Sắc xanh áp đảo ở nhóm vốn hóa lớn và giúp các chỉ số đi lên ngay từ đầu phiên.
Nhóm ngân hàng và dầu khí ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng giá.
Một số cổ phiếu trụ cột giảm và tạo áp lực lên đà tăng của các chỉ số.
15h00
Về cuối phiên, với sự nâng đỡ của các cổ phiếu như GAS, VPB, PLX, HPG... cùng với đó, VIC không còn giao dịch quá tiêu cực nên VN-Index vẫn đóng cửa trong sắc xanh. Chốt phiên, VIC được kéo lên đứng ở mức tham chiếu 92.600 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,83 điểm (0,2%) lên 1.395,53 điểm. HNX-Index tăng 0,04 điểm (0,01%) lên 384,88 điểm. UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,07%) xuống 99,37 điểm.
Tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường phiên này đạt 27.509 tỷ đồng, tăng 9,6%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 9,5% lên mức 22.454 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 600 tỷ đồng trên HoSE.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
14h27
Tưởng chừng như VN-Index sẽ vượt qua được mốc tâm lý 1.400 điểm khi đà hưng phấn được đẩy lên mức cao. Tuy nhiên, áp lực bán xuất hiện mạnh và khiến chỉ số này nhanh chóng đảo chiều. Hiện tại, VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu trong đó, các cổ phiếu như VCB, VIC, SAB, CTG, BID... đang tác động xấu đến chỉ số này.
VN-Index hiện giảm 0,69 điểm (-0,05%) xuống 1.392,01 điểm.
13h15
Đà tăng của các chỉ số được củng cố hơn ngay sau giờ nghỉ trưa, lực cầu dâng cao và kéo hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá, VN-Index vì vậy cũng được kéo vượt mốc 1.400 điểm. Hiện tại, chỉ số này đang tăng 9,22 điểm (0,66%) lên 1.401,92 điểm.
Tuy nhiên, đà tăng vẫn gặp một số khó khăn khi các mã như SAB, BCM, VNM, CTG... vẫn chìm trong sắc đỏ.
11h30
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 7,27 điểm (0,52%) lên 1.399,97 điểm. Toàn sàn có 200 mã tăng, 197 mã giảm và 63 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,93 điểm (0,5%) lên 386,77 điểm. Toàn sàn có 93 mã tăng, 106 mã giảm và 52 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,02%) xuống 99,42 điểm.
Về cuối phiên sáng, đà tăng của VN-Index được củng cố trở lại khi nhóm dầu khí vẫn giữ được sự tích cực. Bên cạnh đó, một vài mã lớn như VPB, PDR, VRE, HPG, TPB... cũng tăng tốt. Trong đó, VPB tăng đến 3,6% lên 38.850 đồng/cp.
Thanh khoản thị trường cải thiện hơn với tổng giá trị khớp lệnh đạt 14.832 tỷ đồng, tăng 18% so với phiên sáng hôm qua, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 17,8% lên mức 11.910 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khoảng 260 tỷ đồng trên HoSE.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
11h02
Ngay khi VN-Index vượt mốc 1.400 điểm, áp lực bán nhanh chóng xuất hiện và khiến nhiều cổ phiếu giảm sâu. Đà tăng của các chỉ số ngay lập tự bị thu hẹp lại sau đó. Hiện tại, HVN giảm 1,3%, SAB giảm 1,2%, CTG tăng 1%...
VN-Index đang tăng 4,93 điểm (0,35%) lên 1.397,63 điểm. HNX-Index tăng 1,28 điểm (0,33%) lên 386,12 điểm. UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (0,02%) lên 99,46 điểm.
10h25
Đà tăng của các chỉ số tiếp tục được củng cố nhờ công lớn thuộc về nhóm dầu khí. Trong đó, GAS tăng đến 5,9% lên 118.600 đồng/cp, PVD tăng 4,8% lên 26.050 đồng/cp, PLX tăng 2,2% lên 54.800 đồng/cp.
VN-Index hiện tăng 8,15 điểm (0,59%) lên 1.400,85 điểm. HNX-Index tăng 1,85 điểm (0,48%) lên 386,69 điểm. UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (0,05%) lên 99,49 điểm.
Nguồn: SSI.
10h24
Các cổ phiếu ngành thép cũng biến động tích cực. Trong đó, TNS tăng trần lên 10.600 đồng/cp, TIS tăng 12,6% lên 17.000 đồng/cp, TLG tăng 5% lên 24.150 đồng/cp, NKG tăng 3,9% lên 53.900 đồng/cp, HSG tăng 2,5% lên 51.000 đồng/cp.
