Chứng khoán hồi phục tốt sau Covid-19, tự doanh công ty chứng khoán hưởng lợi?
Do những tác động nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và kết quả kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán nói riêng tiêu cực trong quý I. Với việc VN-Index giảm đến gần 32% chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm đã đẩy hàng loạt cổ phiếu lớn nhỏ lao dốc, trong đó có rất nhiều cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán.
Đặc biệt, kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý - 31/3 lại trùng với khoảng thời gian VN-Index lập đáy. Toàn bộ danh mục tự doanh - tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) được tính theo giá chốt phiên tháng 3 và được đánh giá lại theo như quy định, khiến hàng loạt công ty chứng khoán phải ghi nhận khoản lỗ rất lớn cho dù không thực hiện bán ra. Tiêu biểu có thể nhắc đến khoản lỗ do đánh giá lại đến hơn 136 tỷ đồng từ May Sông Hồng (HoSE:
MSH) của FPTS (HoSE:
FTS), Chứng khoán Rồng Việt (HoSE:
VDS) lỗ 59 tỷ đồng ở khoản Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE:
DIG)...
Tuy nhiên, giới đầu tư chứng khoán thường hay nói “chưa bán tức là chưa lỗ” - tức những khoản đầu tư có thể giảm ở thời điểm hiện tại nhưng được kỳ vọng sẽ tăng trong tương lai. Câu nói trên hiện có vẻ đúng với trường hợp danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán.
Diễn biến giá một số cổ phiếu khiến danh mục tự doanh của một số công ty chứng khoán đi xuống trong quý I. Đơn vị: Đồng/cp.
Bước sang quý II, thị trường chứng khoán có diễn biến nằm ngoài dự đoán của nhà đầu tư khi tăng không "nghỉ". Tính đến hết phiên giao dịch ngày 26/5, VN-Index đứng ở mức 869,13 điểm, tăng đến hơn 31% so với thời điểm cuối tháng 3. Đa phần các nhóm ngành đều hồi phục đáng kể trở lại, trong đó, nhiều cổ phiếu thậm chí còn vượt xa so với trước thời điểm bị dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng.
Theo thống kê, các cổ phiếu thuộc danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán bị đánh giá giảm ở quý I đều đã tăng rất mạnh trở lại thời gian nửa đầu quý II, điểm hình như
HSG đã tăng đến 128% từ mức 4.330 đồng/cp lên thành 9.890 đồng/cp,
DBC đã tăng 131% so với cuối tháng 3. Việc các cổ phiếu trong danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán hồi phục rất mạnh trở lại được kỳ vọng sẽ giúp doanh thu cũng như lợi nhuận của các đơn vị thuộc ngành này tăng trở lại ở quý II.
Thanh khoản tăng mạnh, mảng môi giới đi lên
Bên cạnh đó, mảng môi giới cũng đang được kỳ vọng sẽ tăng tốt vào quý II khi thanh khoản thị trường thời gian qua tăng rất mạnh so với trước. Riêng trên sàn HoSE, tổng khối lượng giao dịch trung bình từ đầu tháng 4 đến nay đạt 293,7 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 30,6% so với quý I, giá trị giao dịch trung bình cũng tăng 21,14% lên hơn 4.937 tỷ đồng/phiên.
Lượng tiền “dồi dào” trong thời gian gần đây được đánh giá không chỉ từ các nhà đầu tư chứng khoán lâu năm, chuyên nghiệp mà còn đến từ những nhà đầu tư mới, thậm chí là kể là những nhà đầu tư không mấy am hiểu về loại hình đầu tư này. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết nhà đầu tư trong nước đã mở mới 36.721 tài khoản chứng khoán trong tháng 4, tăng gần 5.000 tài khoản so với tháng trước. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 36.652 tài khoản và nhà đầu tư tổ chức mở mới 69 tài khoản. Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 4 vừa qua chỉ xếp sau con số kỷ lục 40.651 tài khoản được thiết lập vào tháng 3/2018 khi VN-Index đạt đỉnh lịch sử hơn 1.200 điểm. Có thể thấy, nhịp giảm sâu của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã kích hoạt làn sóng mở tài khoản "bắt đáy" chứng khoán.
Trong tương lai, chưa rõ được thị trường có thể tăng đến mức nào nhưng với việc tăng rất mạnh thời gian qua cùng với sự cải thiện rõ rệt của thanh khoản thì nhóm được hưởng lợi nhiều nhất chính là công ty chứng khoán.