Thị trường trái phiếu Chính phủ đã huy động được 333.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, tăng 64% so với năm 2019.
Trong năm 2020, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 400.000 tỷ đồng, quy mô so với GDP đạt khoảng 14,7%.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu các tháng 11 và 12 lần lượt đạt trung bình 10.000 tỷ đồng và 14.800 tỷ đồng mỗi phiên, tăng hơn 2 lần so với bình quân năm 2019.
Sáng 4/1, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tham dự buổi lễ đánh cồng phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Bộ trưởng đề cập thời điểm đầu năm 2020, khi đại dịch bùng phát, thị trường chứng khoán Việt Nam có lúc giảm điểm, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khá nhiều nhưng sau đó đã ổn định, phục hồi bền vững và tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm 2020.
VN-Index tăng gần 15% so với đầu năm và cao hơn 67% so với thời điểm thấp nhất. Thanh khoản thị trường đạt bình quân gần 7.400 tỷ đồng/phiên, trong đó các tháng 11 và 12 lần lượt đạt trung bình 10.000 và 14.800 tỷ đồng mỗi phiên, tăng hơn 2 lần so với bình quân năm 2019. Quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã đạt 84,3% GDP năm 2020.
Bên cạnh cổ phiếu, các thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh đều ghi nhận mức tăng ấn tượng. Thị trường trái phiếu Chính phủ đã huy động được 333.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, tăng 64% so với năm 2019 với thời hạn bình quân 13,94 năm (so với năm 2019 là 13,44 năm). Lãi suất huy động giảm từ 4,51%/năm xuống còn 2,83%/năm trong năm 2020.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiên Dũng phát biểu tại lễ đánh cồng. Ảnh: D.T.
Bộ Tài chính tiếp tục cơ cấu danh mục nợ Chính phủ trong nước theo hướng bền vững với kỳ hạn danh mục nợ trái phiếu Chính phủ còn lại bình quân là 8,35 năm (so với mức 7,42 năm của năm 2019). Trong năm 2020, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 400.000 tỷ đồng, quy mô so với GDP đạt khoảng 14,7%. Thị trường chứng khoán phái sinh có quy mô giao dịch tăng gần 80%.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng đề cập tổng huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 384.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019. Theo thống kê chưa đầy đủ, 84% công ty đại chúng quy mô lớn trên thị trường chứng khoán làm ăn có lãi, một tỷ lệ rất cao trong năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 so với các khu vực khác của nền kinh tế. Do vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận là một trong những thị trường có mức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới.
Ông Đinh Tiến Dũng cũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các đơn vị liên quan tập trung thời cơ thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021. Thứ nhất là tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn vào cuộc sống, để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát hành huy động vốn, bảo vệ quyền của nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lành mạnh.
Thứ hai là đẩy nhanh việc cơ cấu lại thị trường chứng khoán theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hoàn thiện bộ máy Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các Sở Giao dịch Chứng khoán, xây dựng lộ trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa; tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các định chế trung gian trên thị trường theo định hướng của Chính phủ.
Thứ ba là đảm bảo an toàn ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới và hoạt động đồng bộ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Trên cơ sở đó, UBCKNN cần triển khai xây dựng thêm thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ tư là thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô và chất lượng hàng hóa, thúc đẩy quy mô và thanh khoản thị trường, đưa thêm các sản phẩm mới.
Thứ năm là tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.
Cuối cùng là xây dựng, trình Thủ tướng ban hành chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021 – 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển thị trường chứng khoán – thị trường vốn về dài hạn.