Giãn thời gian nộp thuế lên 12 tháng là cần thiết
Sau giai đoạn cao điểm của Covid-19, vấn đề mà nhiều doanh nghiệp, giới chuyên gia quan tâm là thời hạn giãn các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiền thuê đất… từ 5 tháng hay 12 tháng, hoặc kéo dài hơn nữa. Bởi hầu hết các doanh nghiệp cho rằng vẫn chưa thể trở lại hoạt động bình thường, quá trình sản xuất, tiêu thụ vẫn chậm nên 5 tháng quá ngắn cho việc phục hồi. Thậm chí, Covid-19 còn chưa kết thúc, giai đoạn "bình thường mới" mới chỉ bắt đầu. Nhiều ý kiến còn cho rằng khó khăn có thể kéo dài 1 - 2 năm với nhiều ngành nghề đặc thù.
Trong những văn bản kiến nghị gần đây, cả Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đều đề xuất tăng thời gian giãn thuế TNDN, TTĐB lên 12 tháng; giảm 50% tiền thuê đất, thuế GTGT, TNDN; giảm tiền thuê đất cả 2 năm 2020 và 2021.
Theo VCCI, 5 tháng chưa có tác dụng hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp vì ngừng hoạt động sẽ không phát sinh doanh thu và các loại thuế. Còn đại diện VNREA cho rằng một dự án bất động sản mất khoảng 5 năm làm thủ tục, muốn bán được hàng phải mất gần một năm. Vì vậy 5 tháng không thể giúp doanh nghiệp phục hồi, kịp bán sản phẩm dự án để có nguồn tiền nộp thuế.
Ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT (Hàm Phó TGĐ) Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho rằng Chính phủ nên xem xét đề xuất gia hạn thời gian nộp thuế. Theo ông Lực, với Covid-19, Việt Nam cơ bản rà soát nhưng tình hình quốc tế còn phức tạp. Với 5 tháng, dịch bệnh khả năng khó được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, trong khi Việt Nam lại hội nhập sâu rộng quốc tế. Ông Lực nêu ý kiến Chính phủ nên cân nhắc gia hạn, giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất đến hết năm nay. Tất nhiên việc giãn, hoãn thuế phải trình xin ý kiến Quốc hội thông qua vì có thể vượt quá thẩm quyền của Chính phủ.
Ông Lực cũng nói thêm, doanh nghiệp mất 2 – 3 năm để phục hồi hoàn toàn, còn từ nay tới cuối năm là thời gian phục hồi để năm sau, hoạt động kinh doanh bắt đầu có lãi, có khả năng chi trả được tiền thuế, tiền thuê đất. Năm nay cơ bản là thời điểm khó khăn nhất. Theo chuyên gia này, sang năm 2021, kinh tế được dự báo có thể phục hồi, GDP đạt mức tăng trưởng 7%. Với con số tăng trưởng như vậy, hết năm 2021, doanh nghiệp sẽ trở lại trạng thái bình thường trước Covid-19. Ngoài ra, ông Lực cho rằng chỉ cần giãn, hoãn thuế đến hết năm nay, vì Chính phủ còn cần cân đối ngân sách, trong khả năng có thể; đồng thời cũng tạo tinh thần nỗ lực cho cả Chính phủ và doanh nghiệp vươn lên khó khăn.
Cần chính sách ưu tiên với ngành nghề đặc thù, hỗ trợ doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động
Chuyên gia Đinh Thế Hiển nói, doanh nghiệp đã gặp khó khăn thì không có lời, khó vay ngân hàng và vì thế cần nguồn vốn để tiếp tục vượt qua. Việc giãn, hoãn nộp thuế mang tính chất hỗ trợ, tất nhiên Chính phủ cần cân đối ngân sách để ổn định vĩ mô. Ông Hiển đề xuất Chính phủ có thể cân đối giãn, hoãn thời gian nộp thuế theo từng ngành nghề, có thể ưu tiên với những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề trực tiếp từ dịch bệnh, như khách sạn, nhà hàng, du lịch, vận tải, dịch vụ… Doanh nghiệp trong ngành này có thể có thời gian hoãn, giãn thuế dài hơn các công ty khác, hoặc có tỷ lệ giảm thuế nhất định.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng nêu quan điểm với báo chí, thông thường để doanh nghiệp hồi phục mất 2 – 3 năm chứ không thể chỉ một vài ngày. Do đó, ông lo lắng về khả năng chi trả các loại chi phí, các loại thuế trong bối cảnh doanh nghiệp đã kiệt quệ vì dịch. Vì vậy, vấn đề hiện tại là làm sao để giúp doanh nghiệp có đủ tiền đảm bảo hoạt động, không bị đánh bật khỏi thị trường? Ông Hiếu đề nghị hoãn thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ít nhất đến cuối năm, nhiều nhất tới năm sau nếu ngân sách quốc gia có thể khả thi.
Ông Hiếu còn cho rằng không chỉ kéo dài thời gian nộp thuế, Chính phủ cần bơm một dòng tiền hoạt động cho doanh nghiệp, bằng cách cho họ vay thông qua cơ chế bảo lãnh tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Trên thế giới, ngay cả Mỹ, chính sách này đều được sử dụng với cơ quan tài chợ tiểu thương nhưng Việt Nam lại chưa tính đến. Theo ông, cơ chế bảo lãnh tín dụng giúp doanh nghiệp có dòng vốn tín dụng ngay cả khi không đủ điều kiện vay. Quan trọng nhất, các chính sách hỗ trợ cần sớm được thực thi để đi vào cuộc sống, tạo môi trường cho doanh nghiệp bật dậy.