Thủy văn phía Nam thuận lợi nhờ mưa nhiều, nhóm doanh nghiệp tại khu vực này đạt lãi cao trong quý III.
Thủy điện miền Nam thoát lỗ và lãi sau thuế 132 tỷ đồng.
Lợi nhuận Thủy điện Thác Mơ gấp 4 lần lên hơn 86 tỷ đồng.
Ngược lại, các đơn vị phía Bắc và Trung Bộ kinh doanh kém khả quan do lưu lượng nước về hồ giảm.
Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), 9 tháng đầu năm ghi nhận sản lượng điện toàn hệ thống đạt 192,55 tỷ kWh, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn cơ cấu huy động điện đến từ nhiệt điện than (chiếm 48%, tương đương 92,67 tỷ kWh) mặc dù sản lượng này giảm 5% so với cùng kỳ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng giảm 24% nhiệt điện khí về mức 20,92 tỷ kWh.
Ngược lại, sản lượng huy động từ thủy điện tăng 13% lên 54,68 tỷ kWh, chiếm 28,4% toàn hệ thống. Năng lượng tái tạo tăng trưởng mạnh nhất 278% đạt 22,68 tỷ kWh. Điện nhập khẩu ở mức 1,01 tỷ kWh, tương đương tỷ trọng 0,5%.
Sản lượng huy động từ nhóm thủy điện tăng cao do giá mua từ nguồn thủy điện thấp hơn hẳn điện than và điện khí trong bối cảnh giá than và giá khí tăng mạnh. Ngoài ra, tình hình thủy văn thuận lợi, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tăng từ giữa năm.
Đáng chú ý, thuỷ văn ở phía Nam trong quý II-III thuận lợi nhờ mưa nhiều bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 10. Trong khi đó, tình hình thủy văn tại khu vực miền Trung diễn biến kém thuận lợi hơn khi mực nước các sông ở Trung Bộ biến đổi chậm và theo xu thế xuống dần từ nửa cuối tháng 5. Mực nước nhiều hồ thủy điện phía Bắc cũng xuống thấp khi bước vào thời điểm mùa khô, cuối tháng 8 - thời điểm cuối mùa lũ chính vụ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu lũ về các hồ thủy điện.
Thủy điện phía Nam lãi lớn, dòng tiền kinh doanh tăng bằng lần
Thủy điện Thác Mơ (HoSE:
TMP), doanh thu bán điện tăng 79% lên hơn 202 tỷ đồng trong quý III. Công ty cho biết sản lượng điện sản xuất của nhà máy thủy điện tăng 30% lên hơn 232 triệu kWh nhờ lưu lượng nước về hồ Thác Mơ (Bình Phước) cao hơn cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhà máy Điện mặt trời Thác Mơ với công suất 50 MWp cũng đóng góp gần 27 tỷ đồng vào doanh thu, cùng kỳ chưa phát sinh do mới đưa nhà máy vào vận hành từ tháng 12 năm ngoái. Lợi nhuận theo đó gấp 4 lần lên hơn 86 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu và lãi sau thuế lần lượt tăng 61% và 96% lên hơn 511 tỷ và 242 tỷ đồng. Nhờ tăng trưởng lợi nhuận, dòng tiền thuần kinh doanh gấp 3 lần, đạt hơn 210 tỷ đồng.
Báo cáo SSI Research cho biết mực nước hồ Thác Mơ trong quý III cao hơn 9 m và dung tích tại hồ gần gấp đôi so với cùng kỳ. Hơn nửa đầu tháng 10, mực nước vẫn tiếp tục cao hơn khoảng 5,66 m và dung tích tăng 43% so với cùng kỳ. Theo đó, công ty chứng khoán ước tính sản lượng điện quý IV tăng 55% lên 180 triệu kWh; mức sản lượng cả năm ước tính đạt 716 triệu kWh, tăng 28% so với năm ngoái.