Theo BCTC quý III, Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco, UPCoM: TIS) ghi nhận doanh thu 3.084,5 tỷ đồng, tăng 46,5%. Doanh nghiệp thép lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 9,8 tỷ đồng, gấp 24,6 lần cùng kỳ năm trước. Dù vậy, lợi nhuận quý III giảm mạnh so với mức lãi 44 tỷ quý I và 65 tỷ quý II.
9h30
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (18/10), sắc xanh bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí biến động tích cực và có đóng góp lớn nhất giúp các chỉ số đi lên. Đối với nhóm ngân hàng, TCB tăng 1,1%, BID tăng 0,9%, BVB tăng 3,3%, OCB tăng 1,6%...
Biên độ tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí nhỉnh hơn nhóm ngân hàng, trong đó, GAS tăng 3,4% lên 115.800 đồng/cp, PVD tăng 3% lên 25.600 đồng/cp, PLX tăng 1,9% lên 54.600 đồng/cp.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG, PDR, MSN, VHM... cũng đang nhích lên trên mốc tham chiếu.
Ở chiều ngược lại, VIC, SAB, GVR, VNM, BCM, MWG... giảm giá và kìm hãm đáng kể đà tăng của các chỉ số.
Hiện tại, VN-Index tăng 5,25 điểm (0,38%) lên 1.397,95 điểm. Tổng khối lượng giao địch đạt 86,5 triệu cổ phiếu, trị giá 2.672 tỷ đồng. HNX-Index tăng 2,4 điểm (0,62%) lên 387,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18 triệu cổ phiếu, trị giá 427 tỷ đồng. UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (0,16%) lên 99,6 điểm.
VN-Index có tuần hồi phục thứ 2 liên tiếp với thanh khoản tăng so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch trung bình đạt 26.591 tỷ đồng/phiên, tăng 9,1% so với tuần trước đó. Giá trị khớp lệnh trung bình cũng tăng 6,3% lên mức 24.025 tỷ đồng/phiên.
Dòng tiền của tổ chức trong nước đóng vai trò quan trọng giúp VN-Index biến động tích cực trong tuần vừa qua, trong khi đó, cả khối ngoại và cá nhân trong nước đều bán ròng. Cụ thể, tổ chức trong nước gồm cả tự doanh mua ròng 1.788 tỷ đồng trong tuần vừa qua. Trong khi đó, cá nhân chấm dứt chuỗi mua ròng 6 tuần liên tiếp bằng việc bán ròng trở lại 1.097 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng tuần thứ 10 liên tiếp với giá trị 692 tỷ đồng.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và cơ hội xuất hiện ở cả các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như các cổ phiếu vốn hóa nhỏ.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với tín hiệu bị cản và áp lực chốt lời gia tăng, có khả năng VN-Index sẽ có nhịp điều chỉnh và kiểm tra lại vùng 1.370 – 1.380 điểm, cũng là vùng Gap được tạo ra trong phiên 11/10.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý
Chốt phiên 15/10, Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều tăng. Dow Jones tăng 382,2 điểm, tương đương 1,09%, lên 35.294,76 điểm. S&P 500 tăng 33,11 điểm, tương đương 0,75%, lên 4.471,37 điểm. Nasdaq tăng 73,91 điểm, tương đương 0,5%, lên 14.897,34 điểm. Chốt tuần, Dow Jones tăng 1,6%, tuần tăng tốt nhất kể từ 25/6. S&P 500 tăng 1,8%, tuần tăng tốt nhất kể từ 23/7, còn Nasdaq tăng 2,2%.
Kết thúc phiên 15/10, giá dầu Brent tương lai tăng 86 cent, tương đương 1%, lên 84,86 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 85,1 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018. Giá dầu WTI tương lai tăng 97 cent, tương đương 1,2%, lên 82,28 USD/thùng. Chốt tuần, giá dầu Brent tăng 3%, tuần tăng thứ 6 liên tiếp, giá dầu WTI tăng 3,5%, tuần tăng thứ 8 liên tiếp. Kể từ đầu năm, giá dầu Brent tăng 64%, WTI tăng gần 70%. Goldman Sachs và Morgan Stanley đều dự báo giá dầu Brent chạm 90 USD/thùng trước cuối năm.