Hoạt động bancassurance tại Việt Nam đã nảy sinh một số rủi ro, bất cập do thiếu quy định pháp lý, đặt ra vấn đề quản lý nhà nước đối với hoạt động này tại Việt Nam.
Ngày 29/1, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm liên kết ngân hàng – thực trạng và giải pháp”.
Tham dự Hội thảo có đại diện một số vụ, cục NHNN, đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm của các ngân hàng.Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc Trung tâm tư vấn đào tạo, chuyển giao khoa học và công nghệ Ngân hàng cho biết, tại nhiều nước trên thế giới hoạt động bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu bảo hiểm toàn thị trường. Ở Việt Nam, hoạt động bancassurance đã hình thành và phát triển mạnh trong những năm qua và đang dần trở thành một kênh phân phối bảo hiểm chính, tạo nguồn thu nhập ổn định ngoài lãi cho các ngân hàng.
“Tuy nhiên, hoạt động bancassurance tại Việt Nam cũng đã nảy sinh một số rủi ro, bất cập do thiếu quy định pháp lý, đặt ra vấn đề quản lý nhà nước đối với hoạt động này tại Việt Nam. Qua đề tài, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hoạt động bancassurance hiện nay (bao gồm cả những thiếu sót của khung khổ pháp lý) và đưa ra những giải pháp, khuyến nghị chính sách nhằm phát triển hoạt động bancassurance tại Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc Trung tâm tư vấn đào tạo, chuyển giao khoa học và công nghệ Ngân hàng phát biểu khai mạc hội thảo.
Ths. Phạm Xuân Hòe, Chủ nhiệm đề tài, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) nhận định, kênh bancassurance trở thành một kênh phân phối chính và chiếm tỷ trọng ngày càng cao bên cạnh các kênh phân phối bảo hiểm truyền thống khác. Mô hình hoạt động khá đa dạng trong đó mô hình thỏa thuận phân phối (độc quyền và không độc quyền) đang là mô hình được các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai nhiều nhất do tính đơn giản, dễ hợp tác và triển khai.
Ths. Phạm Xuân Hòe, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại hội thảo.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bảo hiểm đã chú trọng đầu tư về nhân lực và bộ máy tổ chức cho hoạt động bancassurance. Các tổ chức tín dụng đã thực hiện khá tốt việc cung cấp thông tin về kết quả đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm hàng ngày hoặc định kỳ hàng tuần, tháng, quý.
Dưới góc nhìn của NHTM, ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Thành viên ALCO (Ngân hàng TMCP Quân đội) cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng lũy kế doanh thu phí bảo hiểm của các ngân hàng ở mức cao. Riêng tại Công Ty TNHH Bảo Hiểm Nhân Thọ MB Ageas Life (MBAL) đạt 123% và xếp thứ 5 về thị phần bancassurance.
Để thúc đẩy phát triển bancassurance trong thời gian tới, ông Đàm Nhân Đức cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao trải nghiệm khách hàng khi cung cấp dịch vụ thông qua kênh số như bảng biểu câu hỏi trực tuyến, chữ kỹ số; Kênh số nên được thiết kế thân thiện với khách hàng, đơn giản, dễ hiểu; Tăng cường khả năng giao tiếp đa kênh; Nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ tư vấn viên, sẵn sàng giải đáp những trường hợp phức tạp, hiếm gặp.
Toàn cảnh hội thảo.
Đồng thời, “cần tận dụng cơ sở dữ liệu chia sẻ của ngân hàng để thiết kế các sản phẩm đặc thù hơn, chi tiết hơn phù hợp với từng đối tượng khách hàng, biến khách hàng tiềm năng thành khách hàng thực sự”, ông Đàm Nhân Đức nói.
Bàn về các giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động bancassurance tại Việt Nam, Ths. Phạm Xuân Hòe đã đưa ra 3 nhóm giải pháp bao gồm hoàn thiện khung khổ pháp lý về bancassurance ; hoàn thiện công tác cấp phép, thanh tra, giám sát và quản lý hoạt động bancassurance và phát triển hoạt động bancassurance của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bảo hiểm.
“Mục đích cuối cùng là nhằm giúp cho hoạt động bancassurance ngày càng phát triển an toàn, lành mạnh, đóng góp vào việc tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam như Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra”, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng khẳng định.
Tại hội thảo, ngoài việc nhóm nghiên cứu trình bày các nội dung chính của Đề tài, đại biểu là đại diện NHNN, các chuyên gia tham dự cũng đã trao đổi về các định hướng, giải pháp phát triển bancassurance từ góc độ cơ quan quản lý và chia sẻ bài học kinh nghiệm cũng như thực tiễn triển khai bancassurance tại Việt Nam.