• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.285,46 -1,06/-0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.285,46   -1,06/-0,08%  |   HNX-INDEX   229,21   -0,91/-0,40%  |   UPCOM-INDEX   92,70   +0,00/+0,00%  |   VN30   1.362,69   -0,20/-0,01%  |   HNX30   498,32   -2,61/-0,52%
19 Tháng Mười 2024 3:29:27 CH - Mở cửa
GEX: Chủ tịch - Phối hợp cùng Viglacera trở thành nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam
Nguồn tin: Người đồng hành | 18/06/2020 1:11:59 CH
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 sáng nay (18/6), Chủ tịch HĐQT Gelex (HoSE: GEX) Nguyễn Văn Tuấn cho biết công ty sẽ trực tiếp là chủ đầu tư khu công nghiệp thông qua phối hợp sử dụng thương hiệu của Viglacera - do là doanh nghiệp Nhà nước nên quá trình đầu tư cần nhiều thời gian. Hai bên đang triển khai các thủ tục pháp lý để mở rộng dự án 100 ha tại Tây Ninh lên 600 ha, đã mua khu công nghiệp Long Sơn 800 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
 
Ông Tuấn cho biết Viglacera hiện sở hữu 12 khu công nghiệp ở miền Bắc với tổng quỹ đất hơn 5.000 ha. Ngoài ra, Gelex thực hiện M&A, chú trọng phát triển khu công nghiệp phía Nam tại Tây Ninh, Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai...để mở rộng chuỗi khu công nghiệp trên cơ sở sử dụng hệ thống khách hàng của Viglacera. Hiện Công ty đã là đơn vị phát triển khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam nhưng mong muốn bỏ xa các đối thủ.
 
Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch xây dựng hệ sinh thái xung quanh khu công nghiệp bao gồm hạ tầng, bán điện, bán nước, đầu tư các khu nhà ở xã hội, xây dựng kho 200.000 m2 cho thuê trong khu công nghiệp còn dư của Viglacera.
 
Đại diện HĐQT trình kế hoạch năm 2020 với 2 kịch bản. Nếu thực hiện hợp nhất Viglacera (HoSE: VGC), Gelex đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 975 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước. Trong trường hợp không hợp nhất, lợi nhuận sẽ giảm 33% còn 735 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức là 10%. 
 
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, công ty quyết định không chia cổ tức và dành phần lớn nguồn lợi nhuận chưa phân phối để mua cổ phiếu quỹ với giá trị gần 300 tỷ đồng.
 
Gelex hiện nay sở hữu gần 25% cổ phần Viglacera sau khi đấu giá thành công một phần lô cổ phần do Bộ Xây dựng thoái vốn đầu năm 2019.
 
Gelex đang định hướng sẽ trở thành công ty quản lý vốn (holdings) tư nhân, quản lý 2 nhóm ngành chính là sản xuất công nghiệp và ngành hạ tầng. Công ty có chiến lược hoàn tất các thương vụ đầu tư chiến lược như mua cổ phần chi phối Viglacera, Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh, Dây đồng Việt Nam CFT và ngược lại sẽ thoái 100% vốn Gelex Logistics.
 
HĐQT trình thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là bà Nguyễn Thị Bích Ngọc và bà Đỗ Thị Phương Lan. Cổ đông cũng tiến hành bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020. Hai ứng cử viên ứng cử là ông Nguyễn Trọng Hiền và ông Lương Thành Tùng.
 
Ông Hiền là cử nhân Kinh tế Ngoại thương, từng là Phó Ban đầu tư kiêm Giám đốc Kinh doanh và Giám đốc dự án điện gió tại Công ty Cơ điện lạnh (REE) đến tháng 5/2020. Ông Lương Thanh Tùng, trình độ Kỹ sư Kinh tế Xây dựng, hiện đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐTV Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex.
 
Ông Tuấn cho biết thương vụ mua 100% dây đồng Việt Nam CFT - một liên doanh với Nhật Bản sẽ hoàn tất trong quý III. Đây là một trong những doanh nghiệp sản xuất dây cáp đồng lớn ở Việt Nam với sản phẩm dây đồng V8.
 
Một tờ trình đáng chú ý khác là cho phép Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Tuấn và người có liên quan được mua/nhận chuyển nhượng cổ phiếu GEX dẫn đến tăng tỷ lệ sở hữu tới mức 36% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
 
Việc tăng tỷ lệ sở hữu như vừa nêu trên được thực hiện thông qua việc mua/nhận chuyển nhượng cổ phiếu GEX từ các cổ đông hiện hữu thông qua hình thức mua khớp lệnh hoặc mua thỏa thuận theo quy định. Thời gian thực hiện sau khi được Đại hội thông qua.
 
