Sáng ngày 8/6, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil - UPCoM:
OIL) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Theo đó, đơn vị đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất là 52.200 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2019 và lợi nhuận sau thuế dự kiến 376 tỷ đồng, tăng 8%.
Kế hoạch năm 2020 được xây dựng trên cơ sở giá dầu thô trung bình ở mức 60 USD/thùng và chưa tính đến yếu tố ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự sụt giảm giá dầu. Tuy nhiên, từ cuối tháng 1, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm. Công ty báo lỗ kỷ lục 423 tỷ đồng trong quý I.
PV Oil đặt mục tiêu chia cổ tức năm nay tỷ lệ 2% nhưng không chia cổ tức cho năm 2019. Nguyên nhân bởi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi bù đắp khoản lỗ của năm trước chỉ còn là 98 tỷ đồng (tương đương 0,9% vốn điều lệ), trong khi tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2020 đang gặp rất nhiều khó khăn.
Trong năm nay, công ty sẽ tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống công ty thành viên, tiến tới chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động của Tổng công ty. PV Oil tiếp tục thoái vốn tại các công ty liên kết hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính, xúc tiến thoái hết vốn tại Petec và xử lý triệt để các vấn đề liên quan các nhà máy nhiên liệu sinh học.
PV Oil tiếp tục tập trung đầu tư phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ và nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh xăng dầu trong năm 2020 trong đó dành 96 tỷ đồng xây dựng mới và cải tạo kho, cảng và 99 tỷ đồng để xây dựng mới và cải tạo 39 cửa hàng xăng dầu.
Công ty còn đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh nhiên liệu bay. Lý do để thực hiện đề án triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển kinh doanh nhiên liệu bay Jet A1.
Thảo luận
Dự kiến sản lượng kinh doanh thời gian đến cuối năm, bức tranh kinh doanh ngành ra sao?
Tổng giám đốc Cao Hoài Dương: Quý I/2019 thì giá dầu tăng rất nhanh cũng là quý có Tết nguyên đán nên Chính phủ đã can thiệp để giá bán lẻ xăng dầu tăng không quá nhanh dẫn đến sản lượng tiêu thụ chung sụt giảm so với bình thường các năm trước.
Sang quý I/2020, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến thị trường xăng dầu trong nửa cuối tháng 2 và tháng 3. Cụ thể, sản lượng quý I tiếp tục giảm 4% so với cùng kỳ và thấp hơn 10% so với kế hoạch. Việc đạt kế hoạch thấp là do khi lập kế hoạch chưa tính đến tác động của Covid-19.
Theo thống kê của công ty, tháng 4 có mức giảm khủng khiếp 12% do giãn cách xã hội và giảm 18% so với kế hoạch. Điều này là do các phương tiện giảm di chuyển như hàng không từ 450 chuyến giảm xuống 8 chuyến 1 ngày, các phương tiện công cộng vận tải cũng giảm tần suất…
Trong tháng 5 tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt và dỡ bỏ dần giãn cách xã hội nên PV Oil ghi nhận tín hiệu tăng sản lượng tích cực, tuy nhiên sản lượng vẫn còn giảm 7% so với cùng kỳ. Dự kiến chung quý II sẽ giảm khoảng 12%.
Sản lượng trong quý III-IV vẫn là một dấu hỏi. Công ty xây dựng 2 kịch bản, trong trường hợp tích cực thì sản lượng cả năm vẫn giảm khoảng 10%. Trong bối cảnh xấu nếu bùng phát lần 2 thì sản lượng có thể giảm rất mạnh khoảng 18%.
Sản lượng chung toàn ngành, nếu không có bất thường thì các chuyên gia dự báo tăng trưởng 4-5%/năm. Nhưng Covid-19 có tác động mạnh thì kể cả với kịch bản tốt thì sản lượng chung toàn ngành chưa thể nào lấy lại tốc độ tăng trưởng như bình thường, cá nhân tôi dự báo vẫn sụt giảm 5-7%.
Công ty có muốn bán phần tại Petec?
Petec là thành viên do PV Oil sở hữu 90% vốn và công ty có kế hoạch thoái vốn tại đây. Petec tiền thân là đơn vị bán buôn xăng dầu với tỷ trọng 90%, bán lẻ chưa đầy 10% và đang sở hữu 25 cây xăng. Đặc biệt là kho cảng của đơn vị này khá tốt, với kho chú ý nhất tại cảng Cái Mép, Vũng Tàu.
Vì chúng tôi có kế hoạch thoái vốn nên nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp liên quan đến xăng dầu, kho vận. Trong số đó có PV Gas đang có nhu cầu phát triển kho cảng LNG và nhận thấy kho của Petec khá phù hợp để phát triển. PV Gas đã có thông báo lên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) muốn mua lại Petec. Chúng tôi thấy rằng điều này là khá tốt cho cả 2 bên.
