Theo báo cáo tài chính kiểm toán công ty mẹ năm 2019 vừa được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) công bố, năm qua, công ty mẹ Vinachem lỗ tới 1.170 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh thu suy giảm, trong khi chi phí tăng rất mạnh.
Cụ thể, năm 2019, tổng doanh thu (bao gồm doanh thu thuần và doanh thu hoạt động tài chính) của tập đoàn này ở mức 977 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước đó.
Trong khi đó, chi phí tài chính tăng hơn gấp đôi lên 634 tỷ đồng, chủ yếu do tăng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư. Tương tự, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng hơn gấp đôi lên 1.469 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí dự phòng.
Được biết, trong năm, công ty mẹ Vinachem đã tăng dự phòng thêm khoảng hơn 600 tỷ đồng đối với khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc). Cùng với đó, gia tăng khoảng 1.000 tỷ đồng dự phòng cho khoản phải thu về cho vay đối với Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.
Ngoài ra, tập đoàn này còn tăng dự phòng khoảng 370 tỷ đồng đối với các khoản phải thu khác.
Mức lỗ gần 1.200 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu của công ty mẹ Vinachem giảm từ 13.752 tỷ đồng hồi đầu năm về 12.571 tỷ đồng vào cuối năm. Trong đó, lỗ lũy kế tăng từ 674 tỷ đồng lên 1.845 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 31/12/2019, tổng tài sản của công ty mẹ Vinachem ở mức gần 19.179 tỷ đồng, giảm 7% sau một năm.
Tổng đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết và các khoản đầu tư khác của tập đoàn này lên đến 12.750 tỷ đồng. Trong đó, trích lập dự phòng lên đến gần 6.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở Đạm Hà Bắc (2.658 tỷ đồng), Đạm Ninh Bình (2.313 tỷ đồng), Công ty DAP số 2 - Vinachem (802 tỷ đồng), Công ty DAP - Vinachem (131 tỷ đồng).
Theo báo cáo của Vinachem, quý I/2020, 4 doanh nghiệp kể trên tiếp tục lỗ hơn 800 tỷ đồng, tăng tới 246% so với cùng kỳ năm 2019. Theo kịch bản do Vinachem đề ra, trong trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý II/2020, 4 doanh nghiệp yếu kém trên có thể lỗ tới 3.444 tỷ đồng.