Hiện nay cổ đông lớn nhất của Gelex là Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX nắm giữ 15,7% vốn công ty. Ông Nguyễn Văn Tuấn và người thân hiện chưa sở hữu cổ phiếu GEX. Ông Tuấn đang trong thời gian đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu từ 27/5 đến 24/6.
 
Công ty cũng trình việc miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với bà Đỗ Thị Phương Lan và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc theo đơn xin từ nhiệm, bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020 trên cơ sở danh sách ứng viên.
 
Tại phần thảo luận, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Tuấn cho biết công ty thu hơn 1.400 tỷ đồng từ thoái vốn khỏi mảng logistics và dự kiến dòng tiền sẽ về vào đầu tháng 8. Giá vốn của mảng này là 1.210 tỷ đồng nhưng công ty giữ 2 khu đất lớn Trường Thọ và Suối Tiên (TP HCM).
 
Một số nội dung khác đáng chú ý:
 
- Chi tiết, tiến độ các dự án điện mặt trời ở Bình Phước và trang trại điện mặt trời ở Ninh Thuận?
 
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Tại Bình Phước, công ty có quỹ đất sạch ở rừng cao su cần có trạm truyền tải để đấu nối. EVN cũng sẽ đầu tư trạm rồi công ty mới đầu tư nhà máy. Gelex cũng đang đặt các thỏa thuận nhằm thực hiện dự án cũng như trình Chính phủ bổ sung vào quy hoạch điện VIII.
 
Về trang trại điện Ninh Thuận, công ty đã hoàn thành hết dự án. Khu vực này đang quá tải nguồn điện nên công ty không tiếp tục đầu tư.
 
Chia sẻ rõ hơn về dự án đầu tư bất động sản ở Trần Nguyên Hãn?
 
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Dự án này có vốn đầu tư lớn nên Gelex chưa ưu tiên xây dựng trong năm nay mà tập trung vào chiến lược hợp nhất Viglacera. Công ty phấn đầu khởi công vào tháng 6/2021.
 
Sau khi cổ phần hóa công ty TNHH Thiết bị điện Gelex thì Gelex nắm bao nhiêu vốn, phần thoái vốn bán cho những cổ đông nào?
 
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Gelex nắm 99,98%. Để tiến hành IPO ở HoSE, công ty cần có 3 cổ đông để trở thành CTCP. Gelex sẽ lựa chọn cổ đông chiến lược tốt nhất cho cổ đông doanh nghiệp.
 
Công ty đang đi vay nhiều tại sao lại bỏ tiền ra mua cổ phiếu quỹ đợt giá xuống?
 
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Tại thời điểm mua cổ phiếu quỹ công ty có nguồn tiền dư. Trong khi đó, giá cổ phiếu giảm so với giá trị doanh nghiệp và áp lực từ cổ đông lớn nên công ty quyết định mua lại cổ phiếu. Sắp tới, Gelex sẽ tìm đối tác bán cổ phiếu quỹ để lấy lợi nhuận do dự kiến giá bán sẽ cao hơn giá mua vào ban đầu.
 
Dịch Covid-19, chi tiêu đầu tư công của EVN giảm sút ảnh hưởng như thế nào đến kênh bán hàng dự án và đại lý của mảng thiết bị điện. Doanh thu cả năm đặt ra tăng nhẹ nhưng lợi nhuận giảm. Doanh thu tăng quý I như biên lợi nhuận gộp giảm và chi phí tăng. Công ty có kế hoạch gì?
 
Ngành hàng kinh doanh đặc thù ảnh hưởng giá đồng. Từ tháng 3 đến tháng 5, giá đồng biến đổi liên tục, khiến công ty phải giảm giá, chiết khấu để bán nhanh hàng tồn kho. Thibidi là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, đến tháng 6, mảng thiết bị điện ghi nhận doanh thu tốt, biên lợi nhuận tăng nhờ giá đồng tăng ổn định.
 
Sau dịch, nhóm thiết bị điện ổn định và sẽ vượt kế hoạch vào cuối năm. Lợi nhuận cả năm giảm một chút nhưng đó là chiến lược của doanh nghiệp.
 
Kế hoạch chi tiêu hoạt động đầu tư 2020 và bao nhiểu % dùng nợ vay?
 
