“Đoạn đường đẹp” dài 4,5km là Công trình tiêu biểu do Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Ngọc Chúc thực hiện để chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Kiên Giang là một trong những tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khoảng 69.219 hộ, hơn 275.000 người; trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer, với hơn 59.220 hộ, gần 238.000 người, chiếm 13,4% dân số toàn tỉnh.
Những năm qua, Kiên Giang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống bà con không ngừng được cải thiện, nâng lên.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2014-2020, tỉnh tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách tỉnh và một số tổ chức nước ngoài, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những xã đặc biệt khó khăn, biên giới.
Với Chương trình 135, tỉnh đã đầu tư gần 80 tỷ đồng xây dựng nhiều công trình như cầu, đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm y tế, trường học… phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh.
Tỉnh đầu tư hơn 145 tỷ đồng xây dựng hàng chục công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và phân tán phục vụ đồng bào và hơn 91 tỷ đồng xây dựng 10 công trình điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất cho gần 8.000 hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các ngành, các cấp trong tỉnh cũng triển khai nhiều công trình kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh huy động các nguồn vốn khác ngoài xã hội đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, đã vận động xây cất hơn 2.000 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương; xây dựng trên 50 cầu bê tông, hàng trăm cây nước bơm tay và hàng chục kilomet đường giao thông nông thôn… trị giá hàng chục tỷ đồng.
Hướng đến Đại hội XIII của Đảng, về thăm xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, chúng tôi hòa vào niềm vui của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây với cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tại trung tâm xã, xóm ấp trang hoàng nhiều cờ, hoa, khẩu hiệu, tranh ảnh rực rỡ chào mừng Đại hội XIII của Đảng.
Diện mạo nông thôn Định Hòa thay da đổi thịt nhờ những chiếc cầu và đường bêtông liên ấp, liên xã phục vụ giao thông đi lại của người dân thuận tiện, nhanh chóng. Trường học, trạm y tế xây dựng khang trang, đáp ứng việc học hành của con em và chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân. Nhà ở của nhân dân phần lớn xây dựng kiên cố, khang trang, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt, cuộc sống gia đình như xe hai bánh, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa… Đèn điện bừng sáng xóm làng khi đêm về tỏa ra từ nhà dân và những công trình “Thắp sáng đường quê” của Đoàn thanh niên xã Định Hòa.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Định Hòa Chương Hoàng Tha cho biết: Đồng bào dân tộc Khmer chiếm 65% dân số của xã, có những ấp 100% là đồng bào dân tộc Khmer. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Định Hòa được Trung ương chọn làm xã điểm đã hoàn thành. Xã được tỉnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm, nước sạch…
Nông thôn Định Hòa khởi sắc, đời sống bà con cải thiện, nâng lên đáng kể, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nêu cao ý thức cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nông dân Khmer Danh Lợi ở ấp Hòa Út, xã Định Hòa, huyện Gò Quao bày tỏ bà con Khmer xã Định Hòa đang nỗ lực xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống nghèo khổ trước đây đã được đẩy lùi, xóa bỏ và tạo nên một cuộc sống vui tươi, đủ đầy, hạnh phúc hôm nay. Bà con Khmer xã Định Hòa rất biết ơn Đảng và Nhà nước. Tôi kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng bầu ra những người lãnh đạo xứng đáng để lãnh đạo, xây dựng phát triển đất nước giàu mạnh hơn, tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer, ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.
Số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang đạt mức sống trung bình trở lên ngày càng tăng, hộ nghèo giảm còn 3.258 hộ, chiếm 4,7%. Tỉnh đã có 13 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 và 40/70 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.
Người dân xã Ngọc Chúc chăm sóc hoa vạn thọ vụ Tết Nguyên đán. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc cho biết từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã huy động các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển đời sống kinh tế, giảm nghèo bền vững. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ 7.420 hộ vay 24 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, các chương trình tín dụng đã cho 18.128 lượt hộ vay phát triển sản suất kinh doanh hơn 211.255 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho hơn 115.000 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở các xã thuộc vùng khó khăn hơn 13 tỷ đồng và triển khai thực hiện nhiều chính sách dân tộc, an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt quan tâm bà con ở các xã vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.
Cùng với đó, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững… được tỉnh triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên. Số hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch đạt hơn 94%, sử dụng điện đạt 98,6%, tham gia bảo hiểm y tế hơn 83%; thu nhập bình quân của bà con vùng nông thôn đạt 42,7 triệu đồng/người/năm, tăng 1,45 lần so với năm 2015.
Tiếp tục đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của bà con dân tộc thiểu số tăng 2 lần so với hiện nay, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm từ 1-1,5% và giảm 60% số xã không còn đặc biệt khó khăn…
Để đạt mục tiêu này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nhấn mạnh Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm các dân tộc sinh sống trên địa bàn bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững, cải thiện rõ rệt đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc.
Tỉnh Kiên Giang cũng gia tăng đầu tư nguồn lực của Nhà nước kết hợp các nguồn lực xã hội khác để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, nhất là đường giao thông liên vùng kết nối với các vùng phát triển. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.
Cụ thể như hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Các địa phương trong tỉnh hướng bà con vào các hợp tác xã, sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn để thay đổi tập quán sản xuất truyền thống lạc hậu, hiệu quả kinh tế kém, đồng thời chuyển giao những mô hình kinh tế hiệu quả, hướng dẫn người dân sản xuất.
Tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số cảnh giác, đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, để bà con yên tâm phát triển kinh tế gia đình đạt hiệu quả, đời sống sung túc, vui tươi, hạnh phúc./.