Dung Quất mở rộng có công suất 5 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng.
Dự án kỳ vọng giúp doanh thu và lợi nhuận Hòa Phát tăng 80% từ mức hiện tại, Chủ tịch Hòa Phát cho biết.
Chủ tịch Hòa Phát tiết lộ dự án Dung Quất 2 dự kiến khởi công từ tháng 1/2022 và đi vào hoạt động sau 3 năm.
Cổ phiếu
HPG![](/ESImages/info.gif)
của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE:
HPG![](/ESImages/info.gif)
) tăng hơn gấp đôi trong năm 2020. Điều này đã giúp khối lượng cổ phiếu thuộc sở hữu của vợ chồng ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hòa Phát đạt 1,9 tỷ USD, theo dữ liệu Bloomberg. Ông Long trở lại bảng xếp hạng tỷ phú USD sau khi rời vào năm 2018 do cổ phiếu Hòa Phát rớt giá.
Dù tỷ lệ P/E lên mức cao nhất trong gần 10 năm qua, ông Long nói cổ phiếu
HPG![](/ESImages/info.gif)
không bị định giá quá đắt.
Chính việc kinh doanh thành công trong ngành thép đã giúp doanh nhân 59 tuổi trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, khi quyết định đầu tư ngành công nghiệp này vào giữa thập niên 1990, ông Trần Đình Long không có kinh nghiệm về thép và chỉ đặt cược vào nhu cầu gia tăng khi đất nước càng phát triển.
“Tất cả những gì tôi có là đam mê và không sợ hãi”, người sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nói với Bloomberg.
Doanh nhân gốc Hà Nội xây dựng Hòa Phát cùng vài người bạn vào năm 1992 khi phân phối thiết bị và phụ tùng xây dựng đã qua sử dụng. Đến năm 1996, họ quyết định lấn sân vào ngành thép. Và đến năm 2017, tập đoàn xây dựng khu liên hợp Dung Quất tổng đầu tư 2,6 tỷ USD, tạo ra bước ngoặt mới trong quá trình phát triển.
Chính nhờ dự án Dung Quất đi vào hoạt động tạo cơ hội cho Hòa Phát đẩy mạnh sản lượng, chiếm thêm thị phần trong năm 2020 bất chấp diễn biến bất lợi của dịch bệnh Covid-19. Trong năm 2020, Hòa Phát ghi nhận sản lượng kỷ lục trên 5 triệu tấn, riêng thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn, tăng 22,5% so với năm trước. Lượng phôi thép cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đạt 1,7 triệu tấp, thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 700.000 tấn. Thị phần thép xây dựng của tập đoàn tăng từ 26,19% lên 33%, duy trì vị trí dẫn đầu thị trường.
Theo SSI Research, sản lượng thép xây dựng Hòa Phát năm 2021 có thể đạt 4,1 triệu tấn, tăng 20% nhờ nhu cầu trong nước phục hồi sau dịch và doanh nghiệp gia tăng được thị phần. Sản lượng tiêu thụ HRC gấp 4 lần lên 2,8 triệu tấn nhờ giai đoạn 2 của Dung Quất 1 đi vào hoạt động cả năm.
Không dừng ở đó, Hòa Phát có tham vọng đầu tư mở rộng dự án Dung Quất (Dung Quất 2). Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, lãnh đạo Hòa Phát đã trình và được cổ đông thông qua phương án đầu tư Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất mở rộng với tổng đầu tư 60.000 tỷ đồng. Trong đó, 30.000 tỷ đã được góp đủ, 25.000 tỷ đồng vay vốn tổ chức tín dụng và 5.000 tỷ vay nội bộ thành viên trong tập đoàn.
Tiết lộ với Bloomberg, Chủ tịch Hòa Phát cho biết đoanh nghiệp đặt mục tiêu triển khai dự án khu liên hợp thép Dung Quất giai đoạn mở rộng (Dung Quất 2) từ tháng 1/2022 và có thể đi vào hoạt động sau 3 năm. Dự án có công suất 5 triệu tấn/năm, được đầu tư để đáp ứng nhu cầu HRC và kỳ vọng giúp doanh thu, lợi nhuận năm tăng 80% từ mức hiện tại.
Ông Long nhận định một đất nước có nền công nghiệp hóa còn non trẻ như Việt Nam thì phải xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, dẫn đến nhu cầu sắt và thép lớn. Nếu nền kinh tế tăng trưởng 7-8%, nhu cầu thép sẽ tăng 10-12%.
GDP Việt Nam tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 và kỳ vọng tăng 7,6% năm nay - mức trung bình các dự báo của chuyên gia kinh tế do Bloomberg khảo sát. Theo Tổng cục Thống kê, đầu tư công đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, đạt 406.800 tỷ đồng sau 11 tháng.
Ông Long chia sẻ dù đà tăng trưởng được duy trì hay bất chứ chuyện gì xảy ra, việc trở thành một trong các tỷ phú của Việt Nam nhờ chuyển hướng qua ngành thép không thay đổi nhiều cuộc sống của bản thân.
“Tôi vẫn thường cà phê với những người bạn hàng ngày tại nơi chung tôi từng găp nhau 20 năm trước. Mọi thứ vẫn như vậy”, ông Long nói.