Năm 2020, nguồn vốn dự kiến đầu tư hạ tầng 4.000 tỷ đồng và M&A là 2.000 tỷ đồng. Phần lớn là từ khoản vay thương mại. Còn nguồn lợi nhuận để lại đã đủ cho đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy nước sạch Sông Đà. Các dự án điện gió thì công ty đã góp đủ vốn đối ứng.
 
Công ty liên kết là DAP Đình Vũ hoạt động không được hiệu quả, Gelex dự định tái cấu trúc như thế nào?
 
Ban đầu, công ty mua doanh nghiệp bởi họ có cảng Hải Phòng dùng để phục vụ hoạt động logistics. Tuy nhiên, Gelex sẽ thoái vốn trong năm nay để tập trung vào chiến lược về hạ tầng và khu công nghiệp.
 
Gelex Electric dự kiến triển khai IPO như thế nào?
 
Về Gelex Electric, công ty sẽ tập trung vào những mảng ổn định để niêm yết và thu hút cổ đông chiến lược. Gelex Electric có kế hoạch niêm yết vào năm 2022 và dự kiến chọn cổ đông chiến lược hoạt động trong ngành kinh doanh hoặc ngành tài chính.
 
Kế hoạch 2020 có 2 kịch bản chia theo việc hợp nhất Viglacera với chênh lệch khoảng 250 tỷ đồng. Trong khi, lợi nhuận của Viglacera khoảng 600 tỷ đồng, tính ra mối tháng lãi khoảng 150 tỷ đồng. Công ty chia sẻ kỹ hơn về kế hoạch này?
 
Gelex dự kiến hợp nhất Viglacera vào quý IV/2020. Cả năm, Viglacera đặt mục tiêu lợi nhuận cả năm là khoảng 900 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận trước thuế/quý quý khoảng 200 tỷ đồng. Công ty chưa đánh giá lại tài sản khi mua Viglacera vì chưa quyết được giá chào mua là bao nhiêu.
 
Có phải năm 2020-2021, công ty không phát hành tăng vốn bằng cổ phiếu mới?
 
Năm 2020, Gelex chưa có kế hoạch tăng vốn và chủ yếu sử dụng nguồn tiền từ vốn vay và vốn kinh doanh.
 
Dự án bất động sản Trần Nguyên Hãn có thể thoái vốn không? Nếu có, Gelex có định thoái vốn để đầu tư các dự án khác không?
 
Pháp luật không cho phép Gelex chuyển nhượng dự án khi chưa đầu tư xong. Công ty có chiến lược không bán những dự án ở vị trí tốt mà giữ lại để đầu tư, tạo dòng tiền. Dự án bất động sản ở Trần Nguyên Hãn sẽ không bán. Nếu doanh nghiệp không đầu tư thực hiện thì sẽ bị thu hồi.
 
Kết quả kinh doanh quý II?
 
Lũy kế 5 tháng, doanh thu ở mảng điện 4.795 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch. Lợi nhuận 238 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch. Mảng năng lượng khoảng 390 tỷ đồng và lợi nhuận ghi nhận 19 tỷ đồng.
 
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Công ty chủ trương lấy thị phần bằng chính sách giá trong bối cạnh thị trường thu hẹp, từ đó, tạo tiền đề khi thị trường mở cửa, ổn định trở lại.
 
Tại sao Chủ tịch HĐQT không muốn chào mua công khai?
 
Luật chào mua công khai rất phức tạp, 6 tháng mới được chào mua 1 lần. Việc không chào mua sẽ thuận lợi hơn. Cuối năm 2020, Chủ tịch HĐQT dự kiến sẽ mua vào cổ phiếu theo phương pháp khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ cổ đông hiện hữu.
 
Nhiều công ty có kế hoạch đầu tư vào khu công nghiệp, vậy lợi thế của công ty là gì?
 
Nếu Gelex không mua Viglacera thì công ty cũng không có ý tưởng đầu tư vào khu công nghiệp. Viglacera là thương hiệu tốt đặc biệt đối với các đối tác như Samsung trong việc đầu tư, thu hút dự án... Qua việc kết hợp với nhau, công ty nhận thấy đầu tư năng lượng có những đặc tính kinh doanh trùng với Viglacera. Điểm khác biệt là dự án điện thì bán cho EVN còn khu công nghiệp thì làm việc với đối tác.
 
Điểm khó khăn là cơ chế của Viglacera và Gelex hợp tác sẽ giải quyết vấn đề này. Trong 6 tháng cuối năm, công ty sẽ mua khoảng 4 khu công nghiệp, dự kiến mua gần cảng để phát triển chuyên sâu. Còn Viglacera sẽ giữ nhiệm vụ phát triển.