Sáng nay (24/6), Ngân hàng TMCP Quân Đội – MB tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 tại Hà Nội.
Năm 2019, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu
Báo cáo tại đại hội, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, kết thúc năm 2019, ngân hàng đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu do ĐHĐCĐ giao.
Cụ thể, tổng tài sản đạt hơn 411 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2018; huy động vốn tăng 19,8% đạt hơn 292 nghìn tỷ đồng; tín dụng tăng trưởng 18,6% với dư nợ gần 265 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu chỉ 1,16%, trong đó, nợ xấu riêng ngân hàng mẹ là 0,98%; tỷ lệ dự phòng rủi ro trên nợ xấu luôn đạt trên 80%, trong đó tại thời điểm cuối năm 2019 là 128%.
Lợi nhuận trước thuế 10.036 tỷ đồng, tăng 29,2% trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt 9.286 tỷ đồng cùng mức tăng trưởng 32,1%, tiếp tục là ngân hàng có hiệu quả sinh lời trên vốn (ROE) cao trong hệ thống.
Ngân hàng cũng đã đáp ứng chuẩn Basel II trước hạn. Hệ số an toàn vốn CAR cuối năm 2019 ở mức 10,12%; LDR ở mức 73,8%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đạt 32,32%, thấp hơn nhiều so với quy định hiện hành của NHNN.
Bên cạnh đó, hoạt động của các công ty con và công ty thành viên ghi nhận kết quả tích cực. Trong đó, công ty bảo hiểm nhân thọ MB Ageas life là công ty đầu tiên trong ngành bảo hiểm nhân thọ có lợi nhuận sau 3 năm hoạt động với 205 tỷ đồng, ROE đạt 19,6%.
Công ty chứng khoán MBS đứng top 5 về thị phần môi giới với lợi nhuận hơn 288 tỷ đồng, ROE đạt 14,7%.
Công ty tài chính tiêu dùng MCredit duy trì top 4 thị phần, lợi nhuận hơn 180 tỷ đồng, ROE khoảng 12,7%; công ty bảo hiểm Quân đội MIC hoàn tất tăng vốn và xong hồ sơ niêm yết trên HoSE, lợi nhuận hơn 176 tỷ đồng, ROE đạt 11,5%; Công ty quản lý quỹ MBC đứng top 2 về lợi nhuận với 73 tỷ đồng, ROE khoảng 12,9%; Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản AMC đạt 190 tỷ đồng lợi nhuận, ROE khoảng 17,3%.
Kiên định mục tiêu top 5
Sang năm 2020, Tổng giám đốc MB cho biết, ngân hàng thận trọng kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới.
Theo đó, MB sẽ tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, cung cấp các gói tín dụng lãi suất ưu đãi, các chính sách hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
Bên cạnh đó, để tăng tốc độ xử lý hồ sơ khách hàng, quản lý rủi ro hiệu quả, ngân hàng sẽ ứng dụng mô hình hóa xếp hạng tín dụng, xác suất vỡ nợ, mô hình ước lượng tỷ lệ tổng thất dự kiến, giá trị chịu rủi ro khi vỡ nợ, mô hình khe hở thanh khoản, khe hở lãi suất, bộ công cụ quản trị rủi ro hoạt động,..
Đồng thời, MB sẽ tiếp tục giảm chi phí huy động vốn, phấn đấu giảm giá vốn đầu vào từ 0,2%-0,3%. Thúc đẩy mô hình bán chéo sản phẩm dịch vụ giữa MB và các công ty thành viên, hoàn thiện mô hình kinh doanh ngân hàng số, thu hút khách hàng tăng mới và chuyển đổi khách hàng sang sử dụng kênh số, kênh giao dịch điện tử,…
Về kế hoạch kinh doanh cụ thể,
MBB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng khoảng 8%; tín dụng tăng khoảng 12% theo hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước giao còn huy động vốn sẽ theo thực tế tình hình sử dụng vốn của ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến tối đa là 1,9%.
Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, do tác động của Covid-19 nên kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm khoảng 10%.
“Dù vậy MB vẫn kiên định với mục tiêu nằm trong top 5 các ngân hàng thương mại về chất lượng hoạt động và hiệu quả; dẫn đầu về ứng dụng số. Kế hoạch năm nay lợi nhuận giảm nhẹ nhưng trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đi lên”, Tổng giám đốc MB nói.
Chia cổ tức 15%, nâng vốn điều lệ lên 27.988 tỷ đồng
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không được chi trả cổ tức bằng tiền mặt để dành nguồn lực giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, HĐQT MB trình cổ đông chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%.
Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III hoặc quý IV năm nay.
Bên cạnh đó, MB dự kiến sẽ chia toàn bộ hơn 25,6 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ cho cổ đông hiện hữu vào cuối quý IV/2020 hoặc quý I/2021.
Vốn điều lệ của ngân hàng theo đó dự kiến sẽ tăng thêm 18% lên 27.988 tỷ đồng.