Tuy nhiên kế hoạch này vẫn đang trong giai đoạn trao đổi, thỏa thuận nên chưa có kết luận cuối cùng. Việc thoái vốn sẽ thực hiện nghiêm ngặt, chắc chắc có các hình thức đấu giá cạnh tranh để có mức giá thoái vốn cao nhất có thể vào thời điểm chuyển nhượng. Do PV Oil có nhu cầu cần phải thoái vốn, PV Gas cũng có nhu cần cơ sở để phát triển kho LNG nên các bên đang tích cực triển khai để chốt thương vụ này.
Đây là một tài sản rất lớn nên PV Oil sẽ thực hiện trên tinh thần khẩn trương và thận trọng. Nếu cố gắng nhất thì có thể thực hiện trong cuối năm nay, kỳ vọng giao dịch thành công và đem lại khoản thu lớn cho PV Oil.
Hoạt động của các cây xăng, hoạt động bán dầu thô ra sao?
Công ty có 600 cây xăng, đóng góp khoảng 26% doanh thu. Việc quản lý trực tiếp cây xăng sẽ do các công ty con trực tiếp thực hiện phân phối, kinh doanh xăng dầu. Công ty có chủ trương sẽ khoán sản lượng, lợi nhuận cho các cây xăng này tùy thuộc vào các thị trường cụ thể.
Mảng kinh doanh dầu thô, PV Oil chỉ là đại lý xuất bán cho các chủ dầu đang khai thác tại Việt Nam, nghĩa là chủ dầu bán sản phẩm cho khách hàng và PV Oil chỉ làm đại lý.
Năng lực kinh doanh còn lớn, làm sao để gia tăng hiệu quả? Các tháng còn lại khi giá dầu đi lên thì các giải pháp nào, dự báo kết quả?
Hiện PV Oil có 600 cây xăng trên cả nước, 27 kho lớn nhỏ và sở hữu nhiều đất (chủ yếu là đất ở thành phố nhỏ và kho cảng). Vấn đề mấu chốt để tận dụng tiềm năng của PV Oil liên quan đến cơ cấu sở hữu. Trong phương án cổ phần hóa được phê duyệt cuối năm 2017 thì đã hướng đến sở hữu Nhà nước xuống 35%, thì sở hữu tư nhân sẽ chiếm chi phối.
Việc cổ phần hóa và giảm sở hữu Nhà nước cũng là xu thế chung nhằm cởi trói cho doanh nghiệp để tận dụng hết tiềm năng. Hiện PV Oil vẫn đang trong quá trình thoái vốn NN, câu chuyện quyết toán cổ phần hóa vẫn chưa xong nên chưa thể thoái vốn.
Hiện PV Oil có 21 công ty con được hình thành trong quá khứ với quy mô không đồng đều. Hiện PV Oil đang trình lên tập đoàn và các cấp có thẩm quyền phương án tái cấu trúc, gọp 1 số công ty nhỏ thành công ty lớn để có nguồn lực cạnh tranh và giảm chi phí để tăng hiệu quả, tránh cạnh tranh nội bộ. Trong tháng này tập đoàn có thể phê duyệt, dự kiến giảm từ 21 đầu mối xuống 13 đầu mối.
Về chiến lược tồn kho, chúng tôi kiểm soát rất chặt chẽ hàng tồn kho nên lỗ do tồn kho ở mức khá thấp so với các đơn vị khác trong ngành. Khi giá dầu lên thì chúng tôi có kế hoạch tăng tồn kho để có thể cải thiện được lợi nhuận, nhưng ở sản lượng thận trọng.
Vì sao công ty muốn tham gia kinh doanh nhiên liệu Jet A1?
Thị trường hàng không những năm qua đang tăng vọt với sự tham gia của các đơn vị tư nhân. Do đó nhu cầu về nhiên liệu bay vẫn rất lớn trong khi thị trường mới có 2 nhà cung cấp chính là Skypec của Vietnam Airlines và Petrolimex Aviation của Petrolimex. Khi thị trường có 2 nhà cung cấp thì vẫn còn dư địa lớn cho PV Oil khi công ty có đủ năng lực, có cơ sở vật chất, có kho xăng cả nước thuận tiện cung cấp đến sân bay. Chúng tôi cũng có quan hệ với nhà sản xuất Nhà máy lọc dầu Dung Quất (BSR) - là nhà sản xuất chi phối Jet A1 để PV Oil tham gia vào thị trường này. Việc tham gia không đơn giản về xin giấy phép nhưng công ty quyết tâm làm.
Khi BSR bảo dưỡng thì công ty có tăng nhập khẩu không?
Nếu 2 nhà máy lọc dầu trong nước chạy 100% công suất thì có thể đáp ứng 70-80% nhu cầu trong nước thời điểm này. Bên cạnh mua từ 2 nhà máy này thì công ty vẫn có nhập khẩu thêm. Chúng tôi khẳng định việc mua trong nước là hoàn toàn cạnh tranh so với nhập khẩu và mua trong nước có lợi hơn do thuận lợi về địa lý, tiết kiệm chi phí logistics. Khi nhà máy Dung Quất bảo dưỡng trong tháng 8 thì chúng tôi có kế hoạch tăng tồn kho trong thời gian này.