ lợi nhuận chưa phân phối cao, công ty đã trả cổ tức tỷ lệ 400% bằng tiền mặt cho năm 2019. Hiện WCS cũng là cổ phiếu có thị giá cao thứ 2 sàn chứng khoán đạt khoảng 145.000 đồng/cp, xếp sau cổ phiếu VCF của Vinacafé Biên Hòa.
 
Dù vậy, với sự cố bất ngờ Covid-19, hoạt động kinh doanh của WCS có thể bị ảnh hưởng đáng kể khi lượng khách hàng suy giảm bởi việc hạn chế di chuyển, cộng thêm tác động từ việc phải tạm ngừng hoạt động vận tải hành khách từ 1/4.
 
Trước khi có yêu cầu tạm dừng hoạt động, WCS dự báo sản lượng khách đi các tỉnh miền Tây trong 3 ngày dịp giỗ tổ Hùng Vương (1-3/4/2020) có thể giảm từ 55 đến 62% so với cùng kỳ, đạt khoảng 45.750 người. Với tình hình mới, công ty có thể mất phần lớn nguồn thu từ dịp lễ cao điểm này.
 
Bên cạnh WCS, một số công ty quản lý bến xe khác cũng đang kinh doanh hiệu quả. CTCP Bến xe Hà Nội (UPCoM: HNB) là đơn vị kinh doanh khai thác các dịch vụ tại 3 bến xe (Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát) với sản lượng vận chuyển gần 17 triệu lượt khách năm 2019.

 
Công ty Bến xe Hà Nội cũng tăng trưởng đều qua các năm.
 
HNB cũng có kết quả kinh doanh ổn định và tăng trưởng đều. Công ty ghi nhận doanh thu tăng nhẹ lên 147 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 13% đạt 12,5 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp.
 
Bến bãi Vận tải Sài Gòn (UPCoM: TPS) là đơn vị quản lý bến xe An Sương và bến xe Ngã Tư Ga tại TP HCM. Hoạt động kinh doanh của TPS cũng có hiệu quả cao khi ghi nhận doanh thu cao nhất từ khi lên sàn đạt 44 tỷ đồng năm 2019. Lợi nhuận sau thuế giảm 12% xuống 22,4 tỷ đồng do năm 2018 có lợi nhuận kỷ lục bất thường đến từ miễn tiền thuê đất.
 
Các công ty xe buýt có kết quả kinh doanh trái chiều
 
Không chỉ các công ty quản lý bến xe, các đơn vị vận tải hành khách đường bộ cũng gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, trong đó có các công ty vận hành xe buýt tại 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP HCM.
 
Công ty Cổ phần Xe khách Sài Gòn (SaigonBus, UPCoM: BSG) là một trong những doanh nghiệp vận tải hoạt động lâu đời nhất trên địa bàn TP HCM được thành lập từ 1976, trọng tâm hoạt động đến từ dịch vụ xe buýt.
 
Trong mảng xe buýt, BSG hiện có hơn 500 xe và 32 tuyến phục vụ trong địa bàn thành phố và các vùng lân cận, phục vụ đi lại của hơn 130.000 người với 3.500 chuyến một ngày. Ngoài ra, công ty còn hoạt động trong một số lĩnh vực khác như đưa rước công nhân viên, cho thuê xe hợp đồng; du lịch lữ hành; vận tải liên vận quốc tế; đào tạo, sát hạch lái xe; dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo và đóng mới xe khách…
 
Hoạt động của SaigonBus gặp nhiều khó khăn và bị động kể từ năm 2018, phải hoạt động với số chuyến cao hơn nhiều so với năm 2017. Tuy nhiên, chính sách trợ giá xe buýt chỉ đủ hoạt động đến hết tháng 9/2018 và từ đó công ty bị thiếu hụt nguồn thu trợ giá, cộng thêm việc chi phí nguyên liệu tăng cao dẫn đến thua lỗ.

 
SaigonBus bắt đầu thua lỗ từ năm 2018 do thiếu hụt nguồn thu trợ giá xe buýt.
 
Năm 2019, công ty tiếp tục lỗ hơn 69 tỷ đồng khi phải kinh doanh dưới giá vốn. Tổng lỗ lũy kế của doanh nghiệp đã hơn 106 tỷ đồng trên vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Diễn biến dịch Covid-19 có thể càng làm trầm trọng thêm những khó khăn của SaigonBus trong năm 2020.
 
Mạng lưới xe buýt ở Hà Nội lại được vận hành bởi nhiều đơn vị; trong đó lớn nhất là Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco - HanoiBus). Đây là công ty vận tải lớn với nhiều đơn vị thành viên hoạt động rộng khắp ở các lĩnh vực. Với riêng vận tải bằng xe buýt, Transerco vận hành khoảng 48 tuyến thông qua các đơn vị Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội, Bus nhanh BRT Hà Nội, Bus Thăng Long, Vận tải và dịch vụ Liên Ninh… Transerco đang trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp và chưa cập nhật các báo cáo kinh doanh trên website.
 
Một thành viên của Transerco đã cổ phần hóa là CTCP Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh (UPCoM: BLN). Đây là công ty được giao khai thác 5 tuyến xe buýt bao gồm số 8, 9, 19, 21 và 37. Báo cáo năm 2019 cho thấy quy mô doanh thu 184 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng, tăng 23%.
 
Một đơn vị kinh doanh xe buýt khác ở Hà Nội là CTCP Xe khách Hà Nội (UPCoM: CXH). Tiền thân CXH là Công ty Vận tải Hành khách Phía Bắc Hà Nội được cổ phần hóa năm 2004.
 
Về hoạt động, công ty chủ yếu vận tải hành khách bằng xe buýt với doanh thu hơn 79 tỷ đồng năm 2019, chiếm 80% tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế cao gấp đôi đạt 1,7 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của công ty nhờ chiến lược mở rộng thị trường, phát triển luồng tuyến, tăng quy mô phương tiện…
 
Dù vậy trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, ban lãnh đạo CXH cho rằng tình hình kinh doanh năm 2020 sẽ hết sức khó khăn và thử thách. Công ty sẽ khai thác tối đa hạ tầng hiện có và đấu thầu thêm các tuyến có trợ giá ở Hà Nội.
 
Huy Lê
 

Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Cổ phiếu liên quan

Công ty
Giá
Tin tức