Một hướng thiên về thận trọng và cảnh báo rủi ro, hướng còn lại xem diễn biến hiện nay hợp lý và không đứng sau cái bóng của quá khứ.
Bước sang năm 2021, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, với chỉ số đại diện VN-Index, tiếp tục thể hiện đà tăng mạnh. Mốc kỷ lục 1.204 điểm của VN-Index đã trước mặt.
HAI HƯỚNG QUAN ĐIỂM
Kỷ lục 1.204 điểm thiết lập hồi tháng 4/2018. Nhưng, trên các diễn đàn, nhiều nhà đầu tư vẫn thiên về so sánh với đỉnh của năm 2007. Họ có lý do.
VN-Index từng lập đỉnh 1.170,67 điểm vào tháng 3/2007. Mở mắt là tài khoản tăng, đặc điểm của giai đoạn đó. Thị trường sôi động, đại chúng và lan tỏa tới mức giới đầu tư vẫn thường dí dỏm “bà bán xôi đầu ngõ dự báo phiên mai…”.
Sức nóng TTCK hiện nay có nét tương đồng năm 2007. Giá cổ phiếu cũng liên tục tăng mạnh, nguồn tiền lớn chưa từng có đổ vào sàn, VN-Index có chuỗi tăng ấn tượng nhiều tháng qua, làn sóng nhà đầu tư F0 trở nên đại chúng hơn... Theo đó, mốc đỉnh năm 2007 được nhiều nhà đầu tư nhìn lại, thay vì mốc gần hơn là 1.204 của tháng 4/2018.
Dù 2007 hay 2018, hai mốc đỉnh lần lượt đó đều phản ánh một quá trình khó bứt phá của VN-Index. Như TTCK Việt Nam đã phải mất 11 năm mới trở lại đỉnh cũ, và đỉnh mới 1.204 so với 1.170 cũng không cao hơn mấy để rồi ba năm sau lại tiếp tục tìm.
Trong khi đó, xu hướng quan điểm thứ nhất nhìn nhận: GDP của Việt Nam đã tăng gấp nhiều lần so với 14 năm trước, nhưng VN-Index không có tăng trưởng tương xứng; nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm nhưng các chỉ số chứng khoán của họ liên tục lập kỷ lục mới, còn Việt Nam tăng trưởng GDP dương, điểm sáng toàn cầu nhưng chỉ số chứng khoán vẫn chưa vượt qua được cái bóng cũ…
Các so sánh có thể khập khiễng, nhưng quan điểm thứ nhất nói trên thiên về hướng TTCK Việt Nam đang phản ánh hợp lý theo quy mô phát triển của nền kinh tế, sau khi nhìn lại cả một quá trình.
So sánh liên quan, chỉ số P/E đo đắt rẻ của chứng khoán Việt Nam hiện khoảng 17, trong khi nhiều nước trong khu vực trên 20. Đây cũng được xem như một “dư địa” để thị trường tiếp tục đi lên(?).
Ngược lại, ở xu hướng quan điểm thứ hai, gần đây xuất hiện dần những cảnh báo trực tiếp hoặc gián tiếp về “bong bóng chứng khoán”, hoặc rủi ro lãi suất - tiền rẻ và lạm phát đảo chiều sau năm bơm tiền 2020 vừa qua.
GỤC TẠI CHỖ HAY SỐNG SÓT?
BizLIVE cũng đã đặt những vấn đề trên khi trao đổi với chuyên gia cao cấp của Chính phủ, cũng như chuyên gia trên thị trường trong các phỏng vấn nhân dịp đón năm mới sắp tới. Có một số lập luận đáng chú ý.
Ngay khi BizLIVE đề cập đến vấn đề “bơm tiền”, nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, lạm phát có đảo chiều hay không, vị chuyên gia cao cấp trên đã gạt ngay: “Một là gục tại chỗ, hai là sống sót. Ông chọn cái nào? Để chết rồi thì chọn gì nữa. Vấn đề là phải sống sót đã”.
Trước tác động bất thường của đại dịch Covid-19, nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Số lượng phải đóng cửa thực tế đã liên tục được thống kê định kỳ. Theo đó, nếu không “bơm tiền”, không nới lỏng các chính sách để hỗ trợ, “cái chết” sẽ mở rộng nhiều hơn nữa, kinh tế còn khó khăn hơn nữa.
Tuy nhiên, vị chuyên gia trên nêu quan điểm rằng, nói “bơm tiền”, “nới lỏng”, theo ông cũng không hẳn là đúng hoàn toàn. Ở một góc tiếp cận khác, theo ông, nếu vẫn giữ các mặt bằng cao như trước khiến doanh nghiệp không tiếp cận được, không gánh được thì sẽ “chết”, nên phải hạ, thị trường có điều chỉnh, chứ không hẳn là nới.
Cũng theo chuyên gia này, qua mỗi biến cố, qua những sóng gió khủng hoảng, kinh tế Việt Nam và các giải pháp quản lý điều hành đều đúc kết kinh nghiệm để vững vàng hơn, để cho thấy sự hợp lý hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy, quản trị điều hành, khả năng ứng phó của họ cũng được tôi luyện qua mỗi thử thách.
Theo đó, đón bão Covid hiện nay, kinh tế Việt Nam vững vàng ở các cân đối vĩ mô: GDP vẫn tăng trưởng, tỷ giá rất ổn định, lãi suất thấp kỷ lục, cân đối ngân sách vẫn đảm bảo, lạm phát kiểm soát ở mức thấp…
Đối chiếu với những yếu tố nền tảng đó, năm 2007 VN-Index xây đỉnh trên nền khác hơn, bấp bênh hơn. Hay nói cách khác, VN-Index hướng đến mốc kỷ lục hiện nay trên nền những yếu tố vĩ mô thuận lợi và bền vững hơn, như ở yếu tố dòng tiền, lãi suất, lạm phát…, cùng với triển vọng nền kinh tế và hoạt động doanh nghiệp hồi phục nhanh hậu Covid.
Với triển vọng hồi phục đó, các cân đối vĩ mô hiện có, cùng tương quan P/E của TTCK Việt Nam vẫn thấp trong khu vực Đông Nam Á, tổng giám đốc một công ty chứng khoán chia sẻ nhận định với BizLIVE rằng: “Với bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay, thị trường xứng đáng được trả cao hơn so với mức bình quân trong giai đoạn trước đó, và mức P/E hiện tại 17,5 lần tôi cho rằng là tương đối hợp lý”.
Vị chuyên gia trong cuộc này dự tính VN-Index khả năng sẽ chạm mốc 1.260 trong năm nay. Còn kết phiên 12/1, chỉ số thực tế đã ở 1.192,28 điểm, cách không xa. Nguồn lực trên sàn vẫn đang thể hiện quy mô lớn, quanh 20.000 tỷ đồng giá trị giao dịch mỗi phiên. Nếu không có tình trạng nghẽn cuối phiên thời gian qua trên HoSE, quy mô đó hẳn còn bùng nổ hơn nữa.