Trong quý I/2020 cổ phiếu
HPG của CTCP tập đoàn Hòa Phát đã có khoảng thời gian “đen tối” khi giảm từ 23.000 đồng/cp về vùng giá 17.000 đồng/cp nhưng bước sang tháng 4 cùng với xu hướng chung của thị trường cổ phiếu này đã tăng một mạch lên 28.400 đồng/cp (phiên 28/5), tương đương hơn 67%.
Sau đó,
HPG đã điều chỉnh về vùng giá 27.000 đồng/cp và duy trì giao dịch ở vùng giá này trong khoảng hơn 1 tháng vừa qua. Các chuyên gia cho rằng, đây là vùng giá tích lũy để
HPG sau thời gian dài tăng mạnh trước đó.
Giải mã đà tăng
Sở dĩ Hòa Phát được đánh giá tích cực trong giai đoạn trước đó là do doanh nghiệp này đang duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát liên tục ghi nhận mức tăng bất chấp nhu cầu cả nước suy giảm trong những tháng đầu năm 2020.
Công ty vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 với những con số ấn tượng. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước 1,51 triệu tấn thép xây dựng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ; xuất khẩu thép xây dựng thành phẩm đạt 203.000 tấn, tăng hơn 67% so với nửa đầu năm 2019.
Trong quý II/2020 Hòa Phát ghi nhận khoản lãi 2.700 tỷ đồng ghi nhận quý có kết quả kinh doanh tốt nhất trong lịch sử dù cả nước thực hiện cách ly xã hội trong phần lớn thời gian tháng 4. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty dự kiến lãi sau thuế khoảng 5.000 tỷ đồng, tăng 30% so cùng kỳ, hoàn thành 56% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.
Bên cạnh yếu tố tăng trưởng thì “quân bài” Dung Quất cũng trở thành điểm nhấn đầu tư đối với các quyết định đầu tư vào cổ phiếu
HPG. Ngày khởi động nhà máy thép cuộn cán nóng (HRC) tại Dung Quất đã bị trì hoãn do lệnh cấm di chuyển trong giai đoạn bùng phát Covid-19. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết sẽ hoàn thành giai đoạn chạy thử nhà máy HRC vào tháng 8/2020 trước khi bắt đầu vận hành thương mại 1 tháng sau đó.
Theo dự kiến của CTCK VNDirect, năm 2020 Hòa Phát sẽ đạt doanh thu khoảng 86.215 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 9.792 tỷ đồng lần lượt tăng trưởng 35,4% và 29,2% so với năm 2019 nhờ việc mở rộng thị phần thép vào thị trường miền Nam và mảng nông nghiệp tăng trưởng sẽ đóng góp nhiều hơn vào lợi nhuận công ty.
Đáng chú ý, như đã nói ở trên cổ phiếu
HPG đang đứng trước cơ hội bứt phá tiếp theo nhờ “game” chia cổ tức dự kiến sẽ diễn ra cuối tháng 7, đầu tháng 8. Cụ thể, Hòa Phát dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%. Ngày đăng ký cuối cùng là 30/7, riêng đối với cổ tức tiền mặt sẽ thanh toán vào ngày 7/8.
Tỷ lệ cổ tức này được các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm đánh giá là một tỷ lệ chia “vàng” sẽ tạo ra dư địa rất lớn để tăng giá cho cả ngắn, trung và dài hạn.
Vẫn lắm chông chênh
Nhìn vào những diễn biến này có thể có nhiều ý kiến nhận định mua vào cổ phiếu
HPG lúc này là một sự lựa chọn thông minh. Thậm chí nhiều công ty chứng khoán còn đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu
HPG với giá mục tiêu đến năm 2021 là 36.730 đồng/cp.
Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư theo trường phái thận trọng thì kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2020 vẫn còn nhiều điều cần phải lưu ý.
Đầu tiên là mảng thép và biên lợi nhuận của Hòa Phát sẽ giảm do giá quặng tăng trong khi giá bán thép giảm nhẹ. Về mảng nông nghiệp, dự kiến giá heo hơi có thể bình ổn về mức 75.000 đồng/kg trong quý IV nên lợi nhuận từ mảng này có thể không được như kỳ vọng.
Nhưng đáng chú ý nhất phải kể đến “gánh nặng” mà Hòa Phát đang phải đối mặt là các khoản vay và nợ thuê tài chính chưa có dấu hiệu giảm bớt. Cụ thể, nếu như cuối năm 2019 nợ vay của Hòa Phát là 36.3769 tỷ đồng thì chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020 con số này đã tăng lên 41.300 tỷ đồng.
Trong đó, vay ngắn hạn ghi nhận 21.100 tỷ đồng và dài hạn là 20.200 tỷ đồng lần lượt tăng 25,5% và 2% so với cùng kỳ năm ngoái; hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Hòa Phát tăng lên mức khá cao tới 80% (năm 2019 là 60%).
Trong quý I, Hòa Phát có 823,1 chi phí tài chính thì chi phí lãi vay chiếm hơn 1 nửa với 481,1 tỷ đồng gấp gần 2,6 lần so với quý I/2019. Các khoản vay ngắn hạn của Hòa Phát bằng VND và USD được bảo đảm bằng một số khoản tương đương tiền, hàng tồn kho, tài sản cố định hữu hình và vô hình, xây dựng cơ bản dở dang.... Còn vay dài hạn được đảm bảo bằng tài khoản thanh toán và bảo lãnh của hai công ty con.
Ngoài ra, “con bài” Dung Quất mở rộng có thể tiêu tốn một lượng tiền đầu tư lớn trong giai đoạn tiếp theo khi Hòa Phát đang xin ý kiến cổ đông nâng công suất dự án lên gấp đôi (bổ sung thêm 5 triệu tấn thép/năm) để sản xuất được 13,9 triệu tấn thép/năm.
Theo đó, dự án mở rộng cần thêm 50.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2023-2029, nâng tổng mức đầu tư của công ty tại dự án này lên 102.000 tỷ đồng, tăng tới 96%. Hòa Phát dự kiến cấu trúc vốn cho dự án mở rộng này gồm 60% vốn tự có và 40% từ nguồn vay, đồng nghĩa với việc “nợ chồng nợ”.
Dù Hòa Phát có thể vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn nhưng dưới góc độ đầu tư cổ phiếu ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc nghiên cứu phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, P/E dự phóng năm 2020 và 2021 của
HPG lần lượt là 8,5 và 7 lần vẫn khá hấp dẫn để đầu tư.
Đồng thời, khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức cao cho thấy dòng tiền vẫn đang tập trung ở cổ phiếu này. Theo đó, ông Minh khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét cổ phiếu HPB ở các nhịp điều chỉnh.