Sau khi lỗ nặng trong quý I/2020, sang quý II nhiều doanh nghiệp xăng dầu tiếp tục chịu “tác động kép” từ dịch bệnh và giá xăng dầu xuống thấp, ghi nhận lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Timexco lỗ 4 tỷ do doanh thu từ xăng dầu sụt giảm
Theo Báo cáo tài chính quý II/2020, CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức – Timexco (mã:
TMC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 292 tỷ đồng, giảm đến 53% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, sự sụt giảm này do doanh thu từ mặt hàng xăng dầu giảm mạnh từ 557 tỷ đồng xuống còn 265 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn lợi nhuận gộp giảm đến 70% khi đạt 14 tỷ đồng.
Dù các chi phí đều được tiết giảm song Timexco phải gánh khoản lỗ 3,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi gần 11 tỷ đồng. Con số lỗ của quý này là mức lỗ cao nhất của Timexco từ khi niêm yết đến hiện tại.
Lũy kế 6 tháng, Timexco ghi nhận gần 714 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 41% so với cùng kỳ và lỗ 3,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng 8,3 tỷ đồng.
Được biết năm 2020, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 2.396 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 17,6 tỷ đồng giảm nhẹ so với thực hiện của năm 2019.
Ban lãnh đạo của Timexco nhận định, ngoài tác động từ dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu sụt giảm, thì kinh doanh xăng dầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2020 do một số chính sách của Nhà nước về quản lý xăng dầu trong lĩnh vực kinh doanh ngày càng chặt chẽ, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chịu nhiều áp lực tăng chi phí.
Bên cạnh đó, khung giá đất giai đoạn 2020 - 2024 dự báo tăng bình quân 15-45%, tiền thuê đất tăng cùng các thủ tục đầu tư làm trở ngại chuyển nhượng đất sản xuất kinh doanh. Công ty không có nhiều cơ hội để tích lũy trong khi chiết khấu, hoa hồng bán xăng dầu không cao.
Lọc hóa dầu Bình Sơn lỗ hơn 4.000 tỷ đồng
CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã:
BSR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 với doanh thu đạt được là 13.736 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, khoản lỗ ròng của
BSR đã lên tới 4.230 tỷ đồng trong bối cảnh doanh thu thuần sụt giảm 38% còn 31.730 tỷ đồng. Năm trước, doanh nghiệp lãi sau thuế 110 tỷ trong quý II và 700 tỷ đồng sau 6 tháng.
Theo lý giải của
BSR, tháng 4/2019, giá dầu thô (Dated Brent) ở mức cao nhất của năm 2019. Cụ thể, giá dầu thô tăng từ 59,5 USD/thùng bình quân tháng 1/2019 lên 71,3 USD/thùng bình quân tháng 4/2019 và sau đó giảm dần xuống còn 64,1 USD/thùng bình quân tháng 6/2019.
Trong khi đó, tháng 4/2020 có giá dầu thô thấp kỷ lục, cụ thể giá dầu từ mức 31,8 USD/thùng bình quân tháng 3/2020 giảm còn 18,5 USD/thùng bình quân tháng 4/2020 (giảm 13,3 USD/thùng) đã làm kết quả sản xuất kinh doanh của
BSR sụt giảm nghiêm trọng do đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục của nhà máy lọc dầu, nhà máy luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian để chế biến từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán, điều này dẫn đến khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn bị ảnh hưởng của tồn kho có giá cao hơn giá thị trường.
Bên cạnh đó, quý II/2020,
BSR ngoài việc chịu tác động xấu bởi giá dầu thô và sản phẩm còn chịu tác động bởi dịch Covid-19, giãn cách xã hội khiến nhu cầu các sản phẩm lọc hóa dầu giảm rất mạnh, đồng thời khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính cũng thu hẹp rất nhiều so với cùng kỳ năm trước, nhất là trong thời gian tháng 4, 5/2020 giá các sản phẩm phẩm A92, A95, JetA1, DO thấp hơn giá dầu thô đã làm cho kết quả sản xuất kinh doanh tháng 4 và tháng 5 tiếp tục lỗ.
