Để việc phát hành thuận lợi, nhiều doanh nghiệp sử dụng “mồi nhử” lãi suất cao, trung bình ở mức gấp 1,5 lần, thậm chí gấp 2 lần lãi suất huy động của ngân hàng. Điều đáng nói là hiện nay, do không bắt buộc phải qua xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm hay bảo lãnh thanh toán, nên công cụ duy nhất để các nhà đầu tư nhận diện chất lượng trái phiếu cũng như năng lực trả nợ của doanh nghiệp là bản cáo bạch phát hành trái phiếu (OC), mà bản cáo bạch này liệu có minh bạch thì chỉ có doanh nghiệp biết mà thôi!
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, trong quý III/2021, các doanh nghiệp phát hành 188 nghìn tỷ đồng trái phiếu, giảm 4,1% so với quý trước và giảm 17% so với cùng kỳ năm 2020 giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ và giãn cách xã hội tác động đến kế hoạch phát hành của doanh nghiệp. Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý chủ yếu là phát hành riêng lẻ trong nước, chiếm tới 89% tổng lượng phát hành.
Bất động sản vẫn chiếm ngôi vương bất chấp sự kiện "bom nợ Evergrande”
Bất động sản và ngân hàng tiếp tục duy trì là 2 tổ chức phát hành trái phiếu chiếm tỷ trọng nhiều nhất, lên tới 80% tổng lượng phát hành trong quý III. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 85 nghìn tỷ đồng chiếm 45% tổng lượng phát hành trong quý.
Đáng chú ý sự kiện “Evergrande” tại Trung Quốc cũng không làm thị trường trái phiếu bất động sản Việt Nam kém sôi động. Chỉ tính riêng trong tháng 9/2021, tổng giá trị trái phiếu lĩnh vực này phát hành lên đến 30,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 36% tổng lượng phát hành trong quý.
Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất trong quý vừa qua là Vingroup, Novaland, Osaka Garden, Hưng Thịnh Land. Nếu loại trừ trái phiếu phát hành quốc tế của Vinpearl và Novaland, lãi suất bình quân các trái phiếu bất động sản trong quý III/2021 là 10,34%/năm, tăng 2 điểm cơ bản so với quý II/2021, trong khi kỳ hạn bình quân là 4,1 năm.
Tính chung 9 tháng 2021, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 201 nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân là 10,36%/năm, thấp hơn 30 điểm cơ bản so với bình quân năm 2020 và kỳ hạn bình quân ở mức 3,8 năm. Kỳ hạn bình quân của trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực này 2 năm gần đây khoảng 3,5 - 4 năm. Điều này dẫn đến áp lực trả nợ gốc sẽ tăng dần trong giai đoạn 2023 – 2025.
Điểm đáng chú ý là tỷ lệ các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết tham gia hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu là tương đối cao so với các ngành khác. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết chỉ khoảng 58 nghìn tỷ đồng, tức chiếm khoảng 27% tổng trái phiếu phát hành, trong khi tỷ lệ đó ở các ngành còn lại là 70%. Do vậy, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận các thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa có cơ quan độc lập đánh giá xếp hạng tín nhiệm trái phiếu.
Tổng quan thị trường trái phiếu 9 tháng năm 2021
Điểm đáng chú ý khác trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp quý III/2021 là các ngân hàng với tổng giá trị là 65,2 nghìn tỷ đồng, tăng 37,9% so với cùng kỳ nhằm tăng vốn cấp 2 và bổ sung thêm nguồn vốn trung hạn. Nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý là 123 nghìn tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực có số lượng phát hành lớn khác là: năng lượng và khoáng sản với 21,9 nghìn tỷ chiếm 5,0%; định chế tài chính phi ngân hàng phát hành 20,9 nghìn tỷ đồng chiếm 4,7%; phát triển hạ tầng phát hành 17,5 nghìn tỷ chiếm 3,9%…
Minh bạch thông tin, siết điều kiện phát hành để tháo "bom nổ chậm"
Cùng với sự tăng trưởng và phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng nhanh, với khối lượng mua trái phiếu riêng lẻ của các nhà đầu tư có xu hướng ngày càng tăng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh leo thang, các kênh đầu tư khác đều có nhiều rủi ro, trái phiếu doanh nghiệp lại càng được các nhà đầu tư cá nhân ưa chuộng.
Số liệu do FiiinRatings thống kê dựa trên báo cáo tài chính của 17 doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản nhà ở có hoạt động phát hành trái phiếu trong năm 2020 cho thấy, hệ số chi trả lãi vay giảm mạnh về mức 0,7 lần, tức lợi nhuận tạo ra không đủ chi trả lãi vay. Tương tự, theo số liệu từ Bộ Tài chính, thời gian qua, khối lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 51% tổng khối lượng phát hành, trong đó đến 90% trái phiếu không có tài sản bảo đảm là trái phiếu do tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành.
Trái phiếu doanh nghiệp không phải là không có rủi ro.
Bên cạnh đó, để việc phát hành thuận lợi, nhiều doanh nghiệp sử dụng “mồi nhử” lãi suất cao, trung bình ở mức gấp 1,5 lần, thậm chí gấp 2 lần lãi suất huy động của ngân hàng. Điều đáng nói là hiện nay, do không bắt buộc phải qua xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm hay bảo lãnh thanh toán, nên công cụ duy nhất để các nhà đầu tư nhận diện chất lượng trái phiếu cũng như năng lực trả nợ của doanh nghiệp là bản cáo bạch phát hành trái phiếu (OC), mà bản cáo bạch này liệu có minh bạch thì chỉ có doanh nghiệp biết mà thôi!
Với những rủi ro như thế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được ví là “bom nổ chậm”. Trước thực trạng này, nhằm hạn chế rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân không có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, đồng thời “siết” các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, điểm mấu chốt là phải cung cấp thông tin cho nhà đầu tư một cách chuẩn xác.
“Đối với các tổ chức tài chính tham gia vào thị trường như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, đề nghị phải là người tuân thủ pháp luật trước tiên. Đồng thời, phải cung cấp thông tin cho nhà đầu tư một cách chuẩn xác, không để họ nhầm lẫn hay hỗ trợ nhà đầu tư nhỏ lẻ nghiệp dư trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu bằng mọi giá”, ông Dương góp ý.
Đồng thời, ông Dương khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức lưu ý trái phiếu có lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Do đó, trước khi quyết định đầu tư trái phiếu, cần đánh giá, phân tích về lĩnh vực hoạt động, tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, mục đích sử dụng vốn trái phiếu, chất lượng tài sản đảm bảo, điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Chỉ khi cân nhắc kỹ về các rủi ro, nhà đầu tư mới nên quyết định mua trái phiếu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng thì cho rằng: Trong giai đoạn nền kinh tế bị tê liệt vì dịch bệnh, đây không phải lúc nhà đầu tư cá nhân bùng nổ và kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng.