Nếu quý 4 lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng trở lên, Vietnam Airlines vẫn có nguy cơ bị hủy niêm yết khi lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ hoặc âm vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Vietnam Airlines (HVN) vẫn còn nguy cơ bị hủy niêm yết
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines – mã
HVN) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu đạt 4.735 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng hàng không này lỗ gộp hơn 3.000 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, Vietnam Airlines lỗ ròng thuộc cổ đông công ty mẹ là 3.369 tỷ đồng trong khi cùng kỳ cũng lỗ ròng 2.932 tỷ đồng. Kết quả này tiếp tục đẩy khoản lỗ ròng 9 tháng lên con số 11.827 tỷ đồng, sâu hơn 3.700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến cuối quý 3, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên đến 21.200 tỷ đồng tuy nhiên doanh nghiệp này đã thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu nhờ hoàn thành tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng lên 22.144 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines thời điểm cuối quý 3 chỉ ở mức 1.475 tỷ đồng và vẫn có nguy cơ bị hủy niêm yết (lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ hoặc âm vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021) nếu quý 4 lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, nếu tiếp tục thua lỗ trong năm 2022, Vietnam Airlines cũng sẽ rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp.
Sau đợt tăng vốn, tình hình thanh khoản của Vietnam Airlines đã được cải thiện với tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn thời điểm cuối quý 3 tăng lên gần 8.300 tỷ đồng. Mặt khác, hãng hàng không này vẫn còn nợ rất nhiều khi số dư nợ vay tài chính chiếm đến hơn một nửa tổng tài sản với 36.548 tỷ đồng, tăng gần 2.500 tỷ đồng so với đầu năm.