Theo
BSR, do giá dầu dần phục hồi vào tháng 5, kết quả kinh doanh trong tháng 6 của doanh nghiệp cũng khởi sắc, lãi 1.405 tỷ đồng.
Do giá vốn hàng bán cao lên đến hơn 15.615 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của
BSR đạt được trong kỳ âm 1.878 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận gộp của
BSR là 440 tỷ đồng.
PVOil lỗ ròng 246 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm
Không còn "gánh" lỗ trong quý II/2020 nhưng do chịu tác động kép từ dịch Covid-19 và sự sụt giảm của giá dầu nên PVOil vẫn báo lỗ trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, quý II/2020, PVOil giảm 46% doanh thu, xuống chỉ còn 11.653 tỷ đồng. Giá vốn giảm sâu hơn nên lãi gộp còn giảm 18% xuống 781 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng từ 4,4% lên 6,7%.
Chốt quý, PVOil lãi sau thuế hợp nhất 183 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do quý I/2020 ghi nhận khoản lỗ lên tới 423 tỷ đồng, khiến cho công ty vẫn lỗ ròng 246 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm.
Doanh nghiệp cho biết do ảnh hưởng của biến động xăng dầu thế giới và tác động mạnh của dịch bệnh Coivid-19 trong tháng 4 làm cho tình hình kinh doanh xăng dầu của các đầu mối nói chung và PV Oil nói riêng gặp nhiều khó khăn. Theo đó, các công ty con phải chịu khoản lỗ 115,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 116,6 tỷ đồng kéo giảm lợi nhuận hợp nhất.
Lợi nhuận trước thuế giảm 57%
Theo đó, Petrolimex báo lãi quý II/2020 đạt 733 tỷ đồng. Nhu cầu sử dụng xăng dầu sụt giảm rất rõ rệt, thể hiện qua chỉ tiêu doanh thu thuần. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Petrolimex giảm tới 29% từ 91.700 tỷ xuống 65.200 tỷ đồng. Tính riêng quý II, mức giảm lên đến 46%.
Giá dầu giảm mạnh đã khiến tỷ trọng giá vốn/doanh thu thuần tăng mạnh, từ mức 91,9% nửa đầu năm ngoái lên 95,1% nửa đầu năm nay, do phải ghi nhận các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Điều này "bào mòn" nặng nề lợi nhuận gộp.
Kết thúc kỳ 6 tháng, lợi nhuận gộp trước thuế của Petrolimex giảm mạnh 57% và lỗ sau thuế 1.080 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này cũng khả quan hơn nhiều so với mức lỗ ròng trên 1.800 đồng trong quý I/2020.
Mức lợi nhuận gộp này, cùng với doanh thu tài chính trên 510 tỷ đồng (chủ yếu là lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá) và lợi nhuận gần 260 tỷ đồng từ các công ty liên doanh - liên kết, cộng thêm hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận khác, không đủ giúp Petrolimex gánh nổi các loại chi phí.
Cụ thể, chi phí bán hàng vẫn lên đến gần 4.100 tỷ đồng, chỉ giảm vỏn vẹn 4%. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp thậm chí còn tăng 18% lên 335 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng tăng thêm hơn 3% lên 556 tỷ đồng (chi phí lãi vay giảm nhưng lỗ chênh lệch tỷ giá lại tăng mạnh).
Theo giải trình về lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II/2020 giảm 45% so với cùng kỳ năm 2019, Ban lãnh đạo Petrolimex đưa ra 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, giá xăng dầu thế giới đã tăng trở lại sau chu kỳ giảm mạnh vào cuối quý đầu năm 2020, Petrolimex không phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho như trong quý I/2020 và sản lượng xăng dầu bán ra trên toàn hệ thống cũng tăng 11% so với 3 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Petrolimex cho rằng, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này vẫn chịu nhiều tác động dị biệt về giá dầu cũng như cung - cầu thị trường, sự sụt giảm nhu cầu trong giai đoạn giảm giá và sức ép nguồn cung trong giai đoạn tăng giá với thương nhân đầu mối, đóng vai trò chủ đạo trên thị trường như Petrolimex.