Về Thủy điện Cần Đơn (HoSE:
SJD), sản lượng tăng 47% lên gần 155 triệu kWh. Theo SSI Research, mức tăng trưởng này tốt hơn mặt bằng chung của nhóm thuỷ điện (giảm 10%) và sản lượng điện trên toàn quốc (giảm 4%). Nhờ đó, doanh thu quý III tăng 37% lên gần 154 tỷ và lợi nhuận tăng 66%, đạt 74 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, lãi sau thuế tăng 48% đạt hơn 112 tỷ đồng. Tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 4 tỷ, cải thiện hơn với mức âm hơn 22 tỷ cùng kỳ.
SSI Research cho biết mục tiêu sản lượng quý cuối năm được đặt ở mức 124,5 triệu kWh, tương ứng tăng 31,2% so với cùng kỳ dựa trên diễn biến thuỷ văn thuận lợi ở khu vực phía Nam và theo trao đổi với công ty. Giả định công ty có thể hoàn thành 95% kế hoạch quý IV, sản lượng ước tính có thể đạt 117,8 triệu kWh, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Như vậy, sản lượng điện cả năm ước đạt khoảng 400 triệu, tương đương mức tăng trưởng 24% so với cùng kỳ.
Ngoài trụ sở chính là nhà máy thủy điện Cần Đơn (Bình Phước), công ty còn hai chi nhánh nhà máy thủy điện Ry Ninh II (Gia Lai) và Nà Lợi (Điện Biên).
Thủy điện Miền Nam (HoSE:
SHP) có 3 nhà máy đặt tại Lâm Đồng gồm Đa M’bri, Đa Siat và Đa Dâng 2 với tổng công suất 122,5 MW. Trong đó, nhà máy Đa M’bri có công suất lớn nhất 75 MW, sản lượng 338,2 triệu kWh/năm. Quý III, công ty báo kết quả kinh doanh rất khả quan với doanh thu quý III đạt 236 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ. Giá vốn tăng ít hơn khiến lợi nhuận gộp đạt 156 tỷ đồng, gấp gần 10 lần.
Sau khi trừ các khoản chi phí, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 132 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ gần 2 tỷ cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận một quý cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Trong 9 tháng đầu năm, lượng mưa về nhiều giúp đơn vị đạt kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu tăng 67% lên 439 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt gần 169 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 1,5 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh gấp rưỡi lên 216 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp thủy điện phía Nam trong quý III. Đơn vị: tỷ đồng
Lợi nhuận của doanh nghiệp phía Bắc và Trung Bộ giảm trong quý III
Ngược lại, một số đơn vị thủy điện khu vực phía Bắc và Trung Bộ cho kết quả kém khả quan hơn. Đơn cử, Thủy điện sông Ba Hạ (UPCoM:
SBH) tại tỉnh Phú Yên và Gia Lai, báo cáo lợi nhuận giảm 15% về 82 tỷ đồng trong quý III.
Một doanh nghiệp thủy điện khác thuộc miền Trung là Thủy điện A Vương (UPCoM:
AVC) cũng ghi nhận mức lợi nhuận giảm gần 30% về 49 tỷ đồng. Nhờ kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm, lãi sau thuế vẫn gấp 3,6 lên gần 189 tỷ đồng sau 9 tháng.
Doanh nghiệp thuộc PV Power là Thủy điện Hủa Na (UPCoM:
HNA) báo cáo doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 8% và 16% về 178 tỷ và 43 tỷ đồng trong quý III.
Sông Vàng (UPCoM:
SVH) với nhà máy thủy điện An Điềm II tại Quảng Nam, công bố doanh thu quý III giảm 6% về khoảng 5 tỷ đồng. Công ty cho biết thời tiết miền Trung không thuận lợi khiến doanh thu giảm, dẫn đến lợi nhuận âm hơn 400 triệu đồng.
Với công ty hoạt động tại khu vực Bắc Bộ, Thủy điện Thác Bà (HoSE:
TBC) cũng báo lãi giảm 55% trong quý III, về còn 34 tỷ đồng. Đơn vị lý giải lưu lượng nước về hồ Thá Bà giảm, dẫn đến sản lượng điện thấp hơn cùng kỳ 47,7 triệu kWh, tương ứng giảm 42%.
Đơn vị: tỷ đồng