Mặc dù dân số Thụy Điển không nhiều nhưng lượng tiêu dùng thực phẩm châu Á khá lớn, trong đó chủ yếu là hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, trong khi hàng Việt Nam chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển vừa tiến hành khảo sát thị trường nhập khẩu hàng thực phẩm châu Á ở nước này.
Hàng Việt Nam chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn ở Thụy Điển
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Nhằm phổ biến lợi ích do EVFTA mang lại cũng như nắm bắt nhu cầu thị trường và thúc đẩy các doanh nghiệp nhập khẩu hàng Việt Nam, trong thời gian vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã đi thăm và làm việc tại 9/12 kho hàng nhập khẩu thực phẩm châu Á lớn nhất Thụy Điển tại TP Stockholm, Göteborg, Malmo và Helsingborg.
Mặc dù dân số Thụy Điển không nhiều nhưng lượng tiêu dùng thực phẩm châu Á khá lớn, trong đó chủ yếu là hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hàng các nước khác, bao gồm cả hàng Việt Nam còn chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn ở thị trường Thụy Điển. Các mặt hàng thực phẩm châu Á được nhập khẩu nhiều là gạo, bún, mì, phở, các loại đậu, măng, nước cốt dừa, các loại hạt, gia vị, thủy sản đông lạnh...
Đối với mặt hàng gạo, gần như gạo Việt Nam vắng bóng trong các cửa hàng, siêu thị bán lẻ. Theo số liệu thống kê của ITC, trong giai đoạn 2015-2018, kim ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam vào Thụy Điển chỉ đạt trung bình 100.000 USD/năm. Các mặt hàng thực phẩm khác đều nhập khẩu với kim ngạch không đáng kể.
Từ cuối năm 2019 đến nay, với sự vận động của Thương vụ về việc đón đầu Hiệp định EVFTA và tận dụng lợi thế khi gạo Campuchia bị áp thuế tạm thời trong vòng 3 năm, các doanh nghiệp đã có sự chuyển dịch sang nhập khẩu gạo Việt Nam thay thế gạo Campuchia.
Gạo Việt Nam đã có mặt tại các siêu thị lớn như Willy, Ax Food và hầu hết các cửa hàng thực phẩm châu Á. Dự kiến, với mức hạn ngạch thuế quan mà EU dành cho gạo Việt Nam theo cam kết EVFTA, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Thụy Điển sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Đối với mặt hàng thủy sản, Thụy Điển nhập khẩu đến 92% từ Na Uy. Thủy sản của Việt Nam như tôm đông lạnh, cá tra, mực, cá ngừ chủ yếu được nhập khẩu qua các đầu mối bán buôn tại Hà Lan, Đan Mạch, Đức. Thủy sản nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam chỉ chiếm 1,2% thị phần, đạt gần 10 triệu USD trong năm 2019.
Trong chuyến khảo sát này, Thương vụ cũng đi thăm và khảo sát chợ đầu mối hải sản tại Göteborg, thành phố lớn thứ hai Thụy Điển, để tìm hiểu về nguồn nhập khẩu, cách thức nhập khẩu, và tìm kiếm cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Cùng với việc khảo sát thị trường, Thương vụ đã gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm châu Á như: Hungfat Trading Asien Livs, Dragon Port Foodservice, Saigon Food, CT Food, A Chau Lien Export and Import, Madam Hong, East Asian Food, Trinh Cash, Thai Fong để giới thiệu hàng Việt Nam, vận động doanh nghiệp nhập khẩu hàng Việt Nam và phổ biến Hiệp định EVFTA cho khoảng 50 doanh nghiệp trong đợt công tác lần này.