Cao su Đà Nẵng báo lãi quý III giảm 45% xuống 34 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm xuống 14,6%.
ACBS nhận định doanh nghiệp săm lốp còn chịu ảnh hưởng tiêu cực khi thị trường ôtô chậm lại do thiếu chíp.
Giá cao su tự nhiên được dự báo duy trì trên mức 200 JPY/kg đến cuối năm, bình quân năm tăng 31% so với 2020.
Sau 2 quý đầu năm tương đối thuận lợi khi thị trường ôtô phục hồi trên toàn cầu, các doanh nghiệp săm lốp bắt đầu gặp khó bởi giá nguyên liệu đầu vào – cao su tự nhiên tiếp tục neo ở mức cao và dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến sức mua.
Cao su Đà Nẵng (HoSE:
DRC) báo cáo doanh thu quý III giảm nhẹ 2% xuống 929 tỷ đồng; giá vốn tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp giảm 8% xuống 134 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng tăng đột biến từ 41 tỷ lên 77 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế giảm 45% xuống 33,7 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp làm giảm doanh thu trong khi chi phí đầu vào tăng. Chi phí bán hàng tăng do chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu tăng làm giảm lợi nhuận.
Chi phí nguyên vật liệu chiếm hơn 70% trong cơ cấu chi phí sản xuất của Cao su Đà Nẵng với nguyên liệu chính như cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp, than đen và các loại hóa chất. Giá cao su thiên nhiên phụ thuộc giá dầu thô và cao su tổng hợp – sản phẩm thay thế của cao su tự nhiên.
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo sau khi giảm sâu về vùng 130 JPY/kg trước sự bùng phát của dịch bệnh cùng cuộc chiến giá dầu thì từ giữa năm 2020 bật tăng mạnh trở lại. Trong quý III, giá cao su giảm dần từ vùng 250 JPY/kg về 190 JPY/kg, giảm 44% tính từ đầu tháng 1 trước lo ngại tăng trưởng toàn cầu và sản xuất ôtô chậm lại do thiếu chíp. Dù vậy, mức này vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, nhu cầu Trung Quốc tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát đã giúp giá phục hồi lên 215 JPY/kg.
Nguồn: Tradingeconomics
Các doanh nghiệp cao su tự nhiên đều ghi nhận giá bán mủ bình quân trong quý III có hạ nhiệt so với quý II nhưng vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Như giá bán mủ bình quân của Cao su Tân Biên (UPCoM:
RTB) quý III đạt 38 triệu đồng/tấn, tăng 28% so với cùng kỳ; Cao su Bà Rịa (UPCoM:
BRR) là 41,2 triệu đồng/tấn, tăng 37,3%...
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch HĐQT Cao su Đà Nẵng chia sẻ năm 2020 dự báo được tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đơn vị đã đặt trọng tâm đầu tư cho năng lực sản xuất nội tại, dự trữ hàng tồn kho nguyên vật liệu giúp kết quả kinh doanh khả quan, biên lợi nhuận cải thiện.
Biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp săm lốp duy trì trên 18% trong 3 quý gần đây, riêng quý III năm nay thì về mức 14%. SSI Research cho biết biên lợi nhuận gộp
DRC nửa đầu năm được hỗ trợ bởi nhà máy radial đạt công suất hoạt động cao hơn, chi phí khấu hao giảm và tăng giá bán sản phẩm (8% với lốp bias và 1% với lốp radial) cho phù hợp với xu hướng tăng của chi phí nguyên vật liệu.
Đơn vị: %
Giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp liên tục tăng từ đầu năm đến nay. Tại thời điểm cuối quý III, giá trị hàng tồn kho của Cao su Đà Nẵng đạt 1.397 tỷ đồng, tăng 77% so với đầu năm. Riêng thành phẩm là 608 tỷ đồng, hơn gấp đôi đầu năm; nguyên vật liệu 686 tỷ đồng, tăng 72%.
Doanh nghiệp săm lốp Casumina (HoSE:
CSM) có kết quả kinh doanh kém khả quan hơn khi lần đầu tiên báo lỗ kể từ khi niêm yết với giá trị 28 tỷ đồng. Doanh thu quý III giảm 21% xuống 1.012 tỷ đồng. Các chi phí đồng loạt được tiết giảm nhờ lưu chuyển dòng tiền, giảm chi phí lãi vay, thực hiện chính sách tiết kiệm và giảm một số chi phí hoạt động liên quan. Cụ thể, chi phí tài chính giảm 33%, bán hàng giảm 44%, quản lý doanh nghiệp giảm 60%.
Doanh nghiệp lý giải dịch bệnh phức tạp diễn ra ở các tỉnh miền Nam làm cho việc bán hàng gặp nhiều khó khăn, lưu thông hàng hóa giảm khiến doanh thu giảm. Trong khi đó, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhập khẩu vật tư tăng cao làm tăng giá thành. Doanh nghiệp thực hiện sản xuất 3 tại chỗ cũng làm chi phí tăng cao.
Việc giá cao su thiên nhiên liên tục tăng cao theo giá dầu từ nửa cuối 2020 đến nay đã ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận doanh nghiệp săm lốp nói chung và Casumina nói riêng. Biên lợi nhuận gộp của Casumina quý II giảm về 10,7% và quý III về mức 6,4%.
Đơn vị: %
Giá trị hàng tồn kho tính tới 30/9 đạt 1.625,5 tỷ đồng, tăng thêm gần 300 tỷ so với đầu năm bao gồm nguyên liệu, vật liệu 927 tỷ đồng và thành phẩm 673 tỷ đồn.
Không nằm ngoài tác động của dịch bệnh, Cao su Sao Vàng (HoSE:
SRC) ghi nhận doanh thu quý III giảm 13% xuống 211 tỷ đồng. Các chi phí đồng loạt tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế giảm 47% xuống 10,5 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán ACBS, ngành công nghiệp cao su thiên nhiên thời gian tới khả năng cao sẽ thiếu cung nhưng giá giảm do hoạt động sản xuất ôtô chậm lại vì thiếu hụt nguồn cung chíp điện tử mặc dù nhu cầu tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn tăng 27%. Do vậy, giá cao su ít nhất duy trì trên mức 200 JPY/kg cho đến cuối năm 2021 khiến giá bình quân cao hơn khoảng 31% so với mức trung bình năm 2020.
ACBS nhận định ngành sản xuất ôtô chậm và chuỗi logistic Việt Nam vẫn cần thời gian để hồi phục sau dịch bệnh làm giảm nhu cầu tiêu thụ săm lốp, các doanh nghiệp săm lốp có thể chịu tác động tiêu cực từ thị trường lốp xe trong ngắn hạn.