Bệ đỡ lớn nhất cho sự thăng hoa trên thị trường chứng khoán kể từ tháng 4/2020 đến nay chính là môi trường lãi suất thấp, khi dòng tiền nhàn rỗi từ tài khoản tiết kiệm mong muốn tìm kiếm kênh đầu tư sinh lời hơn. Đây là động thái tích cực khi thị trường chứng khoán được “phủ sóng” tới nhiều bộ phận dân cư, nhưng lại thiếu tính ổn định.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư F0 mở mới đã tăng đột biến. Lũy kế trong năm 2020, nhà đầu tư trong nước đã mở mới mới 393.000 tài khoản, tăng gấp đôi so với năm trước và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ghi nhận tại các công ty chứng khoán trong những ngày đầu tháng 1/2021 cho thấy, lượng nhà đầu tư mở tài khoản chứng khoán khá đông, số tài khoản mở mới mỗi ngày tại các công ty chứng khoán top đầu lên tới hàng trăm tài khoản.
Dòng vốn mạnh chưa từng có
Trong một diễn đàn về chứng khoán gần đây, ông Lu Hui Hung - Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Phú Hưng (PHFM) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang được tiếp sức bằng dòng vốn “rẻ” mạnh chưa từng thấy trong lịch sử, hấp thụ hết lượng bán ròng của khối ngoại, giúp duy trì đà phục hồi nhất quán của thị trường từ tháng 4/2020 đến nay.
Trong khi đó, định giá thị trường hiện vẫn duy trì ở mức hấp dẫn khi P/E dự phóng chỉ hơn 13 lần nhờ lợi nhuận của các doanh nghiệp đang trên đà phục hồi, mà trong đó ngành ngân hàng đã chi phối 45-50%.
Khi dịch Covid-19 được kiểm soát trên thế giới, nhu cầu vay vốn quay trở lại thì lãi suất sẽ không còn rẻ, dòng tiền trên thị trường chứng khoán có thể đảo chiều.
Không chỉ thăng hoa trong năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam còn được các nhà phân tích, giới chuyên gia đánh giá cao trong năm 2021 bởi sự thành công của Chính phủ trong việc triển khai “mục tiêu kép” vừa ngăn chặn dịch bệnh và từng bước phục hồi nền kinh tế.
Trong năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt mức 2,91% nhưng lại là một trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương. Cùng với đó, thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đang ở mức thấp kỷ lục chỉ quanh mức 0,1%, lạm phát được kiểm soát dưới 4% và tỷ giá VND/USD chỉ tăng dưới mức 2% trong năm 2020.
Theo đó, ông Lu Hui Hung nhận định, thị trường chứng khoán còn tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng tiền rẻ và điều này sẽ giúp kỳ vọng Vn-Index vượt đỉnh 1.200 điểm trở nên khả thi hơn, thậm chí chỉ số có thể tăng nóng lên vùng 1.400 điểm, tương đương P/E dự phóng là 20 lần.
Đồng quan điểm, ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng trên thế giới cũng như Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự phát triển của công nghệ, kênh đầu tư hạn chế, tiền đổ vào chứng khoán cũng là điều bình thường.
“Năm 2021, chúng ta còn nhiều dư địa cho nền kinh tế phát triển khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Còn trên thế giới, nhiều loại vaccine được đưa vào thử nghiệm là tín hiệu tốt cho kinh tế thế giới”, ông Bằng nói. Đồng thời dự báo năm 2021, dòng vốn rẻ vào Việt Nam vẫn tiếp tục và duy trì ít nhất là đến giữa năm.
Chưa chắc đã là điều đáng mừng
Trong gần một năm qua, thanh khoản của thị trường chứng khoán đã tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt từ quý IV/2020 đến nay khi thường xuyên xuất hiện những phiên giao dịch có giá trị khớp lệnh đạt trên 15.000 tỷ đồng. Trong tuần đầu năm 2021, các phiên giao dịch thậm chí đạt được thanh khoản 18.000 tỷ đồng.
Chưa bao giờ đầu tư chứng khoán được nhắc đến nhiều như hiện nay, thành phần của các nhà đầu tư F0 len lỏi xuống tới cả “các bà và cả lũ trẻ” nhờ hiệu ứng lan truyền. Việc tham gia thị trường chứng khoán kiếm được khoản lợi nhuận khá tốt hơn hẳn gửi tiết kiệm đã kích thích nhiều hơn nữa F0 rót tiền vào cổ phiếu.
Nhìn vào đây có thể thấy, yếu tố lãi suất được cho là đang hỗ trợ rất lớn cho thị trường chứng khoán. Trong khi đó, các chuyên gia nhận định rằng lãi suất thấp sẽ kéo dài không chỉ năm 2021 mà đến năm 2025.
Thế nhưng, môi trường lãi suất thấp kéo dài luôn để lại những hệ lụy sau đó, và các bong bóng giá tài sản đều hình thành do quá tự tin vào giả định mọi điều kiện thuận lợi ban đầu sẽ không thay đổi. Môi trường thuận lợi đó có thể kéo dài nhiều năm, dẫn đến sự xao nhãng về rủi ro và quên đi các hậu quả khi dòng vốn rẻ đảo chiều.
Khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, từng quốc gia sẽ giảm dần các gói hỗ trợ, mặt bằng lãi suất có sự điều chỉnh và như vậy dòng tiền sẽ quay đầu. Đặc biệt, khi nền kinh tế tăng trưởng như dự kiến trong năm 2021 thì nhu cầu vốn sẽ gia tăng.
Điều này khiến tình trạng dư thừa thanh khoản như hiện nay sẽ giảm bớt hoặc trở về trạng thái bình thường, và có thể khiến thị trường chứng khoán “gặp nguy” khi “các bà” với tâm lý “ăn chắc mặc bền” quay trở lại với kênh tiền gửi.
Hơn nữa, theo nhận định của ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc đầu tư của PVI AM, từ giữa năm tới nay, xu hướng chung của nhà đầu tư nước ngoài là rút tiền khỏi các tài sản rủi ro, trong đó có thị trường Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu, do thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường có nhiều rủi ro.