“Cách đây 2-3 năm, chúng tôi thường nói ngoài bắc công suất dư thừa là 40%, nhưng sang đến năm 2022 thì sẽ thiếu điện trầm trọng. Do đó những nhà máy nhiệt điện than trong những năm tới sẽ phải gồng mình để chạy hết công suất, đáp ứng được tình trạng thiếu hụt điện của khu vực ngoài bắc”, Phó tổng giám đốc REE Nguyễn Quang Quyền chia sẻ.
Chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến Chiến lược đầu tư tháng 12/2021: Dòng tiền dẫn sóng do Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. HCM (HSC) tổ chức, các chuyên gia đánh giá trọng tâm của ngành điện trong thời gian tới là chuyển sang năng lượng sạch, năng lượng xanh. Trong đó Việt Nam đã cam kết hướng đến việc đẩy mạnh tỷ trọng sử dụng năng lượng xanh và giảm tỷ trọng thủy điện đã tới hạn, giảm thiểu dần nhiệt điện than gây ô nhiễm trong chu kỳ kinh tế mới.
Tiêu điểm đầu tư đối với cơ cấu phát triển điện Việt Nam theo các chuyên giá HSC là đẩy mạnh nhiệt điện khí LNG nhập khẩu và điện gió trên bờ, ngoài khơi. Trong đó điện gió ngoài khơi được cho là sẽ phát triển bùng nổ trong những năm tới khi phí ngày càng giảm, trong khi hiệu suất ngày càng tăng.
Về nhu cầu điện, ông Nguyễn Quang Quyền, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (HoSE:
REE) dự đoán sau đại dịch Covid-19, lượng điện dư thừa sẽ được dùng hết trong 1-2 năm tới. Nếu không có đầu tư mới trong 3-4 năm tới thì sẽ xuất hiện tình trạng thiếu hụt điện như những năm trước, đặc biệt ở khu vực miền bắc.
Phó tổng giám đốc
REE nhấn mạnh, khi GDP tăng 1% thì nhu cầu điện sẽ tăng 2% và GDP tăng 6% thì nhu cầu điện tăng 12%.
Theo ông Quyền, khu vực miền nam và miền trung hiện đang được cho là dư thừa điện. Trong khi đó, khu vực miền bắc hiện đang thu hút một lượng vốn đầu tư lớn của doanh nghiệp trong và ngoài nước nhưng nguồn điện có xu hướng không tăng trong 1 vài năm qua.
Đặc biệt, Chính phủ hiện không khuyến khích đầu tư điện than trong khi ở khu vực miền bắc thì loại hình này lại chiếm chủ yếu. “Chắc chắn từ quý IV này cho đến năm 2022, 2023 thì khu vực này sẽ thiếu điện”, ông Quyền khẳng định.
“Cách đây 2-3 năm, chúng tôi thường nói ngoài bắc công suất dư thừa là 40%, nhưng sang đến năm 2022 thì sẽ thiếu điện trầm trọng. Do đó những nhà máy nhiệt điện than trong những năm tới sẽ phải gồng mình để chạy hết công suất, đáp ứng được tình trạng thiếu hụt điện của khu vực ngoài bắc”, Phó tổng giám đốc
REE chia sẻ tại hội thảo.
Tại hội thảo, phía HSC đưa ra 6 dự báo về thay đổi chính sách trong thời gian tới. Một là kết thúc ưu đãi giá FIT 20 năm cho điện gió và điện mặt trời. Hai là chuyển sang cơ chế đấu thầu và mua bán điện trực tiếp (DPPA) đối với điện gió và điện mặt trời. Ba là các yêu cầu và điều kiện để năng lượng tái tạo nới lưới điện sẽ khó khăn hơn.
Bốn là Bộ Công Thương có thể quy định biểu giá điện mặt trời và điện gió hàng năm. Tiếp đến là đẩy nhanh tiến độ ký kết các hợp đồng mua bán điện (PPA) của các dự án LNG như Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4. Cuối cùng là tăng yêu cầu về công nghệ đối với các nhà máy điện than mới để kiểm soát mức phát thải và tăng mức độ linh hoạt để đáp ứng việc huy động năng lượng tái tạo, đóng cửa các nhà máy điện than quá cũ.
REE năm 2022: Doanh thu mảng điện dự kiến tăng 35-45%, lợi nhuận tăng 18-20%
Theo tiết lộ của lãnh đạo
REE, kết quả kinh doanh quý IV của công ty này khá khả quan, thủy điện được hưởng lợi từ thời tiết khi miền trung miền nam mưa nhiều, nước tốt.
Tổng doanh thu từ mảng điện năm 2021 của
REE ước đạt 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 700 tỷ đồng (tính theo tỷ lệ sở hữu tại các công ty con). Đại diện
REE cho biết mảng điện nước trong năm 2021 bị ảnh hưởng do Nhà máy điện Phả Lại có 1 tụ máy gặp trục trặc mất 6 tháng không thể vận hành, lợi nhuận mảng điện do đó thấp hơn kỳ vọng nhưng vẫn nhỉnh hơn kế hoạch đề ra.
Dự phóng năm 2022, ông Nguyễn Quang Quyền cho biết doanh thu mảng điện của
REE dự kiến tăng 35-45%, lợi nhuận tăng 18-20% so với kết quả ước tính ở trên.
Trong năm 2021,
REE đã đầu tư 3 dự án điện tại Trà Vinh, Ninh Thuận và Bình Thuận, hoàn thành COD vào ngày 31/10 vừa qua và được hưởng giá FIT của Chính phủ. Trong thời gian tới, đại diện
REE cho biết công ty này sẽ tìm kiếm và mua lại những dự án bị trễ COD vừa qua và những dự án đã được quy hoạch rồi.
REE dự kiến tập trung cho năng lượng tái tạo, đặc biệt là những dự án điện mặt trời áp mái, khai thác khách hàng là các khu công nghiệp tuy nhiên quá trình đầu tư sẽ chậm hơn do phải chờ giá điện của Chính phủ, Dù vậy,
REE cho rằng sẽ không có rủi ro.
“Việc đầu tư của
REE sẽ phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ về giá điện và tỷ suất lợi nhuận”, đại diện công ty cho hay.
Về kế hoạch thoái vốn, Phó tổng giám đốc
REE cho biết công ty hiện đã và đang tiến hành thoái vốn Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh và dự kiến thoái vốn Công ty Cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) trong thời gian tới.
Lợi nhuận hợp nhất của
REE dự kiến vẫn hoàn thành kế hoạch, cổ tức năm 2022 dự kiến vẫn như các năm trước, không có đột biến do công ty vẫn cần giữ lại một phần lợi nhuận để tái đầu tư.