Cổ phiếu SHB rời sàn HNX sau 12 năm niêm yết và chuyển sang giao dịch trên HoSE.
Ngân hàng liên tục phát hành cổ phiếu và bán công ty, ngân hàng con trong năm nay.
Các nhà băng đẩy mạnh huy động vốn từ nhiều nguồn nhằm tăng hệ số an toàn vốn, để nhận hạn mức tín dụng cao hơn từ Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 11/10, hơn 1,92 tỷ cổ phiếu
SHB chào sàn HoSE. Trong phiên đầu tiên giao dịch trên HoSE, thị giá
SHB tăng hơn 4% so với tham chiếu và cao hơn 78% so với đầu năm. Thanh khoản quanh 50 triệu đơn vị, cao nhất từ tháng 4. Trước đó, ngân hàng này đã rời HNX sau 12 năm giao dịch.
SHB niêm yết trên HNX vào cuối tháng 4/2009 với số lượng 50 triệu cổ phiếu, là ngân hàng đầu tiên lên sàn chứng khoán niêm yết Hà Nội. Đến nay, lượng cổ phiếu lưu hành tăng gần 40 lần, đây cũng là một trong những mã có thanh khoản lớn trên thị trường. Tại HNX,
SHB chiếm 15-30% thanh khoản trong một năm gần đây. Do đó, việc
SHB chuyển sang HoSE sẽ khiến thanh khoản HNX sụt giảm.
Diễn biến cổ phiếu SHB từ đầu năm. Từ khi lên sàn, thị giá SHB nhân đôi so với mức đỉnh từng thiếp lập năm 2009, theo giá điều chỉnh. Ảnh: Chụp màn hình.
Sau khi niêm yết HNX, một trong những sự kiện của
SHB là sáp nhập HabuBank vào năm 2012. Lợi nhuận ngân hàng giảm từ trên 750 tỷ đồng về còn 26 tỷ đồng trong năm, sau đó hồi phục và tăng trở lại trong năm 2013 với gần 850 tỷ đồng.
Đến cuối 2020, lãi sau thuế gấp 8 lần so với năm 2009, ở mức 2.607 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 14 lần lên 412.679 tỷ đồng. Quy mô cho vay tăng 24 lần lên 302.199 tỷ đồng. Huy động vốn từ tiền gửi khách hàng nâng 19 lần lên 303.581 tỷ đồng. Với nợ xấu, ngân hàng này hạ tỷ trọng trong cơ cấu dư nợ từ mức đỉnh 12,88% sau khi sáp nhập HabuBank, xuống 3% vào cuối năm 2020 bao gồm nợ bán VAMC.
6 tháng đầu năm 2021,
SHB thu về hơn 3.186 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 86% so với cùng kỳ, tương đương hơn 53% kế hoạch cả năm. Đến 30/6, tổng tài sản ở mức 458.000 tỷ đồng, cao hơn 11% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng 331.479 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cũng nâng từ 1,8% lên 2,02%. Ngân hàng lên kế hoạch sẽ xử lý toàn bộ nợ bán VAMC và nợ Vinashin trong năm nay và năm sau.
Tổng tài sản và Cho vay khách hàng của SHB từ khi niêm yết HNX. (Đơn vị: tỷ đồng)
Đẩy mạnh huy động vốn: Bán SHB Finance, ngân hàng con, tìm nhà đầu tư chiến lược ngoại
Năm 2021, trong bối cảnh thị trường chứng khoán thuận lợi,
SHB triển khai một loạt hoạt động nhằm tăng nguồn vốn. Ngân hàng dự kiến 3 đợt tăng vốn. Đợt một, ngân hàng trả cổ tức 2019 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% nâng vốn điều lệ lên 19.260 tỷ đồng và vừa được hoàn thành trong tháng 5.
Đợt hai,
SHB sẽ trả cổ tức 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10,5%, nâng vốn điều lệ 21.282 tỷ đồng. Đợt cuối, ngân hàng này lên kế hoạch chào bán hơn 539 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:28 với giá 12.500 đồng/cp. Nếu thành công toàn bộ, vốn điều lệ của
SHB sẽ tăng lên mức 26.674 tỷ đồng, nằm trong nhóm 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất. Vừa qua, NHNN đã chấp thuận phương án tăng vốn hai đợt cuối của
SHB.
Trong giai đoạn trước, ngân hàng này chủ yếu tăng vốn qua trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 7-8% giai đoạn 2013-2016 và trên 10% giai đoạn 2017-2020. Lượng vốn tăng thêm được dùng để nâng cao năng lực tài chính và đầu tư hệ thống công nghệ thông tin chuyển đổi số, tự động hóa các quy trình, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…
Nhà băng này cũng có kế hoạch chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài chiến lược với tỷ lệ tối đa không quá 20% vốn và đã khóa room ngoại ở 10%. Mục tiêu này cũng là động lực để
SHB chuyển niêm yết từ HNX sang HoSE. Việc giao dịch trên sàn giao dịch có tiêu chuẩn cao nhất của Việt Nam sẽ giúp các ngân hàng mở rộng tiếp cận nhà đầu tư chiến lược, đồng thời nâng cao thương hiệu trên thị trường. Đây cũng là xu hướng tất yếu khi tương lai, toàn bộ giao dịch cổ phiếu sẽ do HoSE quản lý. Từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã chuyển sàn từ HNX, UPcoM sang HoSE như ACB, LPB...
Vốn điều lệ của SHB. Đơn vị: Tỷ đồng.
Bên cạnh huy động vốn qua phát hành cổ phần, nhà băng này cũng tiến hành bán vốn tại công ty con, ngân hàng con. Vừa qua,
SHB cũng đã ký thỏa thuận bán 100% vốn của Công ty Tài Chính
SHB Finance cho Ngân hàng Đại chúng Ayudhya (Krungsri) - Thái Lan, đơn vị thuộc Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG). Cổ đông của ngân hàng Thái Lan sẽ xem xét thông qua giá trị của thương vụ chuyển nhượng khoảng 3.590 tỷ đồng.
SHB sẽ nhận tiền thanh toán theo hai đợt.
Ngoài ra, ngân hàng cũng có kế hoạch bán vốn tại
SHB Lào và
SHB Campuchia cho nhà đầu tư nước ngoài, tiếp tục tăng thặng dư vốn, phát hành trái phiếu quốc tế tổng giá trị 500 triệu USD và niêm yết trái phiếu này tại Sàn giao dịch chứng khoán Singapore.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tín dụng dựa trên chất lượng tài sản, năng lực tài chính, việc nâng cao hệ số an toàn vốn là một trong những đích đến của các nhà băng hiện nay nhằm nhận hạn mức tăng trưởng cao hơn mỗi năm. Đồng thời, sau khi phần lớn các ngân hàng đáp ứng Basel II, việc hướng đến Basel III và các tiêu chuẩn quốc tế khác cũng đang được một số đơn vị bắt đầu thực hiện.
SHB không thể nằm ngoài xu hướng này.